Theo như có một tổ chức cung cấp thông tin liên quan đến các dịch vụ tình báo quốc gia có trụ sở tại Paris vừa tiết lộ động thái của hàng nghìn quân nước này liên quan tới Ukraine, trong đó có cả lính đặc nhiệm giữa bối cảnh các cuộc đàm phán có thể sắp diễn ra giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về tình hình Ukraine, Intelligence Online .
Hàng nghìn quân Pháp lộ động thái giữa tin Nga-Mỹ sắp đàm phán
Giữa bối cảnh các cuộc đàm phán có thể sắp diễn ra giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về tình hình Ukraine, Intelligence Online - một tổ chức cung cấp thông tin liên quan đến các dịch vụ tình báo quốc gia có trụ sở tại Paris - ngày 15/1 bất ngờ tiết lộ, lực lượng vũ trang Pháp đã tiến hành các cuộc tập trận để chuẩn bị cho khả năng triển khai lực lượng tới Ukraine.
Trước đó, ông Trump hôm 10/1 thông báo đang sắp xếp một cuộc gặp với ông Putin.
"Lực lượng đặc nhiệm, chuyên gia vận hành máy bay không người lái và lực lượng tác chiến mạng của quân đội Pháp đã tiến hành các cuộc tập trận tại một khu huấn luyện bí mật từ mùa thu năm 2024" - Intelligence Online cho hay.
Cuộc diễn tập này mang tên "Perseus", với sự tham gia của 3.200 quân nhân Pháp tại một khu vực "có địa hình tương tự như khúc quành của sông Dnieper ở phía bắc Kiev".
![](https://i.ibb.co/M5T7Svk/01-main-1737025352431-17370253532041193907224.jpg)
Hàng ngàn quân Pháp đã diễn tập kịch bản can thiệp vào Ukraine. Ảnh: Getty
Theo lưu ý của Intelligence Online, quân đội Pháp "đã tiến hành một kịch bản can thiệp vào Ukraine". Mục tiêu là "đẩy lùi cuộc tấn công đột phá (nếu có) của Nga từ lãnh thổ Belarus (giáp ranh Ukraine).
Nội dung diễn tập dựa trên dữ liệu rút ra từ quá trình phân tích kinh nghiệm chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine.
"Hiệu suất tác chiến và trang bị của 3.200 binh sĩ đã được thử nghiệm. Cuộc tập trận tập trung vào kỹ năng chiến thuật trong việc sử dụng máy bay không người lái, gây nhiễu điện tử và tình báo điện tử, cũng như khả năng tương tác của các đơn vị trong điều kiện chiến đấu cường độ cao" - Intelligence Online cho hay.
Theo tờ New Voice of Ukraine, trước đó, vào ngày 8/3/2024, tờ Politico (Mỹ) đưa tin rằng, quân đội Pháp đang chuẩn bị cho cuộc xung đột cường độ cao với một đối thủ "có thể sánh ngang với họ về sức mạnh hỏa lực".
Nguồn tin của Politico không nêu tên đối thủ tiềm tàng này, nhưng giới chuyên gia khi đó nhận định, các cuộc tập trận của quân đội Pháp nhằm mục đích chuẩn bị để chiến đấu với một đối thủ như Nga.
Đáng lưu ý, thông tin về động thái của quân đội Pháp được đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa ông Putin và ông Trump có thể diễn ra sớm.
Trang tin Topwar (Nga) nhận định, điều đó cho thấy ý tưởng đưa quân đội NATO tới Ukraine đã và luôn nằm trong suy nghĩ của các nước phương Tây. Yếu tố này cũng có thể chi phối một phần kết quả của các cuộc đàm phán sắp tới.
3 điều kiện ông Putin có thể đưa ra nếu đàm phán
Liên quan tới khả năng đàm phán giữa ông Putin và ông Trump về vấn đề Ukraine, hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 15/1 dẫn các nguồn tin nắm rõ tình hình cho biết, nếu có bất cứ cuộc đối thoại nào diễn ra thì Nga cũng sẽ yêu cầu Ukraine cắt giảm mạnh mẽ mối quan hệ quân sự với NATO và trở thành quốc gia trung lập có quân đội quy mô hạn chế.
"Trước sự tự tin ngày càng gia tăng vào lợi thế của Nga trên chiến trường Ukraine, Tổng thống Putin quyết tâm đạt được mục tiêu là Kiev sẽ không bao giờ gia nhập NATO và sẽ đặt ra giới hạn cho năng lực quân sự của Kiev" – Các nguồn tin nắm rõ lập trường của Điện Kremlin nói với Bloomberg.
