Quần thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng có lẽ là kho báu ẩn chứa nhiều điều giới khảo cổ Trung Quốc cần giải đáp nhất
Hơn 2.000 năm sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, thế giới mới biết đến kỳ quan ẩn dưới lòng đất: Quần thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở chân núi Ly Sơn, cách cố đô Trường An (nay là Tây An) của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc 35 km về phía đông bắc.
Là nơi yên nghỉ của vị hoàng đế lập ra đế chế thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa vào thế kỷ thứ 3 TCN, Quần thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng (đôi khi gọi tắt là Tần lăng) là lăng mộ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, với tiêu chuẩn và bố cục độc đáo, cùng số lượng lớn đồ tùy táng tinh xảo, hiếm có.
Quang cảnh một phần Đường hầm Binh Mã dũng thuộc Tần lăng. Nguồn: Digital Vision/Thinkstock
Vào ngày công nhận khu phức hợp này là Di sản Thế giới năm 1987, UNESCO nhận định Tần lăng là minh chứng rực rỡ cho sự hùng mạnh của nhà Tần với quyền lực chính trị, quân sự, kinh tế bùng nổ cùng văn hóa và nghệ thuật đỉnh cao chưa từng có.
Năm 2024 đánh dấu tròn 50 năm ngày Trung Quốc phát hiện quần thể rộng 56,25 km vuông này. 5 thập kỷ trôi qua, các cuộc khai quật khảo cổ quy mô lớn tại địa điểm này vẫn tiếp tục cho đến thế kỷ 21 và các nhà khảo cổ học dự đoán rằng sẽ còn mất rất nhiều năm mới có thể khai quật toàn bộ khu lăng mộ.
Chính vì điều đó, những phát hiện mới tại "kho báu khảo cổ' này vẫn khiến giới mộ điệu kinh ngạc và thán phục.
Phát hiện hiếm có nhất năm 2024 tại Lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Ngày 19/12/2024, Heritagedaily đăng tải bài viết cho biết, năm 2024 Trung Quốc đã có nhiều khám phá khảo cổ quan trọng tại Tần lăng nhưng phát hiện quan trọng nhất, hiếm có nhất chính là việc khám phá ra bức tượng tướng quân - vị chỉ huy quân sự cấp cao - tại Đường hầm Binh Mã dũng số 2 của Binh Mã dũng (Đội quân đất nung và ngựa) trong Quân thể Lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Theo chuyên gia Zhu Sihong, người đứng đầu dự án khai quật, đây là lần đầu tiên giới khảo cổ phát hiện ra một vị chỉ huy kể từ khi Đường hầm Binh Mã dũng số 2 được mở để khai quật quy mô lớn lần đầu tiên vào năm 1994.
Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy 2 bức tượng sĩ quan cấp cao và 5 bức tượng mặc áo giáp đi cùng tượng tướng quân bằng đất nung. Kỳ tích này được thực hiện vào tháng 11/2014.
Cho đến nay, chỉ có 10 bức tượng tướng quân được phát hiện trong số hàng nghìn chiến binh đất nung tại Tần lăng, khiến phát hiện này trở thành đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu về hệ thống và tổ chức quân sự của nhà Tần (221 TCN-207 TCN). thời cổ đại.
Cũng tại Đường hầm Binh Mã dũng số 2, giới chuyên gia Trung Quốc phát hiện thêm 2 cỗ chiến xa tứ mã vào ngày 16/12/2024 và đang tiến hành dọn sạch sâu các bức tượng người và ngựa này.
Theo CCTV, kể từ khi cuộc khai quật chính thức tại Đường hầm Binh Mã dũng số 2 được tiếp tục vào năm 2015, các nhà khảo cổ đã xác định được các đội hình gồm kỵ binh, lính bắn nỏ, xe ngựa và các đơn vị hỗn hợp tại đây.
Dấu hỏi lớn bên trong Tần lăng
Tổng cộng, trong nửa thế kỷ qua, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện được các Đường hầm Binh Mã dũng số 1, 2, 3 với tổng diện tích hơn 20.000 mét vuông trong Tần lăng.
Trước những phát hiện khảo cổ quan trọng trong năm 2024 tại Tần lăng, ông Zhu Sihong vừa đưa ra nhận định quan trọng: Các chiến binh đất nung hiện được khai quật ở Hầm số 1, số 2 và số 3 đều có mắt một mí. Thậm chí, 10 bức tượng tướng quân cũng được tạc với đôi mắt một mí.
Đây là điều khó hiểu nhất trong Tần lăng, bởi hàng nghìn chiến binh đất nung là hàng nghìn nét mặt, biểu cảm sắc thái khác nhau - chỉ duy đôi mắt một mí là giống nhau.
Nhận định về điều này, chuyên gia Zhu Sihong cho CCTV News biết: "Không có kết luận chắc chắn nào trong giới học thuật về việc tại sao tất cả các chiến binh đất nung được khai quật đều có mắt một mí. Bước đầu, chúng tôi có hai suy đoán.
Thứ nhất, mắt một mí và mắt hai mí có thể liên quan đến chủng tộc, sắc tộc. Vào thời điểm đó, hầu hết mọi người đều có mắt một mí.
Thứ hai, mắt hai mí thoạt nhìn dễ tạo cảm giác thân thiện và quảng giao, trong khi mắt một mí có vẻ lạnh lùng và nghiêm túc, điều này khá phù hợp với những bức tượng binh lính và tướng quân - vốn có nhiệm vụ canh gác giấc ngủ ngàn thu cho Hoàng đế Tần Thủy Hoàng".
Theo nhà sử học Sima Qian (khoảng 145-95 TCN), khoảng 700.000 công nhân từ khắp nơi của nhà Tần đã làm việc không ngừng nghỉ trong hơn 36 năm để xây dựng một cung điện ngầm bên trong một gò đất khổng lồ để chôn cất Hoàng đế năm ông băng hà vào 210 TCN.
Khu vực xung quanh Tần lăng là nơi có lăng mộ của một số vị vua Trung Hoa cổ đại khác, bao gồm lăng mộ của Đường Thái Tông, hoàng đế thứ hai (626–649 SCN ) của triều đại nhà Đường và hoàng đế Hán Vũ Đế (141–87 TCN).
VietBF@ Sưu tập