Kim Jong-un: phong cách mới nhưng vẫn cứng rắn
Nhật báo Le Monde trong bài "Bình Nhưỡng không hề mềm dẻo hơn" nhận định, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên tuy tạo ra một phong cách mới, nhưng các đường hướng chung thì không hề thay đổi.
Được đưa lên làm người đứng đầu đảng Lao động và quân đội, Kim Jong-un, thế hệ thứ 3 của chính quyền họ Kim lặp lại cách ứng xử nhiệt thành của ông nội là Kim Il-sung. Trái với cha là Kim Jong-il không hề tuyên bố gì trong những dịp lễ lớn, Kim Jong-un hôm 15/4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Il-sung đọc một bài diễn văn dài 20 phút, tại quảng trường mang tên của chính người ông. Bài nói chuyện này được đài truyền hình nhà nước trực tiếp truyền đi, sau đó là một cuộc diễu binh quy mô.
Với ngoại hình được chú trọng sao cho trông thật giống ông nội, từ khuôn mặt tròn cho đến kiểu tóc, Kim Jong-un mặc chiếc áo cổ sĩ quan giống y kiểu áo ông Kim Il-sung. Tại Bình Nhưỡng, người ta so sánh bài diễn văn đầu tiên này với bài nói của anh thanh niên Kim Il-sung ngày 10/10/1945, hai tháng sau khi giải phóng Triều tiên khỏi tay quân Nhật chiếm đóng.
Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên tuy tạo ra một phong cách mới, nhưng các đường hướng chung thì không hề thay đổi.
Cả ba lãnh tụ họ Kim đều lên nắm quyền hầu như vào cùng một độ tuổi 30. Những lần xuất hiện trước công chúng gần đây của Kim Jong-un cho người ta cảm tưởng là sự chuyển giao quyền lực đã hoàn tất.
Le Monde nhận định, có thể là nhờ vị trí được củng cố, nên Kim Jong-un mới có thể đưa ra những sáng kiến.
Chính nhà lãnh đạo trẻ này quyết định mở cửa cho báo chí ngoại quốc vào Triều Tiên, cho phép các nhà báo đến tham quan địa điểm phóng hỏa tiễn Unha-3 mà trước nay vẫn giữ bí mật. Cũng chính Kim Jong-un thẳng thắn nhìn nhận là vụ phóng tên lửa đã thất bại.
Nhưng nếu phong cách là mới mẻ, thì ngược lại, các định hướng chính trị của Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi. Cứng rắn dù không hung hăng, Kim Jong-un không hề cho thấy dấu hiệu mềm dẻo. Nhấn mạnh những "thành tích" của cha ông, Kim Jong-un tuyên bố tiếp tục chính sách "ưu tiên cho quân đội" mà Kim Jong-il tiến hành suốt 17 năm trị vì. Vị trí quan trọng của quân đội vừa do số lượng đông đảo 1,2 triệu quân nhân, vừa nhờ vai trò trong nền kinh tế, từ việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho đến các phức hợp quân sự - công nghiệp.
Tuyên bố luôn sẵn sàng thương lượng "với tất cả các nước không có thái độ thù địch với Triều Tiên", Kim Jong-un cũng khẳng định "sự vượt trội về quân sự và kỹ thuật không còn chỉ nằm trong tay bọn đế quốc. Thời kỳ chúng ta bị đe dọa một cuộc tấn công nguyên tử từ nay đã chấm dứt". Có thể ngầm hiểu là Triều Tiên đã có được các phương tiện cần thiết và "có khả năng đánh bại bất cứ kẻ thù nào".
Le Monde nhận định, tuyên bố này cho thấy Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tác giả bài báo chú ý đến việc Kim Jong-un hai lần nhấn mạnh đến "phẩm giá và chủ quyền". "Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của Triều Tiên" và chủ nghĩa Juché (độc lập, tự cung tự cấp) là hai hướng chính trong "chủ thuyết Kim Il-sung" hồi thập niên 80 và nay tái xuất hiện trong bài diễn văn của Kim Jong-un.
Bài báo kết luận, lòng tự hào dân tộc là một yếu tố mà Mỹ và các đồng minh phải tính đến khi phản ứng lại vụ bắn hỏa tiễn hôm 13/4. Người ta lo ngại là, việc đáp trả bằng cách tăng cường trừng phạt sẽ dẫn đến việc Bình Nhưỡng thử nguyên tử lần thứ ba. Và như vậy bắt đầu cái vòng lẩn quẩn trừng phạt – trả đũa – trừng phạt, không loại trừ nguy cơ diễn biến xấu.
Theo RFI