Cách thức được nhà Glazer sử dụng thôn tính M.U cũng giống Công ty 584 dùng để mua Công ty thủy sản Bình An (Bianfishco).
Nhà Glazer thôn tính M.U có điểm tương đồng với Công ty 584 mua Bianfishco
Quá trình thôn tính M.U của gia đình Glazer bắt đầu từ năm 2003, với xuất phát điểm là số cổ phần chỉ 2,9%. Đến tháng 6/2004, con số này đã xấp xỉ 20% và vào tháng 5/2005 gia đình Glazer đã sở hữu 75%. Sau đó, cổ phiếu của M.U đã rời khỏi thị trường chứng khoán và trở thành tài sản cá nhân của các ông chủ người Mỹ. Số tiền chính xác cho toàn bộ giao dịch này không được tiết lộ.
Theo những con số từ Red Knight, nhóm cổ động viên M.U chống lại sự thôn tính của gia đình Glazer, số tiền này là 921 triệu bảng Anh, trong đó có 650 triệu bảng là vốn vay. Sau khi thôn tính M.U thành công, gia đình Glazer đã chuyển số nợ 525 triệu bảng từ khoản vay này lên vai câu lạc bộ. Trước khi những ông chủ người Mỹ đến, M.U không có bất kỳ khoản vay nào.
Sau khi tiếp quản, để có tiền tái cấu trúc M.U, nhà Glazer lại tiếp tục đi vay. Có thời điểm số nợ của M.U đã tăng tới 800 triệu bảng. Tệ hơn nữa, M.U còn phải gánh thêm việc trả lãi cho khoản vay 220 triệu bảng với lãi suất đến 16,25%/năm cho công ty mẹ Red Football Joint Venture của gia đình Glazer. Đến cuối năm 2011, số nợ vay của M.U là khoảng 440 triệu bảng. Theo thông tin từ tờ Daily Mail, 9 tháng qua M.U đã phải trả 71 triệu bảng tiền lãi cho khoản vay này.
Không thể phủ nhận dưới sự điều hành của các ông chủ người Mỹ, doanh thu của M.U đã tăng mạnh, song lợi nhuận hầu như không được dùng để tái đầu tư. Ngược lại, theo các cổ động viên của M.U, cho đến nay gia đình Glazer đã rút ra hơn 500 triệu bảng từ thu nhập của M.U.
Mối duyên NTB và Bianfishco
M.U là một trường hợp điển hình của hình thức dùng vốn vay để đi mua một công ty (Leveraged Buyouts - LBO), với tài sản thế chấp là chính công ty được mua. Mấy năm gần đây, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa có thương vụ LBO nào diễn ra.
Khác với các hình thức M&A khác, LBO thường có sự tham gia của ngân hàng, với tư cách người cho vay. Khi được hỏi về khả năng áp dụng LBO tại Việt Nam, đại diện một ngân hàng thương mại đã từ chối trả lời. Tuy nhiên, đại diện này cho biết: “Một số doanh nghiệp nợ ngân hàng rất nhiều và hầu như không có khả năng trả. Tuy nhiên, việc ngân hàng bỏ tiền ra mua lại doanh nghiệp rất khó khả thi, vì đầu tư mua lại doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc tham gia vào quản lý, kinh doanh trong một ngành mới mà ngân hàng không có chuyên môn”. Nhưng nếu không mua để tái cấp vốn, nhiều doanh nghiệp có khả năng sẽ phá sản, ngân hàng cũng mất tiền. Và chấp nhận đầu tư vốn cho một doanh nghiệp trung gian mua lại theo hình thức LBO sẽ là lối thoát cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Mới đây, thương vụ Công ty cổ phần Xây dựng Đầu tư và Khai thác Công trình Giao thông 584 (NTB) đầu tư vào Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) có những biểu hiện tương tự như một nghiệp vụ LBO. Chi tiết của thương vụ này vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng theo kế hoạch, NTB sẽ đầu tư vào Bianfishco 500 tỷ đồng, trong đó 70% là vốn vay Ngân hàng BIDV, 30% là vốn tự có và huy động khác. NTB và Bianfishco sẽ cùng quản lý sản xuất kinh doanh, lợi nhuận sau thuế chia đều nhưng NTB phải có lợi nhuận sau thuế tối thiểu 15%. Với khoản vay 350 tỷ đồng này, tính lãi suất trung bình 15%/năm, mỗi năm NTB sẽ phải trả lãi vay khoảng 52,5 tỷđồng.
Theo tính toán, hệ số thu nhập trên vốn đầu tư (Return on Invested Capital - phản ánh khả năng sử dụng vốn đầu tư để tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp) của 10 doanh nghiệp kinh doanh cá tra trên sàn HoSE là 11%. Nếu Bianfishco hợp tác với NTB theo tỉ lệ mỗi bên góp 50% vốn (Bianfishco góp vốn bằng tài sản) để thành lập doanh nghiệp, số vốn đầu tư của doanh nghiệp mới sẽ là 1.000 tỷ đồng. Đặt giả thiết công ty mới này cũng có khả năng đạt được mức ROIC 11%, họ sẽ tạo ra lợi nhuận 110 tỷ đồng mỗi năm. Mỗi năm NTB sẽ nhận được 50% lợi nhuận, tức khoảng 55 tỷ đồng, chỉ vừa đủ để trả lãi vay.
Tuy nhiên, chỉ số ROIC trên được tính toán từ bình quân của 10 doanh nghiệp kinh doanh cá tra lớn trên sàn, Bianfishco khó có thể so sánh với những doanh nghiệp này được. Vấn đề lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiện nay là thiếu nguyên liệu. Trong khi đó, với “uy tín” của mình, Bianfishco khó lòng tiếp tục mua cá từ nông dân. Và trên thực tế, chỉ số ROIC của Bianfishco trong năm 2010 cũng chỉ đạt gần 8%. Như vậy, nhiều khả năng thương vụ hợp tác giữa Bianfishco và NTB sẽ chỉ tiếp tục là một ly nước muối cho con bệnh đang khát.
Có vẻ như các thương vụ LBO đều mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp được mua lại, nhưng không thể phủ nhận lợi ích của chúng. Đối với M.U, đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu và thương hiệu. Theo bảng xếp hạng các câu lạc bộ bóng đá có giá trị thương hiệu cao nhất của Tạp chí Forbes, 2012 là năm thứ tám liên tiếp M.U dẫn đầu với giá trị 2,235 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư mạo hiểm có thể kiếm được lợi nhuận không nhỏ.
Theo Forbes, tính tới cuối tháng 4/2012, gia đình Glazer đã kiếm được khoảng 420 triệu USD từ thương vụ đầu tư vào M.U. Hiện tổng tài sản của gia đình này là hơn 3 tỷ USD, phần lớn là nhờ vào M.U và một câu lạc bộ bóng đá khác của Mỹ.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư