Giảm nửa lượng đường theo công thức, thay đồ chứa đường bằng món ăn ngọt lành mạnh hay hạn chế dần đường trắng... là những cách để bạn loại bỏ đường khỏi chế độ ăn.
Bệnh tim, tiểu đường loại 2 và béo phì có thể là kết quả của việc tiêu thụ quá nhiều đường. Nhưng việc từ bỏ đường, dù cai hẳn hay không, có thể là thách thức. Sau đây là một số chiến lược để giảm lượng đường trong chế độ ăn uống của bạn.
Giảm nửa lượng đường
Nếu bạn quen thêm một thìa đường vào cà phê, chỉ cần giảm một nửa. Cố gắng giảm lượng đường được chỉ định trong công thức xuống một phần ba đến một nửa khi làm bánh. Bạn có thể không nhận thấy sự khác biệt về hương vị nhưng lượng đường tiêu thụ sẽ giảm đáng kể.
Thay thế đồ ăn chứa đường bằng các món lành mạnh
Thay vì ra ngoài ăn kem, hãy rủ gia đình tham gia các hoạt động thể chất như đạp xe hoặc đi bộ. Khi thèm đường, hãy nhai kẹo hoa quả, chà là và trái cây tươi như táo, chuối hoặc cam. Đặt những thứ này ở một vị trí cố định trên bàn. Khi bạn đang vội, chúng rất tiện để cầm theo và là món đồ ngọt tuyệt vời.
Cắt giảm đường trắng
Khi cho đường trắng tinh luyện vào cà phê hoặc thêm vào các món nướng, bạn sẽ thấy ngon hơn, nhưng thói quen này gây hại cho sức khỏe. Chúng ta hấp thụ đường nhanh chóng, làm tăng lượng đường trong máu và insulin, từ đó gây ảnh hưởng không tốt cho cơ thể. Hãy thử tiêu thụ đường nâu ban đầu và dần loại bỏ đường.
Loại bỏ các sản phẩm chứa nhiều đường
Các đồ uống có đường, đồ ngọt, đồ ăn nhẹ, cà phê và trà có đường, kẹo cùng các loại đường khác (mứt, syrup, lớp phủ), ngũ cốc ăn sáng và thanh granola là những nguồn chính chứa nhiều đường. Hãy xác định loại nào bạn thường tiêu thụ nhiều và cắt giảm dần chúng. Lượng đường tổng thể sẽ giảm nhiều nhất nếu hạn chế nguồn đường chính đang tiêu thụ.
Dành thời gian để ngủ
Giảm chức năng miễn dịch, béo phì, trầm cảm và kém tập trung đều liên quan đến tình trạng thiếu ngủ. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống, khiến bạn dễ chọn những thực phẩm nhiều calo, chất béo, đường và muối hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người thức khuya và không ngủ đủ giấc có xu hướng tiêu thụ nhiều calo, thức ăn nhanh và soda hơn, cũng như ít trái cây và rau củ hơn so với những người thức dậy sớm và ngủ đủ giấc.