Lãnh đạo cơ quan Việt Nam điều phối chủ đạo cuộc bầu chọn "kỳ quan thiên nhiên thế giới mới" cho Vịnh Hạ Long, do tổ chức tư nhân New7Wonders của nước ngoài chủ trì thừa nhận "khó đo" đếm thang bậc quốc tế về giá trị của cuộc bầu chọn này.
Vịnh Hạ Long, Việt Nam là một trong 28 địa điểm được đưa ra bầu chọn làm 'kỳ quan thiên nhiên thế giới mới"
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 07/11, ông Trần Nhất Hoàng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay ngay từ đầu Việt Nam coi việc hợp tác với tổ chức NewOpenWorld (NOW,) trang mạng New7Wonders do ông Bernard Weber chủ trì và cuộc thi là một "cơ hội" quảng bá cho Việt Nam.
"Thực ra để đánh giá thang bậc của nó như thế nào ở quốc tế thì rất khó để mà đo. Nhưng tổ chức này có một trang mạng xã hội, trên đó có hàng trăm ngàn người thường xuyên theo dõi...," ông Hoàng giải thích.
"Nếu chúng ta tiếp cận vấn đề ở đây như một cơ hội để quảng bá, thì lớn nhỏ cũng là một cơ hội," người đứng đầu Trung tâm xúc tiến thuộc Cục Hợp tác Quốc tế ở Bộ chủ quản ngành văn hóa, du lịch cho hay.
Ông Hoàng cũng đánh giá "phong trào" bình chọn cho Vịnh Hạ Long là "lớn mạnh hơn bao giờ hết" trong suốt bốn năm tham gia các chiến dịch bầu chọn do một nhà tài phiệt nước ngoài, tuy không phải là Unesco, chủ trì.
"Vịnh Hạ Long đã được Unesco hai lần công nhận. Tức là cái giá trị khoa học, giá trị cảnh quan của Vịnh Hạ Long không phải bàn nữa rồi. Tuy nhiên, cuộc vận động này rất là tốt. Tức là việc quảng bá những giá trị của nó là một lợi ích rất lớn."
"Thứ hai nữa là sau khi có danh hiệu, sẽ tiếp tục quảng bá, thu hút thêm nhiều khách du lịch tới Việt Nam thêm nữa," quan chức ngành du lịch nói.
Tổng lực
Lãnh đạo cơ quan chủ trì điều phối vận động phiếu bầu của VN, ông Trần Nhất Hoàng bên áp phích quảng bá sự kiện.
Nhiều cơ quan, bộ, ngành đã có các hoạt động cổ súy, vận động tổ chức cho cuộc bầu chọn do tỷ phú người Thụy Sỹ gốc Canada chủ trương.
Ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn có một số bộ, ngành khác như Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các hội đoàn như Đoàn Thanh Niên, Hội Sinh Viên v.v... cùng tỉnh Quảng Ninh và nhiều địa phương khác.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì một cuộc họp giao ban liên ngành hôm 19/10/2011 nhằm "bàn phương án huy động tổng lực" đẩy mạnh việc tham gia bầu chọn cho sự kiện này.
Trước đó, một cầu truyền hình của Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, kết nối Hà Nội - Vinh - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh, có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cổ súy cho chiến dịch.
Năm ngày trước khi cuộc bầu chọn "kỳ quan thiên nhiên mới" diễn ra vào ngày 11/11/2011, Việt Nam đang có những cuộc vận động phút chót với cộng đồng mạng trong nước mà chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên để bỏ phiếu cho Vịnh Hạ Long, một trong 28 "ứng viên" được ông Weber đưa ra.
Chỉ trích
Nhà chủ trì cuộc bầu chọn Bernard Weber (thứ năm, hàng đứng, trái sang) trong chiến dịch vận động ở Indonesia
Trong khi ở cuộc bình chọn nhận được sự ủng hộ và tham gia từ cấp Thủ tướng cho tới các bộ ngành, địa phương, thì cũng có luồng ý kiến chỉ trích ở cả trong và ngoài nước.
