Chuyên gia Peter Englund thuộc Viện hàn lâm Thụy Ðiển mô tả truyện của nhà văn Mạc Ngôn "vừa tàn nhẫn vừa gợi cảm", "có những thứ trong sách của ông là những thứ đáng sợ nhất mà tôi từng đọc".
"Với sự pha trộn giữa các yếu tố huyền ảo, hiện thực, lịch sử và xã hội,
Mạc Ngôn đã tạo ra một thế giới gợi nhớ lại những kiệt tác của hai nhà văn lỗi lạc William Faulkner và Gabriel Garcia Marquez. Trong các tác phẩm của
Mạc Ngôn, hiện thực gây ảo giác hòa trộn với truyện dân gian, lịch sử và đương đại", Viện hàn lâm Thụy Ðiển đánh giá.
Nhà văn
Mạc Ngôn trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng của ông ở Bắc Kinh năm 2009.
Phê phán xã hội
Mạc Ngôn, 57 tuổi, tên thật là Quản Mạc Nghiệp, sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Ðông, Trung Quốc. Ông phải bỏ tiểu học do cách mạng văn hóa và phải lao động nhiều năm ở nông thôn. Năm 1976, ông nhập ngũ vào Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, bắt đầu học văn học và viết văn. Năm 1981, truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản trên một tạp chí văn học. Bút danh
Mạc Ngôn của ông có nghĩa là "không nói".
"Nhà văn cần phê phán và khơi gợi sự căm phẫn đối với những mặt trái đen tối của xã hội cũng như sự xấu xa của bản chất con người"
Mạc Ngôn
Tác phẩm nổi tiếng nhất trên thế giới của
Mạc Ngôn là
Cao lương đỏ, kể về những tàn bạo, đau khổ ở nông thôn miền Đông Trung Quốc thập niên 1920 và 1930. Cuốn sách sau đó được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim.
Mạc Ngôn còn viết hàng chục tiểu thuyết, truyện ngắn. Các tác phẩm của ông mô tả sinh động một Trung Quốc đầy biến động trong thế kỷ 20, từ cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ chế độ phong kiến Trung Quốc cho đến những chính sách đất đai thất bại của chính quyền Bắc Kinh thập niên 1950 và thời kỳ động loạn, đẫm máu của cách mạng văn hóa 1966-1976.
Chính vì vậy, dù
Mạc Ngôn lấy tên là "không nói", nhưng các tác phẩm của ông như đã nói thay, đặc biệt là cuốn
Cây tỏi nổi giận. Nhiều tiểu thuyết khác của
Mạc Ngôn cũng trở nên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như
Ðàn hương hình, Báu vật của đời (Phong nhũ phì đồn),
Tửu quốc... Tiểu thuyết mới nhất của ông là
Ếch, trong đó
Mạc Ngôn đả kích mạnh mẽ chính sách một con của chính quyền Trung Quốc và cách áp dụng tàn nhẫn của quan chức các địa phương thông qua biện pháp cưỡng bức phá thai, triệt sản. Dù đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm trong xã hội Trung Quốc,
Mạc Ngôn vẫn được đánh giá là một trong những nhà văn nổi tiếng và được yêu chuộng nhất quốc gia này, được nhà nước tôn vinh.
Trong bài phát biểu tại hội chợ sách Frankfurt (Ðức),
Mạc Ngôn khẳng định: "Nhà văn cần phê phán và khơi gợi sự căm phẫn đối với những mặt trái đen tối của xã hội cũng như sự xấu xa của bản chất con người. Một số người muốn hét vang trên đường phố, nhưng chúng ta cần phải thông cảm với những người giấu mình trong phòng và sử dụng văn chương để bày tỏ thái độ của họ".
Không ai viết để đoạt giải
Trong một lần trả lời phỏng vấn
Nhân Dân Nhật Báo,
Mạc Ngôn khẳng định: "Tôi nghĩ nhà văn viết vì lương tâm của họ. Họ viết vì độc giả. Chẳng ai viết để đoạt giải cả". Bởi vậy, văn phong của
Mạc Ngôn rất độc đáo. "Chỉ cần đọc nửa trang của
Mạc Ngôn thôi là bạn đã nhận ngay ra đó là ông", chuyên gia Englund nhận định.
Mạc Ngôn đã được thông báo về giải thưởng. "Ông ấy đang ở nhà với cha mình. Ông ấy vừa rất vui mừng vừa sợ hãi", ông Englund tiết lộ. Trả lời phỏng vấn giới truyền thông Trung Quốc,
Mạc Ngôn cho biết ông rất vui mừng vì đoạt giải thưởng Nobel cao quý, một vinh dự sẽ giúp ông phấn đấu nhiều hơn nữa. "Tôi sẽ tập trung vào các tác phẩm mới. Tôi sẽ nỗ lực hết mình để cảm ơn mọi người",
Mạc Ngôn cho biết.
Theo
AFP, với sự quan tâm quá mức của giới truyền thông, có thể
Mạc Ngôn sẽ kín tiếng. "Tôi nghĩ ông ấy sợ giới truyền thông và muốn được yên", ông Eric Abrahamsen, một người làm trong ngành xuất bản và thường xuyên liên lạc với
Mạc Ngôn thời gian gần đây, cho biết. Kể từ đầu mùa giải Nobel, điện thoại di động của
Mạc Ngôn luôn trong tình trạng "ngoài vùng phủ sóng".
Theo Tuổi Trẻ