Trung Quốc có tỷ lệ người yêu mến trên toàn cầu là 50%, ít hơn so với 63% của Hoa Kỳ, theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện ở 39 quốc gia được công bố hôm thứ Năm ngày 18/7.
Mặt khác, cuộc khảo sát cũng cho thấy thế giới đang ngày càng tin rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường hàng đầu thế giới.
Nhưng tại vùng Đông Á, cũng có 96% người được hỏi ở Nhật Bản và 91% ở Hàn Quốc cho rằng sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc "là điều xấu", theo AP.
Khác biệt lớn
Tuy nhiên, ở những nước khác nhau cũng có sự khác biệt lớn trong tình cảm đối với Mỹ và Trung Quốc, theo tường thuật của AFP.
Nhật Bản là nước mà số người thân Mỹ tăng nhiều nhất với tỷ lệ là 69%.
Trong khi đó, chỉ có 5% người dân nước này có tình cảm tích cực đối với Trung Quốc. Đây là quốc gia có cái nhìn thiếu thiện cảm nhất về Trung Quốc trong số các quốc gia được khảo sát.
Hầu hết các nước châu Á-Thái Bình Dương đều ủng hộ Mỹ.
Còn ở châu Âu, hình ảnh của Bắc Kinh đã xấu đi rất nhiều trong vòng hai năm qua, với tỷ lệ người ủng hộ giảm 11% ở Anh và 9% ở Pháp.
Kết quả này có lẽ xuất phát từ 'sự bất an về Trung Quốc như là một đối thủ cạnh tranh thương mại' cũng như 'sự bất mãn của châu Âu đối với chính sách ngoại giao đơn phương của Trung Quốc', theo khảo sát.
Chỉ 40% người dân Trung Quốc có cái nhìn thiện cảm về Mỹ
|
Ở những nước mà đa số người dân không ưa Mỹ thì hình ảnh Trung Quốc cũng đi xuống.
Tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc ở Ai Cập đã giảm 12 điểm xuống 45% mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ ủng hộ Mỹ là 16%.
Tuy nhiên, ở phía bên kia thì có đến 81% người dân Pakistan yêu mến Trung Quốc trong khi chỉ có 11% người dân nước này thích Mỹ.
Hy Lạp là quốc gia duy nhất trong Liên minh Âu châu có đa số người dân thiện cảm với Trung Quốc trong khi chưa tới phân nửa người dân nước này có cái nhìn tích cực về Hoa Kỳ.
Hy Lạp đang đắm chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng và phải áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo để được cứu trợ.
Trung Quốc là nước ghét Mỹ nhất nếu không tính các nước Hồi giáo với chỉ 40% người dân nước này có cái nhìn thiện cảm về Mỹ.
Ở Argentina, tỷ lệ này cao hơn một chút ở mức 41%. Đây là trường hợp đặc biệt ở Mỹ Latin nơi mà hầu hết các nước đều thích Mỹ.
Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama được công chúng thế giới ủng hộ hơn nhiều so với người tiền nhiệm George W. Bush, cuộc khảo sát cũng cho thấy sự phản đối rộng rãi đối với hành động sử dụng máy bay không người lái của Mỹ để tấn công những kẻ cực đoan ở Pakistan và những nước khác.
Đa phần người dân tại chính Mỹ và ở các nước như Israel và Kenya, những nơi vốn có truyền thống thân Mỹ, lại ủng hộ hành động tấn công của máy bay không người lái.
Tuy nhiên những quốc gia có tình cảm chống Mỹ rộng rãi vẫn dành nhiều thiện cảm cho người dân Mỹ và hầu hết đầu thừa nhận rằng công dân Mỹ có quyền tự do cá nhân.
Đã là siêu cường?
Dân Mỹ Latin và châu Phi chẳng mấy quan tâm đến âm nhạc và phim ảnh Trung Quốc'
|
Kết quả khảo sát cũng nhận định rằng ở nhiều nước nơi Mỹ vẫn được xem là cường quốc kinh tế số một thế giới thì đa phần người dân đều tin rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường toàn diện hàng đầu.
Người dân ở tất cả các nước Tây Âu ngoại trừ Ý, nơi Mỹ được đặt biệt ủng hộ, đều tin rằng Trung Quốc đã đứng đầu thế giới hoặc đã qua mặt Mỹ để trở thành 'siêu cường số một thế giới'.
Hầu hết các kinh tế gia đều tin rằng chỉ trong vài năm nữa thì Trung Quốc, với số dân gấp bốn lần nước Mỹ, sẽ vượt qua Mỹ về quy mô nền kinh tế.
Tuy nhiên nhiều phân tích gia lại nghi ngờ khả năng của Bắc Kinh có thể nhanh chóng bắt kịp Washington về phạm vi ảnh hưởng văn hóa, kinh tế và ngoại giao trên toàn cầu.
Cuộc khảo sát của Pew cho thấy người dân Mỹ Latin và châu Phi chẳng mấy quan tâm đến âm nhạc và phim ảnh Trung Quốc mặc dù đa phần đều hâm mộ những bước tiến công nghệ của quốc gia châu Á này.
Đây là cuộc khảo sát ở quy mô lớn nhất của Pew kể từ năm 2007 được tiến hành hồi tháng 3 và 4, trước khi xuất hiện tiết lộ về việc Mỹ do thám các nước đồng minh châu Âu và trước khi có đảo chính phế truất Tổng thống Mohammed Morsi ở Ai Cập.
BBCnews