Tổng thống Pháp công bố dự luật hợp pháp hóa việc cho phép người sắp qua đời vì bệnh nặng chọn cái chết bằng thuốc độc.
Trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 10/3 với tờ La Criox, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết dự luật chỉ áp dụng với người trưởng thành mắc bệnh không thể chữa trị và sẽ qua đời trong "ngắn hoặc trung hạn", cũng như những người đang trải qua nỗi đau "không thể chịu đựng được" về thể chất hoặc tâm lý, như mắc ung thư giai đoạn cuối.
Theo ông Macron, chỉ những ai từ 18 tuổi trở lên và có khả năng tự nhận thức mới được phép tham gia quy trình này, đồng nghĩa những người mắc bệnh tâm thần nặng hoặc bị rối loạn chức năng thần kinh như Alzheimer sẽ không đủ tiêu chuẩn.
Bệnh nhân đồng ý tham gia quy trình được yêu cầu xác nhận lại lựa chọn của mình sau 48 giờ, trước khi chờ tối đa hai tuần để nhận hồi đáp từ đội ngũ y tế. Bác sĩ sau đó sẽ kê đơn thuốc để giúp bệnh nhân có "cái chết êm ái". Người bệnh có thể dùng thuốc tại nhà, viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc khỏe.
Tổng thống Macron phát biểu trước cộng đồng người Pháp ở Bắc Kinh ngày 5/4. Ảnh: Reuters
Nếu tình trạng thể chất khiến bệnh nhân không thể tự sử dụng thuốc, họ có thể chọn người giúp đỡ hoặc nhờ bác sĩ và y tá, theo ông Macron. Dự luật sẽ được đưa ra thảo luận tại quốc hội Pháp vào tháng 5.
Đây là lần đầu tiên Pháp công bố dự luật như vậy. Hiện tại, luật của Pháp cho phép "sử dụng thuốc an thần sâu và liên tục" đối với những bệnh nhân phải chịu đựng rất nhiều đau đớn, nhưng không cho phép trợ tử hay an tử.
An tử là việc bác sĩ tiêm thuốc độc gây tử vong cho bệnh nhân theo đề nghị của người này, với điều kiện là bệnh nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể. Đối với hình thức trợ tử bằng phương pháp y tế, bệnh nhân tự nguyện sử dụng thuốc độc theo đơn bác sĩ kê.
Kết quả một cuộc khảo sát công bố tháng 4/2023 cho thấy phần lớn người dân Pháp ủng hộ cho phép bệnh nhân sắp chết vì bệnh nan y được quyền quyết định mạng sống của mình.
Hiện người dân Pháp muốn "cái chết êm ái" thường phải ra nước ngoài. Trợ tử đã được cho phép ở Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha, trong khi an tử đã được hợp pháp hóa ở Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Tây Ban Nha với một số điều kiện nhất định.