Theo nhiều người dân trong làng, không chỉ có ông Hận mà những người tham gia vào cuộc tìm kiếm vàng trên núi thủa trước, giờ ai cũng “gặp chuyện xui”. Có người phá sản, người nghèo đói túng quẫn, người bệnh tật, người chết trẻ hoặc con cái lục đục…
Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 15 km, thôn Vân Đồn, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức nhờ nằm men theo đại lộ Thăng Long, đại lộ lớn nhất Việt Nam, mà nay đã thay da đổi thịt nhiều lắm. Không còn nhà cửa lúp xúp của một ngôi làng thuần nông, Vân Côn giờ nhộn nhịp với những ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm, chợ búa sầm uất…
Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng, ít ai biết rằng, có một câu chuyện mang đầy tính huyễn hoặc, liêu trai tồn tại cả trăm năm nay trên ngọn núi Bạch Tuyết. Câu chuyện được lưu truyền trong ngôi làng mà mỗi khi nhắc đến những người biết chuyện cũng 5, 7 phần run sợ…
Ngọn núi nhuốm màu truyền thuyết.
Truyền thuyết về chuyện yểm bùa khó tin trên núi thiêng
Khi chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Văn Phê (72 tuổi) nằm san sát bên sườn ngọn núi thiêng, ông đang bận rộn dọn dẹp nhà cửa. Nhưng vừa nghe chúng tôi nói lý do, ông vội vàng ngừng tay và nói khe khẽ như sợ ai nghe thấy: “Mời chị vào nhà, uống nước rồi nói chuyện”.
Ông bảo, ông vốn là bộ đội về hưu, cũng không hẳn là người duy tâm, tuy nhiên, nhắc đến những chuyện linh thiêng thì phải giữ mồm giữ miệng. Cứ oang oang như chuyện buôn bán ngoài chợ, “thánh” quở chết.
Ông Nguyễn Văn Phê.
Nhấp ngụm nước chè, ông lim dim nhớ lại: “Chẳng biết câu chuyện được lưu truyền từ bao nhiêu đời, nhưng từ khi tôi còn bé đã nghe người lớn kể lại rất nhiều truyền thuyết về ngọn núi.
Theo lời cha ông, từ thời Trung Quốc xâm lược nước ta, chúng để lại dưới chân ngọn núi rất nhiều vàng bạc, kho báu, của nả. Và để giữ của, chúng đã nuôi một cô gái trong vòng 100 ngày. Thế rồi, sau 100 ngày, người con gái trinh nữ có nước da trắng ngần, mái tóc đen dài óng ả ấy bị thả xuống hố để chôn sống làm thần giữ của.
Từ đó, linh hồn người con gái bị yểm bùa ấy cứ quanh quất bên ngọn núi. Có người quả quyết khi đi ngang qua ngọn núi nhìn thấy những con trăn khổng lồ hay con lợn vàng. Những câu chuyện như thế càng khiến người làng đinh ninh rằng, ngọn núi này rất thiêng, vì thế, không ai dám bén mảng gần. Nếu có chuyện gì phải đi qua ngọn núi thì cũng gắng đi thật nhanh hoặc đi vòng đường khác dù xa gấp mấy lần.
Thế nhưng, trong làng có ông Trẻ Cu, người chẳng sợ gì ma quỷ thánh thần. Ông Trẻ Cu cứ lùa trâu lên núi đó chăn, rồi vào tán cây cạnh những phiến đá đó nằm ngủ. Một hôm, đang ngủ, ông giật mình bởi thấy có tiếng nói từ trong núi vọng ra rằng nếu ông mang một mâm xôi, một con gà trống thiến đến núi thắp hương thì thần núi sẽ trả một con gà bằng vàng.
Nghe thế, ông Trẻ Cu mừng rỡ về nhà vay mượn tiền mua xôi, gà như thần núi đã dặn. Thắp hương xong thì quả thật, từ trong kẽ đá, một đàn gà bằng vàng kéo nhau chạy ra. Tuy nhiên, thần núi chỉ cho ông bắt con gà què đi phía sau cùng. Ông đã không đồng ý với giao kèo đó và đàn gà biến mất. Tức khí, ông Trẻ Cu mang chõng lên núi nằm ăn vạ. Tuy nhiên, cứ đêm kê võng nằm trên núi thì sáng mở mắt ra, ông lại thấy mình nằm ở dưới đồng. Chuyện đó lặp đi lặp lại nhiều lần, lại không thấy đàn gà trên xuất hiện nữa, nản chí ông Trẻ Cu đành bỏ cuộc…”.
