Người bị loét miệng nên ăn cháo, súp từ thịt cá băm nhuyễn, dùng hoa quả, ngũ cốc trộn sữa chua hoặc làm sinh tố, nhai lá húng quế để mau lành.
Loét miệng (viêm áp tơ) là vết loét nông, trắng, vàng ở giữa, viền đỏ, thường xuất hiện bên trong má, môi hoặc trên lưỡi. Bệnh phổ biến ở phụ nữ và người trẻ. Loét miệng không lây nhiễm hoặc do virus gây ra, thường do phản ứng miễn dịch của tế bào T, kéo dài 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Một số người loét miệng có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến chán ăn, đau, sụt cân.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, gợi ý một số thực phẩm tốt cho người bệnh, giúp vết loét mau lành hơn.
Thịt, cá nấu súp: Người bị loét miệng khó nhai nuốt, dẫn đến lười ăn. Những món mềm như cháo, súp từ thịt, cá băm nhuyễn, trứng hoặc hầm cùng các loại đậu, rau củ thái nhỏ dễ ăn, cung cấp đủ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, mau lành bệnh.
Các thực phẩm từ sữa: Sữa lắc và sinh tố, sữa chua hoặc sữa trứng, bánh flan, phô mai, kem trứng... được dùng làm món ăn nhẹ, giúp người bệnh không bị đói, nhanh lành vết loét.
Quả: Ăn các loại quả mềm, cắt nhỏ hoặc trộn sữa chua, sữa tươi giúp dễ tiêu hóa. Người bệnh có thể xay sinh tố cùng mật ong hay sữa chua để tạo món bổ dưỡng.
Ngũ cốc: Người bệnh ăn ngũ cốc vào các bữa sáng, ngâm thực phẩm này trong sữa, làm bánh sandwich mềm bỏ vỏ.
Húng quế: Thảo mộc có thể chữa lành vết loét miệng. Người bệnh lấy một vài lá đã rửa sạch, nhai kỹ, uống một ít nước giúp nhanh lành vết thương trong miệng.
Nghệ: Đây là thực phẩm giảm đau, chống viêm rất tốt. Người bệnh ngậm hỗn hợp bột nghệ và mật ong bằng cách trộn đều 2-3 thìa bột nghệ với 3 ml mật ong và đắp, ngậm trực tiếp lên các vết nhiệt miệng. Để hiệu quả nhanh hơn, bạn hãy đắp hỗn hợp ít nhất hai lần một ngày, mỗi lần trên 10 phút.
Khi miệng bị tổn thương nặng, gây đau, bác sĩ Phương khuyên người bệnh tránh nước ép trái cây, thực phẩm có tính axit, mặn hoặc cay. Hạn chế ăn uống nóng, nên uống bằng ống hút để chất lỏng không chảy vào những chỗ đau. Vệ sinh răng miệng sạch có thể ngăn ngừa loét hoặc nhiễm trùng trong miệng. Nếu loét miệng kéo dài không khỏi, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị hiệu quả.
|