Anh bày tỏ sự xúc động bằng cách chạy đến gốc cây, rồi cứ thế vái lấy vái để, hết vái thân lại vái gốc, rằng: “Con lạy cụ cây, sao cụ lại to thế, trường thọ thế ạ?”. Nhóm phượt từ Đông Bắc sang Tây Bắc chúng tôi rẽ qua hồ Ba Bể, để được cưỡi thuyền lướt sóng trên hồ nước treo chênh vênh trên lưng chừng núi.
Tôi đã đến hồ Ba Bể không ít lần, nhưng lần nào cũng có cảm xúc đặc biệt. Dù phải đi ròng rã cả ngày trời từ Hà Nội, nhưng chỉ cần được đôi tiếng ngồi ở bến thuyền, ngắm cảnh hoàng hôn đỏ rực, sóng gợn lăn tăn, những con thuyền độc mộc như lá cây dập dềnh xa xa mặt nước, được uống rượu ngô, được ăn cá mương nướng, thì cũng thấy bõ lắm.
Cây nghiến dáng khủng long ở VQG Ba Bể.
Giám đốc VQG Ba Bể, ông Nông Thế Diễn cử một kiểm lâm dẫn chúng tôi vào rừng, để được chiêm ngưỡng những thân cây khổng lồ, to tới 5-6 người ôm, ngọn vươn đến tận đỉnh núi. Những dây leo có tên máu chó, làm thuốc ngâm rượu rất tốt, to bằng cái phích, loằng ngoằng trong rừng, lần bám theo mãi mà chẳng thấy ngọn đâu. Nằm trên dây leo thòng lõng xuống cứ như nằm võng.
Nhưng, nói đến VQG Ba Bể, thì phải nói đến nghiến. Mấy năm nay, báo chí cũng nói nhiều đến chuyện gỗ nghiến ở đây, nhưng chủ yếu phản ánh chuyện lâm tặc ngang nhiên vác cưa máy vào rừng đốn hạ những cây nghiến ngàn năm tuổi, rồi nhẩn ra vác những thớt nghiến ra khỏi rừng. Mọi lời lẽ cay nghiệt nhất dành cho kiểm lâm, rằng ăn lương Nhà nước, mà sao cứ mãi để máu rừng chảy.
Anh kiểm lâm ngồi trên mũi thuyền, chỉ tay hết rông núi này đến rông núi khác. Hồ thì mênh mang, mà núi thì mênh mông, rừng ngút ngát tầm mắt. Những thân nghiến bám như bạch tuộc vào vách đá, võng cả thân xuống sát mặt hồ. Rừng nghiến rộng cả ngàn ha, dân cư lại sống trong rừng, cả trăm đường mòn, lại có cả “quốc lộ” thênh thang là hồ nước, sông suối chằng chịt, mà lực lượng kiểm lâm mỏng như thế, sao căng hết ra mà bảo vệ được.
Cưỡi "khủng long"
Đồng chí kiểm lâm bảo rằng, có lẽ, chỉ có cách phân công mỗi kiểm lâm ôm một gốc nghiến, hoặc mắc võng dưới gốc nghiến quanh năm suốt tháng, mới giữ được nguyên vẹn rừng nghiến. Một cây nghiến khổng lồ, tuổi vài trăm năm, đường kính 2-3m, cho lượng gỗ trị giá cả tỷ bạc, nó chả khác gì miếng mỡ treo trong rừng, khó có thể bảo vệ toàn vẹn được.
Lương y Phạm Văn Thanh đi khắp chốn, vào các khu rừng, chỉ thích ngó nghiêng cây thuốc, nhưng anh cũng phải thốt lên kinh ngạc với rừng nghiến vẹn nguyên, rừng nghiến khổng lồ, với hàng vạn cây nghiến to và già cỗi như đã hóa thạch. Anh bảo, trong số các loại tầm gửi, cùng với tầm gửi cây gạo, tầm gửi cây dâu, thì tầm gửi cây nghiến cũng là loại thuốc cực tốt, chữa nhiều bệnh. Tầm gửi trên những cây nghiến da đỏ như đồng thế này, thì còn gì tốt hơn.
Cây nghiến khổng lồ này bám vào vách đá để lên.
Anh Thanh bảo, anh đã đi hàng trăm cánh rừng, từ Đông sang Tây, lạc cả sang những cánh rừng nguyên sinh của nước bạn Lào để tìm thuốc, nhưng anh chưa từng đến cánh rừng nào có nhiều cây nghiến khổng lồ như VQG Ba Bể. Để có được đại ngàn nghiến như thế này, phải mất nhiều triệu năm tiến hóa của loài thực vật này.