Tờ nhật báo Người Việt Online từ California, số ra hôm 31/10, trích một bài báo của blogger từ Sài Gòn đặt câu hỏi:
"Cỡ phó thủ tướng mà đứng ra làm việc này, thì quả là nhàn rỗi và kệch cỡm; đúng là không còn giữ thể diện quốc gia gì cả, chẳng lẽ dân tộc Việt Nam lại hám danh như vậy sao? Chẳng lẽ cái tổ chức NewOpenWorld này lại đủ khả năng tạo sức ép lên chính phủ Việt Nam vậy sao? Chẳng lẽ phó thủ tướng không còn việc nào có ích để làm hay sao?"
Bài báo trên Người Việt trích nguồn Wikipedia nói thêm về một trong các cách thức thu thập tài chính của tổ chức NewOpenWorld do tỷ phú Canada gốc Thụy Sỹ sáng lập:
"Chúng tôi tiến hành tham vấn với Liên Hiệp Quốc hồi năm 2002 để thực hiện dân chủ thế giới bằng cách sử dụng hệ thống bầu cử mà mọi công dân thế giới có thể tham gia."
Bernard Weber, chủ trì cuộc bầu chọn
“Mỗi địa danh tham gia phải có một ủy ban hỗ trợ chính thức, có đủ tư cách pháp lý, phải ký hợp đồng và được công ty NOW chấp thuận, và phải đóng lệ phí là 5.000 USD mỗi tháng. Ðiều kiện đơn giản như thế này thì cần chi tới phó thủ tướng và các bộ ban ngành phải ra mặt?"
Một bài blog khác từ trong nước với tựa đề "Bầu chọn Vịnh Hạ Long: cả quốc gia đang bị lừa" hạ tuần tháng Mười dẫn ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Unesco Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Unesco thế giới:
“Mua phiếu bầu và nhà tổ chức thu tiền này khiến cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới của N7W không khác gì một cuộc thi Manhunt (người đàn ông quyến rũ quốc tế), khi một cá nhân bỏ ra vài nghìn USD để mua hàng trăm lá phiếu,” bài viết của blogger Mai Thanh Hải dẫn lời ông Thắng nói.
'Dân chủ'
Vịnh Hạ Long là một kỳ quan thiên nhiên vốn được Unesco công nhận hơn một lần là di sản của thế giới
Blogger từ trong nước này cũng dẫn lời của Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập, Farouq Hosni "phê phán" cuộc bầu chọn này là “ngớ ngẩn” và chỉ trích ông Weber, nhà sáng lập cuộc bầu chọn là “tự quảng cáo” và "chỉ nhằm đánh vào sự háo danh để trục lợi."
Trong một bài phỏng vấn trên tuần báo Juju Weekly của Hàn Quốc, ông Weber từng so sánh vị thế và sứ mạng tổ chức của ông với Unesco, trong đó nhấn mạnh chức năng "làm sự kiện" của mình:
"Unesco là một tổ chức quyết định ở đâu và làm thế nào để bảo trì di sản thế giới, còn New7Wonders là một tổ chức tiến hành các sự kiện. Chúng tôi có các sứ mạng khác nhau mà không liên quan đến nhau."
Tuy nhiên, ông Weber nhấn mạnh một sứ mạng khác liên quan tới "dân chủ" trong khi đề cập đến quan hệ của tổ chức của ông với Liên Hiệp Quốc:
"Chúng tôi tiến hành tham vấn với Liên Hiệp Quốc hồi năm 2002 để thực hiện dân chủ thế giới bằng cách sử dụng hệ thống bầu cử mà mọi công dân thế giới có thể tham gia.
"Tuy nhiên, quan chức quản lý (thuộc LHP này) đã nghỉ hưu và chúng tôi đang chờ đợi một người mới ", ông Weber nói với tờ tuần báo Hàn Quốc hôm 25/4/2011.
theo bbc