Một trong những người nắm rõ về các bước chuẩn bị của Moscow cho các cuộc đàm phán tiềm năng sắp tới nêu rõ lập trường của Điện Kremlin như sau: Các thành viên riêng lẻ trong khối NATO có thể tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine theo thỏa thuận an ninh song phương, tuy nhiên, bất cứ vũ khí nào trong số đó cũng không được sử dụng để chống lại Nga hoặc phục vụ mục đích giúp Kiev giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
![](https://i.ibb.co/9qSpv8k/pu1-1737025352431-1737025353159936206618.jpg)
Ông Trump và ông Putin có thể sẽ đàm phán về vấn đề Ukraine trong thời gian tới. Ảnh: NBC News
Ngoài ra, điều kiện thứ ba của Nga sẽ bao gồm việc duy trì quyền kiểm soát thực tế đối với gần 20% lãnh thổ mà Nga đang nắm giữ ở Ukraine, mặc dù một số nguồn cho biết, Moscow cũng có thể đưa ra một ngoại lệ là "mở cửa" cho việc trao đổi một số địa bàn.
Bloomberg cho biết, hiện Điện Kremlin chưa trả lời yêu cầu bình luận của hãng tin này. Tuy nhiên, một phần thông tin được đưa ra trùng khớp với các tuyên bố mà ông Putin đưa ra trước đây.
Ngày 7/11/2024, khi phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ Đối thoại Quốc tế Valdai diễn ra tại thành phố Sochi (Nga), ông Putin nhấn mạnh rằng, để đàm phán, Ukraine phải đảm bảo điều kiện "là một quốc gia trung lập".
"Chúng tôi quyết tâm tạo điều kiện cho một giải pháp lâu dài, và để Ukraine cuối cùng trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Song, nếu không có sự trung lập [của Ukraine] thì khó có thể hình dung ra bất cứ mối quan hệ láng giềng tốt đẹp nào giữa hai phía.
Tại sao? Bởi vì điều đó có nghĩa Ukraine sẽ liên tục bị lợi dụng như một công cụ trong tay nước ngoài, và gây tổn hại đến lợi ích của Liên bang Nga" – Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Theo ông, nếu Ukraine không trung lập, các điều kiện cơ bản để bình thường hóa quan hệ sẽ không được hình thành, và tình hình sẽ diễn biến theo một kịch bản không đoán trước.
"Chúng tôi rất muốn tránh điều này" – ông Putin nói.
![](https://i.ibb.co/Cv5g1rD/pu2-1737025352431-173702535315741312735.jpg)
Bloomberg nhận định Ukraine khó có khả năng đồng ý với các điều kiện cứng rắn của Nga. Ảnh: Getty
Nhận định về các điều kiện mà Nga có thể đưa ra trong các cuộc đàm phán sắp tới, Bloomberg cho rằng, những yêu cầu cứng rắn như trên "gần như chắc chắn sẽ không được giới lãnh đạo Ukraine chấp nhận".
Lập trường của nhà lãnh đạo Nga cũng thách thức mong muốn của ông Trump là chấm dứt xung đột càng nhanh càng tốt.
The ông Pavel Danilin – chuyên gia phân tích chính trị cộng tác với Điện Kremlin, "một Ukraine trung lập với giới hạn chặt chẽ về quy mô quân đội và việc ngăn NATO mở rộng hơn nữa trong không gian các quốc gia hậu Xô Viết" là các yêu cầu tối thiểu của Nga.
Vị chuyên gia lưu ý, ông Putin trước đó đã tuyên bố rằng, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải dựa trên Thỏa thuận Istanbul.
Theo bản dự thảo gần đây nhất của thỏa thuận này từ mùa xuân năm 2022, quân đội nước ngoài không được phép triển khai trên lãnh thổ Ukraine, tiến hành các cuộc tập trận chung và xác lập tư cách thành viên của Kiev trong bất cứ liên minh quân sự bên ngoài nào.
Hiện nay, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang tiến sát mốc năm thứ 3. Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết thêm rằng, Nga và Ukraine đang tiến hành các cuộc đàm phán hạn chế tại Qatar liên quan tới vấn đề bảo đảm các cơ sở hạt nhân không bị nhắm mục tiêu trong các cuộc tấn công của đối phương.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine cho biết, tại các cuộc đàm phán bí mật này, hai bên chỉ đối thoại về vấn đề trao đổi tù binh và đưa trẻ em Ukraine ở Nga về nước.