R7 Tuyệt Đỉnh Cao Thủ
Join Date: Sep 2008
Posts: 9,141
Thanks: 0
Thanked 0 Times in 0 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 0 Post(s)
Rep Power: 26
|
Những chuyện khó tin ở phố cổ Hà Nội
Nhà cũ nát, xuống cấp nguy hiểm; mật độ dân số "khủng", chật chội đến mức người già, người bệnh không được chết trong nhà vì lối đi không vừa chiếc quan tài... là thực trạng xót xa của nhiều khu phố cổ Hà Nội.
Với diện tích 81ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ đang có số dân khoảng trên 66.660 người (mật độ 84.000 người/km2). Tổng cộng có hơn 1.600 hộ dân sống trong các căn hộ xuống cấp, nguy hiểm và biển số nhà đông hộ khu phố cổ. Không chỉ mật độ dân cư quá cao mà tại đây, điều kiện sinh hoạt của người dân chật chội, khổ sở, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, môi trường ô nhiễm trầm trọng.
Tám người dân sống trên 8m2 ở 44 Hàng Buồm
Tại khu phố cổ, có lẽ không thể đếm xuể có bao nhiêu con ngõ nhỏ chỉ đủ cho một người len vào, kèm theo đó là những căn gác, diện tích chỗ ở không thể chật hơn. Mục sở thị một vài ngõ hẹp, nhà chật ấy, PV Người đưa tin ghi được những chuyện cười ra nước mắt.
"Độc chiêu" đối phó với ngõ nhỏ
Lối đi nhỏ dẫn sâu vào ngõ 13 phố Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) rộng hơn 60 cm và chỉ cao vừa chớm đầu người. Vừa lách bộ vào ngõ, tôi vừa phải dùng điện thoại soi đường, cả con ngõ không có lấy một bóng đèn, tối thăm thẳm và sâu hun hút. Len vào được một đoạn thì lập tức phải lùi ra để nhường đường cho một người từ trong ngõ đi ra. Tôi lại tiếp tục lách vào ngõ và lại tiếp tục phải quay ra vì nhường đường cho một cụ già đang chống gậy ra ngõ… Bốn lần như thế, mất gần 20 phút, tôi vẫn chưa thể đi vào đến cuối con ngõ có một không hai này.
Hiện, các hộ dân trong ngõ 96 Hàng Buồm vẫn trong tình trạng dùng chung một công tơ điện, đồng hồ đo nước; còn nhà vệ sinh công cộng luôn trong tình trạng quá tải. Việc thanh toán tiền hàng tháng lần lượt các gia đình thay nhau trả tiền nên cũng không tránh khỏi trường hợp "cha chung không ai khóc", thậm chí bất hòa cũng từ đây. | Ông Nguyễn Văn Thỏa (60 tuổi, sống trong ngõ 13 Đồng Xuân) thấy tôi loay hoay mãi không vào được liền gọi tôi lại trò chuyện. Ông Thỏa truyền kinh nghiệm cho tôi: "Con ngõ này chỉ vừa khít cho một chiếc xe máy loại nhỏ. Để đi được vào, người phải ngồi trên xe, đi từ từ thì mới căn không cho xe mắc kẹt vào hai bên tường. Với những chiếc xe dùng di chuyển vào những con ngõ hẹp thế này cũng phải có cách lắp gương riêng theo kiểu hơi cụp xuống, chứ không thể lắp thẳng "hiên ngang" được…".
Để sống chung với con ngõ nhỏ bé này, người dân phố cổ đã nghĩ ra những chiêu "độc nhất vô nhị". Ông Thỏa kể, tất cả đồ dùng trong gia đình đều cố gắng chọn mua thứ nhỏ cho tiện vận chuyển và phù hợp với diện tích chưa đầy 10m2 của căn gác trong ngõ 13 Đồng Xuân ông đang sinh sống.
"Có những đồ như giường, tủ, bàn ghế tháo dời được thì không sao nhưng mỗi khi gia đình nào mua bồn chứa nước dù là loại nhỏ nhất thì cũng phải nhờ những gia đình ở tầng trên tiếp giáp với mặt phố, sau đó dùng dây thừng kéo bồn đựng nước từ dưới đường lên" - ông Thỏa nói.
