Loại củ này được nhiều người ưa chuộng vì hương vị thơm ngon và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Củ lùn (hay còn gọi là củ năng tàu, khoai lùn) có tên khoa học là Calathea allouia hoặc Calathea allovia, thuộc họ Marantaceae. Loại củ này có ngoại hình giống với củ từ, nhiều rễ phụ tua tủa. Củ lùn có màu vàng nhạt giống khoai tây, lá màu xanh, dài khoảng 30cm.
Phần ruột bên trong củ lùn có màu trắng, chứa nhiều tinh bột, khi ăn giòn giòn, sần sật chứ không bở như nhiều loại củ quen thuộc khác. Tại Việt Nam, củ lùn mọc nhiều ở các tỉnh miền Tây như: Sóc Trăng, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang,... Mùa vụ của loại củ này thường rơi vào tháng 11 - 12 Âm lịch.
Theo các nghiên cứu, củ lùn tốt cho sức khỏe là bởi chúng chứa nhiều loại chất dinh dưỡng như: Vitamin C, A, K, B, kali, photpho, canxi, sắt, kẽm, cùng các chất chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn.
Dưới đây là những công dụng của củ lùn đối với sức khỏe mà bạn nên biết.
Kiểm soát đường huyết
Nhiều nghiên cứu chỉ ra củ lùn có thể giúp hạ đường huyết, an toàn cho người bệnh tiểu đường. Theo đó, dù có vị ngọt và thuộc nhóm tinh bột, nhưng lượng tinh bột trong củ lùn ở mức vừa phải, ngoài ra còn có nhiều nước, nhiều chất xơ và ít calo. Vì vậy, chúng là loại thực phẩm an toàn cho những người bị bệnh tiểu đường, giúp cải thiện đường huyết tốt.
Bên cạnh đó, trong củ lùn còn chứa nhiều canxi, photpho, kali - những chất có khả năng ổn định huyết áp và giảm mỡ máu hiệu quả.
Giảm cân
Lượng calo có trong củ lùn ở mức thấp, còn chất xơ lại rất dồi dào, vì vậy chúng được coi là thực phẩm lý tưởng cho người ăn kiêng hoặc đang giảm cân. Chất xơ trong củ lùn sẽ tạo cảm giác no lâu, không gây thèm ăn nên tốt cho việc kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, thành phần này còn ngăn chặn sự tăng trưởng của đường huyết sau khi ăn.
Thanh nhiệt, giải khát
Củ lùn còn có công dụng thanh nhiệt và giải khát nhờ chứa nhiều nước. Khi ăn củ lùn, cơ thể sẽ được cung cấp độ ẩm, chống mất nước và giúp thanh nhiệt, giảm cơn khát, lợi tiểu và mát gan. Vào mùa hè, loại củ này được rất nhiều người dân lựa chọn để chế biến.
Chống oxy hóa
Trong củ lùn, người ta tìm thấy hàm lượng các chất chống oxy hóa dồi dào, ngoài ra còn có các loại khoáng chất vitamin A, C, B, K,... có tác dụng hỗ trợ hình thành các collagen, mô liên kết và làm tăng độ đàn hồi của da, làm chậm quá trình lão hóa.
Với phụ nữ, ăn củ lìn sẽ giúp ngăn chặn quá trình lão hóa diễn ra nhanh, giúp da dẻ mịn màng, căng bóng hơn.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Trong củ lùn chứa một lượng lớn chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Đây là thành phần quan trọng trong việc duy trì sự hoạt động bình thường của đường ruột.
Chất xơ sẽ tăng cường sự di chuyển của thức ăn thông qua đường tiêu hóa và giảm thời gian tiếp xúc giữa các chất độc hại và niêm mạc ruột, từ đó giảm nguy cơ tạo ra các vấn đề tiêu hóa như táo bón, giúp tăng cường chức năng tiêu hóa.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Chất xơ hòa tan trong củ lùn có công dụng giảm mức cholesterol LDL (cholesterol xấu), từ đó giảm nguy cơ mắc các loại bệnh nguy hiểm về tim mạch như xơ vữa động mạch hay đột quỵ.
Nguồn kali, magie và khoáng chất trong củ lùn cũng là những chất quan trọng trong việc tăng cường và duy trì sức khỏe của tim mạch.
Lưu ý khi chọn và chế biến củ lùn
Củ lùn là loại thực phẩm thơm ngon và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, người dùng cần ghi nhớ thêm những lưu ý khi chọn và chế biến loại củ này đưới đây:
- Khi mua củ lùn, nên chọn những củ có vỏ mịn, màu vàng sáng, không bị khô. Vì củ lùn tươi sẽ có hương vị ngọt mát và chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe hơn.
- Trước khi chế biến, nên rửa sạch củ lùn với nước rồi cắt bỏ phần cuối và phần đầu trước khi chế biến để đảm bảo vệ sinh.
- Khi chế biến, không nên dùng nhiều dầu, gia vị khi chế biến củ lùn vì có thể làm giảm hương vị tự nhiên vốn có của chúng. Không nên chế biến củ lùn quá chín vì có thể làm mất đi độ giòn và vị ngọt tự nhiên của chúng.
VietBF@ Sưu tập