Bác lái đò cho thuyền liệng sát vào vách đá. Bác kể rằng, xưa kia, ngôi làng Nam Mẫu mỗi năm đều tổ chức lễ hội gọi là Vô Giá. Dân chúng tụ tập từ khắp nơi. Có một người đàn bà già nua, mắc bệnh hủi tìm đến xin ăn, nhưng ai cũng xua đuổi.
Lương y Phạm Văn Thanh cao 1,8m mà nhỏ xíu so với rễ cây
Chỉ có hai mẹ con nghèo động lòng thương mời bà lão về nhà ăn uống rồi giữ bà lão ngủ lại. Nửa đêm, bỗng trong buồng có tiếng động ầm ầm. Mẹ con bà lão sợ hãi thắp đèn nhìn qua khe cửa, thì không thấy bà lão đâu, chỉ thấy một con rắn khổng lồ đang cuộn mình. Hai mẹ con sợ hãi không ngủ được.
Sớm hôm sau, cửa buồng mở, không phải con rắn, mà bà lão hủi bước ra. Bà lão bảo: “Ta giả dạng kẻ ăn mày để xem bụng người hạ giới. Duy chỉ có mẹ con bà tốt bụng, nên ta sẽ cứu”.
Bà hủi vừa nói xong thì biến mất. Bỗng dưng, nước ở trời dội xuống, tràn ngập các thung sâu, dâng tận đỉnh núi, khiến mọi người chết sạch. Chỉ có hai mẹ con bà góa kia, như có thần tiên phù trợ, chạy thoát lên đỉnh núi.
Cơn lũ trời bà lão hủi tạo ra từ bao đời trước đã biến những thung lũng thành 3 cái hồ rộng lớn, mênh mông như biển, nên người ta gọi là hồ Ba Bể. Huyền thoại về hồ Ba Bể vừa kết thúc, thì cũng là lúc con thuyền cập vào bãi đất thoai thoải. Đồng chí kiểm lâm dẫn đường bảo rằng, ngay trên sườn núi kia là một con “khủng long” khổng lồ, một tuyệt tác ngàn năm của thiên nhiên.
Nghe thấy hai chữ “khủng long” họa sĩ Lê Đình Nguyên nhớn nhác cả lên. Bình thường, ở phố một bước lên xe, ấy thế mà bữa đó leo rừng thoăn thoắt.
Chúng tôi dừng lại bên vách đá, tất cả đều tròn mắt, há hốc ngạc nhiên, sững sờ tột độ. Trước mắt chúng tôi là một quái cây thực sự. Họa sĩ Lê Đình Nguyên chỉ có thể thốt lên một câu: “Kiệt tác của tạo hóa!”.
Lẽ thường, trong khoảnh khắc ấy, cùng với cây cọ, giá vẽ, và một tác phẩm hội họa ra đời. Thế nhưng, hôm đó không mang giá vẽ, nên anh bày tỏ sự xúc động bằng cách chạy đến gốc cây, rồi cứ thế vái lấy vái để, hết vái thân lại vái gốc, rằng: “Con lạy cụ cây, sao cụ lại to thế, trường thọ thế ạ?”.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên hết vái ngọn đến vái gốc: “Con lạy cụ cây, sao cụ lại to thế, trường thọ thế ạ?”.
Cây nghiến ấy, với bộ rễ khổng lồ, vằn vện, trùm lên những tảng đá lớn, xuyên vào những kẽ đá, bám chặt lấy một góc quả núi. Thân nó xuyên ngang như thể cắm vào vách núi. Lương y Phạm Văn Thanh cao lồng ngồng mét tám, mà ngồi bên cái rễ thấy như người tý hon.
Loài nghiến chẳng buông rễ từ thân cây xuống như đa, si, sanh, thế nhưng, lạ thay, cây nghiến này lại buông một cái rễ khủng từ thân, chọc xuống mặt đất, như cái giá đỡ toàn bộ thân cây hàng trăm tấn. Chính vì thế đổ ngang, lại buông một cái rễ, rồi mới ngẩng đầu lên trời, nhìn từ xa như một con khủng long khổng lồ, nên anh em kiểm lâm gọi nó là “khủng long nghiến”.
Theo đồng chí kiểm lâm, đây chưa phải cây nghiến lớn nhất ở VQG Ba Bể, tuy nhiên, cây nghiến này mang hình dáng cổ quái nhất và điều khó tin nhất chính là cái rễ khổng lồ mọc ra từ thân nó. Với địa hình chỉ có núi đá, cây mọc trên đá, mà khổng lồ thế này, thì “khủng long nghiến” phải có tuổi cả ngàn năm. Giữ được cây nghiến này khỏi sự nhòm ngó của bọn lâm tặc quả là một trách nhiệm cực kỳ lớn lao.
Theo Dương Thụy Bình / VTC