Nhiều tài xế rất yêu thích lái xe đi đường dài vào ban đêm bởi đây là thời điểm đường sá thông thoáng, ít xe qua lại và tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, lái xe trong điều kiện tối trời cũng tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy, thậm chí nguy cơ gặp tai nạn nghiêm trọng nhiều hơn so với ban ngày.
Giảng viên đào tạo lái xe tại Hà Nội và cũng là người có hơn 20 năm kinh nghiệm "ôm vô lăng" cho rằng, với những tài xế mới hoặc người ít lái xe vào ban đêm sẽ không quen với môi trường ánh sáng yếu, tầm nhìn hạn chế. Đặc biệt, khi lái xe vào buổi tối muộn hoặc rạng sáng rất dễ uể oải, mệt mỏi và cơn buồn ngủ có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Để hạn chế những rủi ro, anh Tùng cho rằng, ngoài việc tài xế luôn phải tập trung, phản xạ nhanh với các tình huống bất ngờ thì cần chú ý và tham khảo một số kinh nghiệm "xương máu" dưới đây:
1. Vệ sinh kính lái, pha đèn trước chuyến đi
Khi di chuyển vào thời điểm tối trời, nếu các bộ phận như kính trước, kính sau bị bẩn sẽ gây cản trở tầm nhìn. Khi có đèn chiếu vào sẽ lóe lên cùng với ánh sáng, rất khó chịu. Do vậy, trước mỗi chuyến lái xe vào ban đêm, lái xe nên làm sạch kính trước, kính sau, cửa kính để có tầm quan sát tốt nhất.
Ngoài ra, hệ thống đèn của xe như đèn pha, đèn gầm, đèn hậu, đèn phanh, các mắt camera,... cũng phải đảm bảo hoạt động tốt và được vệ sinh sạch sẽ để đạt được hiệu quả chiếu sáng tối ưu.
2. Sử dụng đèn pha đúng cách
Một nguyên tắc lái xe trời tối khi đi ở đường ngoài đô thị, đặc biệt là đường đèo dốc là nên bật đèn pha ở chế độ chiếu xa. Điều này không chỉ làm tăng tầm quan sát mà còn giúp báo hiệu cho các phương tiện ngược chiều biết có xe đang di chuyển tới.
Tuy vậy, bạn cần nhớ chuyển sang chế độ chiếu sáng thấp (cos) khi gặp xe đối diện hoặc bám đuôi 1 chiếc xe nào đó để không làm chói mắt các phương tiện khác.
3. Điều chỉnh gương để không bị chói
Khi lái xe ban đêm, bạn cũng sẽ rất hay gặp những chiếc xe phía sau bật đèn pha khá vô ý. Ánh sáng mạnh qua gương chiếu hậu và hắt thẳng vào mắt khiến chúng ta bị chói, có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe. Lúc này, nên hạ góc chiếu gương xe xuống một chút để tránh bị ánh sáng đèn pha xe phía sau chói thẳng vào mặt.
Với các xe đời mới, gương chiếu hậu bên trong xe thường có chế độ chống chói hoặc tự động giảm độ sáng. Do vậy, đừng quên bật chức năng này khi lái xe vào ban đêm để tránh bị các xe phía sau rọi đèn vào mắt.
4. Nếu xe dán kính quá tối, hãy hạ kính khi đi qua khu vực khó quan sát
Tại Việt Nam, nhiều chủ xe thích dán phim cách nhiệt tối màu lên các cửa kính để chống nắng và chống chói sáng. Thế nhưng với những cánh cửa kính quá đen sẽ khiến tầm quan sát của lái xe bị hạn chế đáng kể vào ban đêm.
Nếu thường xuyên phải di chuyển ban đêm, nên cân nhắc màu phim có độ cản sáng vừa phải để vừa tối ưu hóa khả năng chống chói nắng nóng vào ban ngày lại vừa có tầm nhìn tốt vào ban đêm.
Còn nếu đã "trót" dán kính quá đen, khi đi qua những khu vực cần quan sát hai bên như đường hẹp, ngõ tối hoặc khi lùi xe,... có thể hạ cửa kính hai bên xuống khoảng 1/2 để có thể quan sát dễ hơn.
5. Giảm độ sáng của bảng điều khiển
Đèn trên bảng điều khiển có thể tạo ra ánh sáng quá gắt, gây mất tập trung, nhanh mỏi mắt và làm giảm tầm nhìn của lái xe. Nếu xe của bạn có công tắc điều chỉnh độ sáng bảng điều khiển, hãy để ánh sáng ở mức vừa phải mà thôi.
Các đèn chiếu sáng nội thất khác như đèn trần, đèn từ màn hình giải trí,… cũng có thể khiến người lái mất tập trung nên tốt nhất nên tắt hoặc để ở chế độ nghỉ trong khi lái xe vào ban đêm.
6. Hạn chế bật nhạc quá "êm"
Trong quá trình lái xe ban đêm, nên trò chuyện với những người trên xe để “quên” đi cơn buồn ngủ. Còn nếu phải lái xe một mình, bạn có thể bật những bản nhạc sôi động, có tiết tấu rõ ràng, tránh bật nhạc “đều đều”, có thể khiến cơn buồn ngủ đến nhanh hơn.
7. Nói 'không' với rượu bia
Rượu bia và một số loại thuốc có thể làm giảm nghiêm trọng khả năng lái xe, nhất là vào ban đêm. Rượu bia dù chỉ cần uống một ly là có thể gây ra mệt mỏi, buồn ngủ rất nguy hiểm. Không những vậy, lái xe có thể bị CSGT phạt nặng khi trong hơi thở có nồng độ cồn.
Do đó, hãy kiên quyết từ chối sử dụng rượu bia trước khi cầm lái, không chỉ là ban đêm. Lái xe có thể chuẩn bị những loại đồ uống như cà phê, nước ngọt, nhai kẹo cao su,... để đỡ buồn ngủ.
8. Khi quá buồn ngủ, đừng cố cầm lái
Với những người không quen lái xe ban đêm thì công việc ôm vô lăng trong nhiều giờ sẽ rất mệt và buồn ngủ. Do vậy, việc ngủ đủ giấc trước khi thực hiện một hành trình dài vào ban đêm là rất quan trọng. Hãy bố trí nghỉ giải lao phù hợp và không nên lái xe liên tục quá 4 giờ.
Nếu mắt díu lại, tuyệt đối không được cố cầm lái mà hãy tìm một nơi an toàn để đỗ xe và chợp mắt khoảng 10-15 phút, sau đó rửa mặt bằng nước lạnh cho tỉnh táo trước khi tiếp tục hành trình.
Một lưu ý quan trọng là khi đỗ xe để nghỉ vào ban đêm, cần chọn một nơi thực sự an toàn, không chiếm làn đường xe chạy cũng như khuất tầm nhìn, làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Đồng thời, luôn bật đèn cảnh báo và thực hiện phanh tay, chèn bánh xe cẩn thận nếu dừng đỗ ở khu vực có độ dốc cao.
|
|