Hạn hán nghiêm trọng nhất ở Panama trong 50 năm qua làm hạ mực nước hồ Gatun, nơi cung cấp lượng nước ngọt giúp nâng tàu qua kênh đào Panama. Vấn nạn bất ngờ này không những làm hạn chế lưu lượng tàu container lưu thông (từ 32 tàu/ngày năm ngoái xuống chỉ còn 20 tàu/ngày từ đầu năm 2024) mà lượng hàng hóa xếp dỡ cũng bị giảm xuống khi mớn nước từ 50 feet (15 mét) hạ xuống còn 44 feet (13,4 mét). Hạn chế nêu trên gây tắc nghẽn đường thủy nhân tạo trọng yếu dài 82 ki lô mét nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nơi 270 tỉ đô la Mỹ hàng hóa qua lại hàng năm.
Nguyên nhân từ đâu?
Gatun là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất thế giới, hình thành từ việc ngăn đập trên sông Chagres, cung cấp nước cho kênh đào Panama. Lượng nước của hồ được cung cấp từ hai nguồn là sông Chagres và lượng nước mưa hàng năm chảy từ những khu rừng nhiệt đới xung quanh. Hồ Gatun trong điều kiện bình thường có mực nước cao hơn mực nước biển 26 mét.
Mùa mưa ở Panama thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12 và còn lại là mùa khô. Do ảnh hưởng nặng bởi hiện tượng El Nino làm biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm nhiều trong suốt mùa mưa năm ngoái. Mực nước hồ Gatun đã tụt xuống mức thấp nhất trong gần 60 năm qua.
Tình trạng khô hạn sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong những tháng tới khi Panama bước vào mùa khô.
Một nguyên nhân sâu xa của lượng mưa giảm ở Panama có liên quan đến nạn phá rừng nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ nói chung, Panama nói riêng. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Leeds (Anh), lượng mưa hàng năm ở các vùng rừng nhiệt đới trên thế giới giảm theo tỷ lệ thuận với việc giảm mật độ rừng. Điều này cho thấy nguồn nước từ mưa cho việc khai thác kênh đào Panama sẽ giảm không phải chỉ trong ngắn hạn mà sẽ kéo dài trong nhiều năm tới. Nguồn nước cung cấp cho hồ Gatun cần những giải pháp khác cấp thời.
Các hãng tàu container xoay xở ra sao?
Tốp 10 hãng tàu tuyến dài (long haul) trong điều kiện bình thường trước đây thì sử dụng cả hai kênh đào Suez và Panama cho hải trình châu Á – Bờ Đông Mỹ (East Coast) do khoảng cách địa lý gần như bằng nhau. Ví dụ hải trình từ Hồng Kông đi Newark, (New Jersey) qua kênh đào Panama dài 21.500 ki lô mét, nếu qua kênh đào Suez là 22.000 ki lô mét.
Với những tuyến dịch vụ đang sử dụng kênh đào Panama, các hãng phải cân nhắc trước lựa chọn tiếp tục sử dụng kênh đào Panama với sản lượng xếp ít hơn (giảm hơn 2.000 TEU/tàu) và phí kênh đào Panama (Panama Canal Surcharge, PSC) đang tăng hoặc chuyển hướng vòng qua mũi Hảo Vọng. Với những tuyến dịch vụ đang sử dụng kênh đào Suez, lựa chọn duy nhất hiện nay cũng là đi vòng qua mũi Hảo Vọng bởi tình hình căng thẳng vũ trang tại kênh đào này. Lựa chọn bất đắc dĩ này sẽ kéo dài thời gian giao hàng 10-14 ngày, làm giảm sức cung chở hàng do hủy chuyến (blank sailing), rủi ro thiếu hụt vỏ container, tăng chi phí, giá cước tăng cao.
Một lựa chọn khác cho các hãng tàu là chuyển hàng qua Bờ Tây Mỹ (West Coast) ghé cảng Los Angeles/Long Beach rồi xếp lên tàu lửa xuyên nội địa Mỹ (Mini-Land Bridge, MLB) đến các cảng chính Bờ Đông (New York, NY; Norfolk, VA; Savannah, GA; Jacksonville, Fl; Charleston, SC;…), thời gian giao hàng sẽ nhanh hơn một tuần nhưng giá cước chênh lệch lên đến 1.000-1.200 đô la Mỹ cho một container 40 feet.
Cước và chi phí tăng cao
Để bù đắp chi phí, các hãng tàu đã áp phụ phí kênh đào Panama (PCS). Hãng tàu MSC thông báo mức áp là 297 đô la Mỹ/container từ ngày 15-12-2023, Maersk là 175 đô la Mỹ/container 20 feet và 305 đô la Mỹ/container 40 feet từ ngày 3-8-2023.
Các hãng tàu cũng đã tăng cước cho tuyến châu Á – Bờ Đông Mỹ để bù đắp chi phí nhiên liệu cho hải trình dài hơn, cũng như sức cung giảm đi. Giá cước Drewry WCI cho một container 40 feet từ Thượng Hải đi New York đã tăng 35%, hay tăng 1.007 đô la từ mức 2.851 đô la (hiệu lực từ 14-12-2023) lên đến 3.858 đô la (4-1-2024).
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ rủi ro đứt gãy trong dài hạn khi chưa có một giải pháp nào mang tính khả thi lâu dài cho kênh đào Panama đang “khát nước”.
|