Trong 10 năm gần đây, nhập siêu của Việt Nam liên tục tăng nhanh và chủ yếu là với Trung Quốc và đỉnh điểm là con số 12,7 tỷ USD, chiếm 100% tổng nhập siêu của Việt Nam. Điều này sẽ gây ra nguy cơ ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về nguyên vật liệu và do đó sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của hàng Việt Nam sẽ ngày càng kém đi.
Đây là nhận định của ông Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại tại Hội thảo “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011-2020” vữa diễn ra, tại Hà Nội.
Theo đánh giá của ông Thắng, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tại những nước phát triển như Mỹ, Nhật, EU… trong khi vì chưa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển nên lại nhập khẩu máy móc công nghệ và nguyên vật liệu ở những nước kém phát triển hơn về lĩnh vực này, mà chủ yếu là sử dụng công nghệ Trung Quốc. Điều này tạo nguy cơ làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại. Ảnh: TH
Thực tế, Việt Nam chủ yếu là nhập siêu từ Trung Quốc. Nếu như năm 2001, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 787 triệu USD thì năm 2009 là 11,5 tỷ USD, chiếm 90% tổng số nhập siêu của Việt Nam.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cho thấy nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhanh từ năm 2005 đến nay. Cụ thể, năm 2005 là 3,1 tỷ USD, năm 2006 là 4,9 tỷ USD, năm 2007 là 8,6 tỷ USD, năm 2008 là 10,7 tỷ USD và năm 2009 là 11,5 tỷ USD. Năm 2010, nhập siêu từ Trung Quốc ở mức cao nhất từ trước tới nay với 12,7 tỷ USD, chiếm trên 100% tổng nhập siêu của Việt Nam (nhập siêu năm 2010 là 12,6 tỷ USD).
Không khỏi giật mình khi nhìn vào những con số trên và chính điều này sẽ gây ra nguy cơ ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về nguyên vật liệu và do đó sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của hàng Việt Nam sẽ ngày càng kém đi. Bởi vậy, để có thể phát triển bền vững trong tương lai, cần phải có biện pháp giải quyết từ gốc rễ về vấn đề này. Hạn chế nhập siêu mà ở đây trước hết là nhập siêu từ Trung Quốc chính là giải pháp cần làm ngay trong thời điểm hiện tại - ông Thắng nhấn mạnh.
Một trong số đó là xây dựng cơ chế khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn từ các nước phát triển, hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa đã sản xuất trong nước, nhập khẩu hàng xa xỉ… Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.
Mặt khác, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước thông qua việc xây dựng các biện pháp phi thuế quan phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế như: biện pháp tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp kiểm dịch động thực vật...đồng thời, tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn từ các nước có công nghệ phát triển, thân thiện với môi trường.
(VĐT)