Khép lại những câu chuyện được “thừa hưởng” từ đời trước trên, ông Phê bảo, ông không tin nhiều vào những chuyện đầy yếu tố hoang đường trên nhưng không có lửa thì làm sao có khói. Chắc chắn trong lòng núi Bạch Tuyết có cất chứa một điều gì bí mật. Và, sự hồ nghi đó càng có cơ sở khi cách đây chừng 30 năm, một đại gia ở Vân Côn đã tổ chức một cuộc khai quật quy mô lớn ở ngọn núi này. Cuộc tìm kiếm đó tuy không tìm thấy bạc vàng châu báu nhưng những gì đoàn tìm kiếm tận thấy, trải qua càng làm mọi người tin hơn chuyện người Tàu giấu của ở ngọn núi này. Đó là ông Nguyễn Tài Hận, cũng là một người dân trong xã.
Cuộc săn vàng và sự lụn bại của một đại gia
Theo lời chỉ dẫn của ông Phê, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Tài Hận, người được mệnh danh là một đại gia nức tiếng một thời.
Nhắc đến chuyện cũ, ông Hận vẫn còn ngẩn ngơ: “Đúng là cách đây 30 năm tôi có đứng ra tổ chức một cuộc tìm kiếm vàng dưới chân ngọn núi. Nhưng quả tình, tôi cũng không muốn nhắc lại chuyện này nữa, có lẽ, cũng vì nó mà tôi khuynh gia bại sản, việc làm ăn chao đảo đến 5, 7 lần”.
Theo lời ông Hận, vào những năm 80 của thế kỷ trước. Ông vốn là một người nức tiếng giàu có nhất làng, xã thậm chí nhất huyện lúc bấy giờ. Việc kinh doanh buôn bán của ông trải dài khắp trong Nam, ngoài Bắc. Ông buôn từ gỗ lạt, than củi, rồi đốt lò gạch rồi đến trâu bò… Ông bảo, cứ cái gì sinh lời là ông buôn.
Ông Nguyễn Tài Hận vẫn còn tiếc nuối khi nhớ tới thời vàng son.
Cũng chính bởi đầu óc nhanh nhạy nên việc kinh doanh của ông phất như diều gặp gió. Độ ấy, nhìn phong thái ung dung đĩnh đac, quần áo là lượt và gia tài kếch xù, ông đi đâu cũng được người dân trong làng xã đôi phần kính nể.
Ngôi nhà khang trang 5 gian của ông khi xây lên phải đóng mất một số tiền tương đương với 10 chiếc xe “kích” thời ấy. Nhưng tất cả sự giàu có ấy đã trở thành một câu chuyện dĩ vãng khi ông bắt tay vào việc tìm kiếm kho báu dưới chân núi cô Tiên.
Theo lời ông Hận, đó là vào khoảng năm 1982. Khi đó, người dân trong xã đa phần là đói kém. Dù rất sợ ngọn núi thiêng, nhưng nhiều lúc thiếu ăn, một số người vẫn làm liều, khoét đất khoanh chân núi đem bán để lấy tiền đong gạo.
Khi đào hết lớp đất mỏng thì bỗng hiện ra một luồng đá được lát như một con đường chạy thẳng vào núi mà chỉ nhìn qua cũng biết đó là do bàn tay con người làm. Vốn vẫn tin là ngọn núi có vàng, vì thế, khi nhìn thấy con đường này nhiều người đã mừng như mở cờ trong bụng, nhưng vẫn e ngại sợ “thần giữ của”.
Khi ấy, ông Hận vốn là người cùng xã nhưng khác thôn đi qua, thấy ông mấy người đàn ông liền “rủ rê”: “Ông có chung với chúng tôi không?”. Rồi nháy mắt chỉ vào lối đi được lát những phiến đá xanh kỳ bí. Ông Hận gật đầu.
Ông đồng ý tài trợ mọi kinh phí cho cuộc tìm kiếm bao gồm tiền ăn cho hơn chục trai đinh, tiền mua dụng cụ khai quật. Tuy nhiên, chẳng ham hố chuyện của nả từ đất chui lên, từ trời rơi xuống, ông chỉ bảo mọi người thực hiện cam kết nếu tìm được vàng bạc thì mọi người chia nhau, còn tìm thấy cổ vật thì ông được hưởng.
Cứ theo hai hàng đá ấy, sau chục ngày đào bới, mọi người đã khoét một đường hầm ăn xiên vào núi theo hướng nghiêng 30 độ. Đào được chừng 15 m thì bắt gặp một phiến đá lớn chắn ngang giao thông hào. Bị chặn đường, mọi người đào rộng ra hai bên đến vài mét nhưng phiến đá vẫn chắn ngang trước mặt. Đào sang hai bên không được, ông Hận chỉ đạo mọi người đào sâu xuống chân phiến đá.