Không được chết trong nhà
Giữ kỷ lục về ngõ nhỏ phải kể đến số 14 ngõ Gạch. Ngõ rộng chưa đến 50 cm, chỉ xe đạp mới dắt được vào bên trong. Bà Lại Thị Ân nói: "Ở ngõ này, khổ nhất có lẽ là chuyện ma chay. Hễ gần tắt thở là phải lập tức cõng ra đường rồi đưa đến nhà tang lễ Phùng Hưng, không được phép chết trong nhà". Theo lý giải của bà ân, nếu chết trong nhà thì thật gay go vì không có cách nào có thể mang quan tài vào trong nhà được.
Ngõ nhỏ chỉ vừa chiếc xe đạp
Chúng tôi đến con ngõ siêu nhỏ ở số 13 Hàng Giấy. Anh Ngô Thành Công, một người dân sống trong ngõ này tình nguyện dẫn chúng tôi đi thăm ngõ, nhưng cô bạn đồng nghiệp khoác chiếc ba lô hăm hở đi trước thám thính. Con ngõ rộng chừng 70 cm, cao chưa đầy 2m, sâu hun hút như một địa đạo tối đen. Thế nhưng, loay hoay mãi, cô bạn đồng nghiệp cũng không tài nào đi vào được vì vướng… chiếc ba lô. "Với chiếc ba lô này thì chỉ có thể đi giật lùi để quay trở ra vì ngõ quá hẹp không thể xoay người được" - cô bạn nói.
Theo anh Công, hiện có năm gia đình với tổng cộng 25 nhân khẩu đang sinh sống trong ngõ. Với diện tích trung bình khoảng 15m2/căn hộ gồm năm người ở thì việc mua sắm đồ đạc luôn được giản tiện đến mức tối đa. "Chưa ở đâu đồ đạc siêu mini lại được trọng dụng như ở đây" - Anh Công hài hước nói. Phương tiện để "đối phó" với con ngõ siêu nhỏ này chỉ có thể là xe số nhưng cũng phải tìm mọi cách để đơn giản hóa các bộ phận của xe như: Bẻ bớt núm tay lái, gập gương chiếu hậu… Anh Công cho biết thêm: "Có tiền chúng tôi cũng không dám mua xe tay ga đắt tiền bởi không thể "vượt ải" lại mất thêm một khoản không nhỏ dành cho việc gửi xe hàng tháng".
Không gian sinh hoạt chật hẹp, lối vào bất tiện nên ngay cả việc người dân muốn làm dăm mâm cơm đám cưới cho con cũng đành ngậm ngùi mượn tạm bãi xe công cộng nơi gầm cầu Long Biên để tổ chức. Cô Kim Dung (ngõ 96, Hàng Buồm) tâm sự: "Nhà tôi có diện tích 24m2 hiện là nơi sinh sống của ba gia đình. Gần đây, vợ chồng cậu con trai út mới sinh con nhỏ, không chịu nổi cảnh chật chội nên phải ra ngoài thuê nhà cho dễ thở hơn".
Nơi ở mới đảm bảo diện tích tối thiểu 25m2 sàn/người
Theo quy định, đề án giãn dân phải bảo đảm chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 25m2 sàn/người. Người dân sau khi nhận căn hộ tại nơi định cư mới phải có bản cam kết chuyển hộ khẩu khỏi khu phố cổ. Với những số nhà đông hộ, xuống cấp đang thuê của Nhà nước, nhà cần bảo tồn thuộc quỹ nhà Nhà nước diện tích bình quân dưới 5m2/người mà không tự thỏa thuận được để giãn dân, Nhà nước sẽ thu hồi theo chính sách giải phóng mặt bằng, diện tích thu hồi sẽ sử dụng theo quy hoạch bảo tồn khu phố cổ Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm đề xuất UBND TP.Hà Nội cho áp dụng giá bồi thường, hỗ trợ theo quy định trong bảng giá đất hàng năm nhân hệ số 2 lần cho mỗi diện tích thu hồi đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ về đất. Các hộ thuộc diện di dời sẽ được mua nhà tại khu nhà ở giãn dân với giá ưu đãi. Phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại tại các tòa nhà tái định cư sẽ được bán hoặc cho các hộ có nhu cầu kinh doanh thuê lại để đảm bảo cuộc sống. |
Hà My - Yến Dương / Theo nguoiduatin
|