- Nằm cách Thủ đô Kathmandu (Nepal) 12km về phía Nam, Bhaktapur được biết đến như một thành phố nổi tiếng thế giới về nghệ thuật độc đáo và văn hóa bản địa tuyệt vời...
Kiến trúc độc đáo
Quảng trường Bhaktapur nằm ở độ cao 1.401 mét so với mực nước biển, trải rộng trên diện tích 119 km2 trên tuyến đường thương mại giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 12 dưới thời của vua Ananda Malla, Bhaktapur trở thành thủ đô của vương quốc Malla trong suốt 3 thế kỉ.
Bên trong Bhaktapur là 172 đền thờ và tu viện với 77 bể chứa nước và 152 giếng nước sâu trong vắt với lối kiến trúc hình vỏ ốc xà cừ - biểu tượng thiêng liêng của Chúa Vishnu. Cái tên Bhaktapur còn có nghĩa là thành phố tín đồ.
Ba dạng kiến trúc Pagoda (chùa), Stupa (tháp) và Shikhara (đền) ở Bhaktapur
Chịu ảnh hưởng của những nền văn minh lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng, đất nước Nepal dung nạp trong mình nét văn hóa đa sắc màu. Kiến trúc là một trong những nét được thể hiện rõ nét nhất giữa những pha trộn đó. Người ta chia kiến trúc chính ở Nepal thành ba dạng lớn là Pagoda (chùa), Stupa (tháp) và Shikhara (đền).
Kiến trúc dạng Pagoda (chùa) là những công trình có mái chồng nhiều tầng. Kiến trúc Stupa có cấu trúc dạng tháp luôn gặp trong Phật giáo Tây Tạng. Còn Shikhara được cho là bắt nguồn từ kiến trúc đền Hindu với sự cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện không chỉ trong kiến trúc tổng thể mà còn hiện diện trong các bức tượng người và vật bằng đá xung quanh.
Thành phố của đất nung
Bên cạnh những di tích lịch sử với lối kiến trúc độc đáo, Bhaktapur cũng là thành phố của những nền đất nung. Người ta dễ dàng nhận thấy các sản phẩm bằng gốm bày bán la liệt trong thung lũng, gốm gắn trên các cung điện, đền đài cổ được xây dựng từ nghìn năm trước.
Gốm cũng xuất hiện trong các nghi lễ tôn giáo điển hình như tượng các nữ thần được tạo ra từ một loại đất sét nâu đỏ đặc trưng. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những vật làm bằng đất nung như tiền xu, chậu, tượng thần ở khu vực Lumbini có niên đại 2.600 năm tuổi.
Nghề làm gốm truyền thống trở thành nghề thủ công mang lại thu nhập chính cho một số nhóm dân tộc ở Nepal như Kumale, Prajapati, Kumhar, Kuma… Họ tiến hành sản xuất gốm rải rác ở khắp các khu vực nông thôn, tuy nhiên những người thợ làm gốm tập trung nhiều ở Bhaktapur và Thimi khu vực nằm trong thung lũng của Kathmandu.
Đồ gốm là thứ không thể thiếu ở Bhaktapur.
Tất cả các thành viên trong gia đình đều tham gia vào quá trình làm gốm. Nam thì tập trung vào việc nặn, xoay và chế tác các sản phẩm bằng gốm trong khi phụ nữ thì phục vụ các công việc như thu nhặt đất sét, rơm rạ…
Các sản phẩm làm từ gốm không chỉ phục vụ đời sống con người hằng ngày như: Lu, chậu để đựng nước, gốm, đá để lát đường hay trang trí cho các công trình kiến trúc mà các sản phẩm từ đất sét cũng rất cần thiết cho người theo Ấn Độ giáo và Phật Giáo phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo.
“Khi bạn làm một lễ Dủga Pụa (một nghi lễ Phật giáo - PV) lớn, bạn cần một nồi đất sét. Khi ai đó chết đi, bạn cần bình đất sét” - đó là lời giải thích của các prajapati (những thợ làm gốm truyền thống).
Người dân Nepal cũng quan niệm rằng, những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày được làm bằng đất nung là “những đồ vật thánh thiện”. Gốm Nepal truyền thống được xác định bởi tông màu đỏ và nâu không có lớp tráng men bên ngoài.
Các sản phẩm gốm đa dạng từ bình đựng nước, lọ hoa đến mặt nạ, hạt xâu chuỗi cùng nhiều sản phẩm thủ công khác được bày bán trong khu chợ thuộc quảng trường Bhaktapur như một nét văn hóa không thể thiếu của đất nước Nepal xinh đẹp.
Kiên Phạm
theo bee