Và, thật bất ngờ, khi đào xuống được chừng hơn mét thì thấy trên phiến đá đó có một lỗ nhỏ bằng chừng bắp chân người. Lỗ ấy đã bị đất mít kín. Thuốn sắt, thấy phiến đá không dày, ông Hận hạ lệnh dùng búa mở rộng lỗ thông có sẵn đó. Khi “cửa hang” được mở ra, chui vào trong, đoàn tìm kiếm phát hiện một khoảng trống rộng chừng nửa gian nhà. Khoảng trống đó do ba phiến đá chụp ngọn vào nhau tạo thành. Soi đèn kiếm tìm, ông Hận thấy ở phiến đá đối diện cửa hang có hình con rùa đang chũi đầu xuống đất.
Ông Hận kể, lúc đầu ông và mọi người cũng tưởng hình con rùa đó là do tự nhiên vô tình tạo nên nhưng khi cạo lớp đất dính trên phiến đá ấy ra thì hoàn toàn không phải. Những họa tiết, hình khối trên phiến đá đó rất rõ ràng, sắc nét. Ngoài hình con rùa trên thì trong khoang trống đó mọi người không thu được bất cứ vật gì. Bị ba phiến đá bủa vây, ông Hận và mọi người đã cố sức mở lối đi sâu vào trong nhưng vô hiệu. Không như phiến đá ở ngoài, hai phiến đá khép góc phía trong cứng hơn thép. Búa tạ phang vào chỉ thấy tóe lửa sáng lòa, khét lẹt chứ chẳng hề sứt mẻ, xây xát, sức người không tài nào đánh sập nổi. Thế là cuộc tìm kiếm khép lại.
Ông Hận bảo, cũng từ bận ấy, chẳng biết là sự trùng hợp hay sự trừng phạt của “thánh thần” mà chuyện làm ăn của ông liên tiếp gặp vận rủi. Từ một đại gia tiền nhiều không kể xiết, mấy lần ông chịu cảnh trắng tay. Làm ăn thua lỗ, phá sản, và khó khăn lắm ông mới trụ được, nhưng mãi chỉ ở mức trung bình. Thời vàng son của đại gia Nguyễn Tài Hận cũng chấm dứt từ đây.
Ngọn núi linh thiêng
Theo nhiều người dân trong làng, không chỉ có ông Hận mà những người tham gia vào cuộc tìm kiếm thủa xưa, giờ ai ai cũng “gặp chuyện xui”. Có người phá sản, người nghèo đói túng quẫn, người bệnh tật, người chết trẻ hoặc con cái lục đục…
Một trong số ít những người còn lại trong làng không bị “vận” là ông Vũ Văn Tỵ. Khi chúng tôi đến nhà, ông Tỵ đang đi vắng chỉ còn vợ ông, bà Vũ Thị Đang ở nhà.
Vừa nghe hỏi chuyện, bà Đang đã vội vàng xua tay: “Thời ấy chồng tôi cũng tham gia nhưng chỉ một vài ngày thôi. Thấy nhiều chuyện hãi hùng thì vội vàng dừng lại, sau chỉ đứng xem”.
Bà Vũ Thị Đang: "Tôi rất sợ khi đi ngang qua ngọn núi đó".
Bà Đang bảo, không chỉ thời xưa, mà ngay hiện nay người dân trong làng vẫn luôn tin có vàng dưới chân ngọn núi. Nhưng từ câu chuyện thủa trước mà chẳng ai dám nghĩ đến việc đào bới lần nữa. Bản thân bà hiện nay cũng chẳng mấy khi dám đi ngang qua ngọn núi thiêng ấy vì… sợ.
Bà bảo, không ít người con gái đi ngang qua đây đã bị “bắt vía”. Cứ trở nên ngớ ngẩn, ăn nói lảm nhảm, lúc khóc lúc cười.
“Như nhà cô Hạnh đầu xóm, người mới nhất bị “bắt vía” đấy. Phải mất mấy tháng mới lại trở lại bình thường đấy.
Chính vì sự linh thiêng của ngọn núi nên khách thập phương ngày rằm, lễ Tết tìm về đây cúng bái đấy”, bà Đang kể, như để minh chứng cho câu chuyện của bà.
Ngọn núi Bạch Tuyết hay núi Cô Tiên linh thiêng của làng giờ đã được san lấp gần như bằng phẳng thành đường đi, nhà ở. Giờ chỉ còn dấu tích là 4 tảng đá chụm vào nhau, người dân trong xã đã xây tường bao trở thành nơi thờ cúng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tuấn, Trưởng Công an xã Vân Đồn cho hay, 15 năm công tác tại xã ông không thấy và cũng không tin những câu chuyện kỳ bí như thế. “Đó có thể chỉ là những truyền thuyết tín ngưỡng trong dân gian mà thôi”, ông Tuấn phỏng đoán.
Lê Trang
Theo Bưu Điện Việt Nam