Người Trung Quốc khoảng từ 2.000 năm trước, bắt đầu tôn thờ loài vật thần thoại này là vị thần đại diện cho Nước, để cầu mưa và cầu được bảo vệ.
Ảnh minh hoạ: Sixth Tone
Trong số 12 con giáp của Trung Quốc, "rồng" hay "long" là loài duy nhất không tồn tại trong thế giới thực. Trong thần thoại Trung Quốc cổ đại, rồng được xem là vị thần tạo mưa đầy quyền năng. Vào thời nhà Hán (202 TCN–220 SCN), người ta đã làm các con rồng bằng đất sét để sử dụng trong các nghi lễ cầu mưa. Theo thời gian, những phong tục địa phương này hòa nhập với quan niệm Phật giáo, hình ảnh Long Vương (vua Rồng) bắt đầu được tôn thờ là Thần Nước, thay thế Hà Bá - trước đây được xem là vị thần cai quản sông.
Việc bày tỏ lòng tôn kính với Long Vương đã trở thành một phần của nghi lễ tâm linh do những người cai trị thời nhà Đường (618–907) chủ trì, và tục lệ này nhanh chóng lan rộng khắp vùng Đồng bằng miền Trung Trung Quốc cổ đại.
Theo truyền thuyết, Long Vương cai trị mọi sinh vật dưới biển, chỉ huy đội quân tôm, cua và điều khiển thời tiết trên đất liền. Tuy nhiên, thay vì chỉ là một vị thần duy nhất, Long Vương là cả một đội quân. Bất cứ nơi nào có nước - dù là hồ, sông, biển hay suối - đều có Long Vương cư trú. Nổi bật nhất trong số đó là Tứ Hải Long Vương, xuất hiện trong tác phẩm kinh điển Trung Quốc "Tây Du Ký" với Đông Hải Long vương (Ngao Quảng), Tây Hải Long vương (Ngao Nhuận), Nam Hải Long Vương (Ngao Khâm), Bắc Hải Long vương (Ngao Thuận).
Tranh vẽ Tôn Ngộ Không mượn vũ khí từ Tứ Hải Long Vương, được in trên ấn bản "Tây Du Khi" vào thời nhà Thanh. Ảnh: Sixth Tone
Ở các vùng ven biển, ngư dân sẽ cúng tế Long Vương để cầu mong có thể đánh bắt được thật nhiều thuỷ hải sản. Những người nông dân vất vả trong đất liền cũng sẽ làm như vậy với hy vọng vị vua này sẽ ban mưa xuống vào mùa trồng trọt, đảm bảo mùa màng bội thu.
Một số có những nhiệm vụ đặc biệt, chẳng hạn như Kim Long Vương, người bảo vệ các con tàu, được tôn thờ chủ yếu ở hạ lưu sông Hoàng Hà và dọc theo kênh đào Đại Vận Hà từ bắc xuống nam. Trong văn hóa dân gian, vị thần này vốn là một người công chính liêm minh. Ông đã biến thành rồng để ngăn chặn trận lũ lụt tàn khốc khi đê sông Hoàng Hà bị vỡ vào thời Nam Tống (1127–1279).
Phần trung tâm của Đại Vận Hà cũng là nơi ở của Phân Thủy Long Vương. Vị thần này xuất hiện vào triều đại nhà Minh (1368–1644) công trình lớn nhằm lưu chuyển dòng nước từ Đại Vấn nằm ở tỉnh Sơn Đông ngày nay, nhằm giúp duy trì mực nước của kênh và đảm bảo giao thông ổn định. Mặc dù là đó là một sự kỳ công về kỹ thuật của con người, nhưng người dân địa phương vẫn tin rằng cần có một vị thần để giám sát các hoạt động hàng ngày của nó.
Ngay cả giếng nước và suối trên núi cũng có Long Vương riêng. Mặc dù có phạm vi cai quản nhỏ, nhưng những vị thần này được dân làng coi là đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nước dồi dào và không gây bệnh tật.
Tranh thời nhà Thanh vẽ Hải Long Vương (trái) và Đông Hải Long Vương. Ảnh: British Museum
Trong những bản in trên gỗ, các nghệ sĩ Trung Quốc cổ đại thường miêu tả Long Vương đội mũ miện và áo choàng nhã nhặn, tay cầm một thẻ ngà hoặc các hiện vật khác, giống như của hoàng gia trên trần gian. Tuy nhiên, khuôn mặt của Long Vương sẽ giống một con rồng; có răng nanh, miệng lớn, với đôi mắt có phần hung tợn.
Trong một số hình ảnh khác, vị thần này xuất hiện trong hình dạng con người, trông giống một vị quan trong triều đình cổ đại, và đôi khi sẽ cưỡi trên một con rồng lớn. Những bản in bằng gỗ đó có thể được đốt để hiến tế, treo trong cabin tàu, treo trong nhà hoặc đặt bên ngoài giếng và bể chứa nước như một lời cầu nguyện được bảo vệ.
Việc loài rồng tồn tại một cách thiêng liêng và đóng vai trò lớn trong thần thoại cổ đại làm nổi bật sự phụ thuộc vào nước để sinh tồn của các xã hội nông nghiệp truyền thống Trung Quốc. Thậm chí ngày nay, niềm tin vào Long Vương vẫn còn tồn tại, khi một số người tiếp tục bày tỏ lòng tôn kính với vị thần này và hy vọng có thể triệu hồi mưa đến, hoặc cầu mong việc đi lại trên sông nước được an toàn.
VietBF@ sưu tập