Trong khi nhiều dự án khu công nghiệp, sân golf, cảng biển... được bố trí đất dễ dàng theo kiểu "cứ xin là có" thì việc xây dựng nhà trẻ, hay trụ sở cơ quan không thể bố trí được do không có đất.
Sáng 1/11, tại buổi thảo luận tổ về kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, Luật đất đai năm 1993 đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung, nhưng tiêu chí về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất vẫn rất chung chung nên còn tồn tại nhiều kẽ hở.
Theo đại biểu Quyền, 10 năm qua, quy hoạch đất đai không thể gọi là thành công khi nhà nhà đi làm khu kinh tế, mở khu công nghiệp, sân golf, cảng biển, sân bay... khiến có những khu công nghiệp không ai vào, cảng không tàu, sân bay nằm chết.
Trong khi nhiều dự án được bố trí đất dễ dàng theo kiểu "cứ xin là có" thì việc xây dựng nhà trẻ, hay trụ sở cơ quan cả chục năm vẫn không thể bố trí được do không có đất. Và theo đại biểu Quyền, đây là tình trạng bất bình thường.
"Quy hoạch kỳ lạ vậy mà vẫn diễn ra nhưng không thuộc trách nhiệm về ai cả. Tôi cho rằng đây là điều cực kỳ bất hợp lý trong việc lập quy hoạch và tổ chức triển khai quy hoạch", tiến sĩ Quyền nhận định.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường: Quy hoạch cảng biển đừng để "đầu tư tiền tấn, thu về tiền lẻ". Ảnh:
Hoàng Hà.
Cùng quan điểm, đại biểu Chu Sơn Hà cho hay, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất không sát với thực tế, việc tổ chức không đến nơi đến chốn khiến nhiều dự án triển khai lâu, hiệu quả đầu tư dàn trải.
Đơn cử, làng văn hóa các dân tộc là dự án lớn mà bố trí được 40 tỷ đồng mỗi năm thì không thể thực hiện được, hay khu ĐH Quốc gia Hà Nội theo dự toán 7.000 tỷ đồng nhưng nay trượt giá lên hơn 20.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng lần đầu không triển khai được, dân lại ở và phải giải phóng mặt bằng lần hai gây thiệt hại và lãng phí trong sử dụng đất.
"Bao nhiêu công sức của chính quyền giải phóng xong nhưng đất không được xây dựng thì trách nhiệm thuộc về ai? Trên thực tế chẳng ai chịu trách nhiệm. Nếu giải phóng mặt bằng chậm thì đổ tại cho dân ỳ, chính quyền địa phương không đôn đốc, nhưng giải phóng xong thì không triển khai. Cần quy trách nhiệm để quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hiệu quả", ông Hà nói thêm.
Trước thực trạng cứ 50-70 km lại có một cảng biển, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị cần xem lại bởi nếu không tính toán kỹ thì với mật độ cảng biển dày đặc như hiện nay, hiệu quả khai thác không cao và không cẩn thận lại vướng vào tình trạng "đầu tư tiền tấn, thu về tiền lẻ". Bà Hường cũng cho hay cần có quy hoạch về đất cho giao thông bởi hiện nay nếu xếp toàn bộ xe máy và ôtô ra đường là không còn chỗ đi.
Còn đại biểu Đào Văn Bình cho rằng, lo nhất hiện nay chính là việc Chính phủ cho phép chủ tịch UBND tỉnh cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác. "Lúc đầu cấp đất cho mục đích công nghiệp nhưng sau một thời gian họ xin chuyển một nửa diện tích đất công nghiệp đó sang làm đô thị, rồi tiếp tục xin nửa còn lại làm du lịch", Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nói về mánh lách luật lâu nay được nhiều doanh nghiệp sử dụng.
Theo ông Bình, phải sử dụng đất hoang hóa làm công nghiệp, chứ không nên lấy đất trồng lúa để xây khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần lấp kín các khu công nghiệp và tính toán kỹ tỷ trọng phát triển công nghiệp trong nền kinh tế để đề ra chỉ tiêu hợp lý, tránh lãng phí.
Viễn cảnh không mấy sáng sủa mà ông Bình đưa ra là, dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ có 100 triệu dân và những năm tiếp theo giữ ổn định ở 120 triệu người. Do đó, cần phải giữ diện tích đất trồng lúa ở mức 3,8 triệu ha bởi giảm diện tích đất nông nghiệp xuống 3,6 triệu ha thì "sau này con cháu sẽ đói".
Tiến Dũng
Theo vnexpress