Trong số hàng nghìn VĐV từ khắp thế giới hội tụ tại London tranh tài tại Thế vận hội năm nay, có không ít VĐV đã phải đấu tranh vượt qua nghèo khó, tật nguyền, định kiến…và vô vàn khó khăn khác để đến được với London.
Từ trước đến nay, Ả rập Saudi chưa bao giờ cho phép các VĐV nữ được tham dự một kỳ Thế vận hội. Thế nhưng dưới sức ép của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), năm nay quốc gia châu Á này đã cử hai đại diện nữ tham dự tranh tài tại Olympic London.
VĐV thứ nhất là Wodjan Ali Seraj Abdulrahim Shahrkhani, người sẽ tranh tài ở môn judo cho dù chưa bao giờ thi đấu ở trong nước (phụ nữ Ả rập Saudi không được tập môn này). VĐV còn lại là Sarah Attar sẽ thi đấu ở môn điền kinh. Cô gái sở hữu hai quốc tịch Mỹ và Ả rập Saudi này hiện đang là sinh viên Đại học Pepperdine Mỹ và sẽ tham gia tranh tài ở cự ly 800m.
Hãy khoan nói tới việc 2 VĐV này sẽ giành được thành tích cao tại Thế vận hội 2012. Thế nhưng chỉ riêng sự xuất hiện của 2 cô gái này tại London năm nay đã cho thấy một sự thay đổi đáng kể về mặt nhận thức của quốc gia đạo Hồi này khi lần đầu tiên trong lịch sử cử các VĐV nữ tham dự Olympic.
Việc Shahrkhani và Attar vượt qua được những định kiến khắt khe để đại diện cho Ả rập Saudi tham dự Olympic London 2012 có thể coi là một thành công đáng kể trong việc giải phóng phụ nữ, thực hiện bình quyền bình đẳng. Hy vọng rằng sự có mặt của 2 VĐV nữ này tại Olympic London năm nay sẽ mở đường cho các nữ VĐV của Ả rập Saudi cũng như của cả các quốc gia đạo Hồi khác tham dự các kỳ Thế vận hội sau.
|
Oscar Pistorius cho thấy nghị lực phi thường khi tham dự Olympic London 2012. Ảnh: Getty
|
Trong khi đó, bị chấn thương và phải cắt bỏ đôi chân từ năm 11 tuổi nhưng Oscar Pistorius đã không chịu đầu hàng số phận và tìm mọi cách để vươn lên trong cuộc sống. Với đôi chân giả làm bằng hợp chất carbon, Oscar Pistorius đã không những có thể đi lại, sinh hoạt như người bình thường mà còn cố gắng để tham gia tranh tài tại các cuộc thi đấu thể thao.
Năm 2008, khi Olympic được tổ chức tại Trung Quốc, Pistorius đăng ký thi đấu với những VĐV bình thường khác nhưng không đạt chuẩn. Tuy nhiên những khó khăn đã không làm Pistorius lùi bước, khi anh mang trong mình một khát vọng lớn lao là hiện thực hóa giấc mơ được thi đấu tại Olympic cùng với những VĐV bình thường. Pistorius cố gắng cải thiện thành tích và tham gia các giải đấu lớn bằng chính đôi chân giả. Nhờ những nỗ lực phi thường, anh đã đạt chuẩn để dự Olympic năm nay sau 4 năm dang dở.
Tại Olympic London 2012, Pistorius sẽ không chỉ tham dự Paralympic dành cho người tàn tật mà còn tranh tài tại Olympic trong màu áo đội tuyển điền kinh Nam Phi để đua tranh một cách sòng phẳng với những VĐV lành lặn khác ở hai nội dung chạy 400m và 400m tiếp sức - một niềm mơ ước ngay cả đối với những người bình thường có đôi chân khỏe mạnh.
Với Oscar Pistorius, việc được tham dự Thế vận hội năm nay giống như một VĐV bình thường đã có thể coi là một thắng lợi của bản thân anh. Và dù kết quả thi đấu thực tế có như thế nào đi chăng nữa thì anh cũng đã hoàn thành giấc mơ lớn của cuộc đời mình là được tham dự đồng thời cả Olympic và Paralympic.
Cũng không thể không nhắc tới Im Dong Hyun - VĐV người Hàn Quốc, VĐV đầu tiên phá kỷ lục thế giới tại Olympic London 2012 dù bị khiếm thị với chỉ số có thể nhìn chỉ ở mức 1/10. Lẽ ra với thị lực như vậy, Im Dong Hyun sẽ luôn phải đeo kính và không thể nào tinh mắt được như người bình thường.
Vậy mà anh lại tham gia thi đấu tại Olympic năm nay mà không sử dụng bất kỳ sự trợ giúp nào của máy móc điện tử hay những chiếc kính đặc biệt. Để rồi làm nên lịch sử với thành tích 72 mũi trúng đích, vượt qua mốc 696 tới 3 điểm (tức là 699 điểm) - một thành tích khiến tất cả mọi người phải ngả mũ thán phục.
Chúng ta đã từng biết đến thần thoại Hy Lạp rồi chuyện cổ tích Andersen. Thế nhưng đối với Olympic, có những câu chuyện không chỉ đơn giản được viết bằng phép màu (bởi nó vượt ra ngoài trí tưởng tượng của con người), mà nó được viết bằng những khát khao thi đấu và nghị lực thực sự phi thường của con người.
Olympic năm nay đã bắt đầu với những ấn tượng không thể nào quên trong lòng người hâm mộ về những nỗ lực cố gắng, tinh thần vượt khó, nghị lực phi thường của các VĐV nói trên - đúng như tinh thần của Olympic
Hà Phương (Hà Nội)