Chỉ cần nhìn hình thấy loài gà này, nhiều người đã phải thốt lên vì nó quá đẹp. Không chỉ đẹp, nó còn vô cùng quý hiếm. Hiện đây là giống gà lôi chỉ có ở Việt Nam.
Năm 1964, gà lôi lam đuôi trắng lần đầu được phát hiện ở Việt Nam. Đến năm 1975, nó chính thức được đặt tên như hiện tại, tên khoa học là Lophura hatinhensis. Giống gà này là động vật đặc hữu ở miền trung Việt Nam, thường sống tập trung xung quanh khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tại Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Gà lôi lam đuôi trắng.
Gà lôi lam đuôi trắng thích nhất là sống ở các sườn đồi thấp, thung lũng ven suối cao khoảng 50 – 200m. Tại những nơi này, tán rừng ẩm, nhiều cây cọ, mây, song và tre nứa nhỏ nên chúng rất ưa.
Sở dĩ gọi gà lôi lam đuôi trắng là loài gà điệu đà nhất là bởi bộ lông bắt mắt của chúng. Gà đực trưởng thành sẽ có thêm mào lông màu trắng ở đỉnh đầu, cổ ngực và đuôi màu đen ánh tím thẫm; lông cánh màu đen, bao xung quanh có ánh xanh. Trong khi đó, gà cái thì thường có lông màu hung nâu sẫm, da mặt và chân màu đỏ, mỏ sừng màu đen.
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa gà lôi lam đuôi trắng và gà lôi lam mào trắng. Điểm khác nhau của hai loài này là lông đuôi. Nhưng cũng như các loại gà lôi khác, gà lôi lam đuôi trắng thường ăn quả, lá, mần non, hạt quả, giun đất, ốc nhỏ…
Gà lôi lam đuôi trắng đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000), IUCN (1996, 2000), Nghị định 18/HĐBT (1992) và Nghị định 48/ NĐ-CP (2002); Sách Đỏ Châu Á (2001); Danh sách các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của công ước CITES; Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (1996) nhằm bảo tồn giống gà lôi lam đuôi trắng.
Theo “Sách đỏ Việt Nam”, gà lôi lam đuôi trắng có giá trị thẩm mỹ và khoa học rất cao. Chúng cực hiếm, chỉ tồn tại ở nước ta. Điều đó đặt ra nhiệm vụ quan trọng là phải nghiên cứu, bảo vệ giống gà này khỏi bị tuyệt chủng.
VietBf@ sưu tập