Tức giận vì đứa cháu trai qua nhà quấy rối khiến chồng lên cơn đau tim suýt chết, đang đêm, mấy mẹ con dẫn nhau đi "báo thù". Kết quả, cả nhà lại dẫn nhau ra trước vành móng ngựa.
Theo cáo trạng tại phiên tòa thì chiều 1/8/2012, khi đang ngà ngà say, Trần C. đi sang nhà chị Trần Thị Má (là dì ruột) gây gổ, sau đó C. còn lao vào bóp cổ anh Huỳnh H. (chồng chị Má). Lúc đó, anh Huỳnh H. đang nằm dưỡng bệnh ở trong nhà, quá bức xúc, bệnh tim của anh lên cơn suýt nguy hại tính mạng. Mọi việc chỉ kết thúc khi mẹ Trần C. sang nhà em gái để kéo con trai về.
Tối đó, chị Má kể cho mọi người trong gia đình lý do khiến bệnh tim anh Huỳnh H. tái phát, đồng thời nói đi tìm Trần C. để dằn mặt. Nghe vậy cả ba người con trai của Má là Huỳnh Thuận (SN 1986), Huỳnh Lành (SN 1997), Huỳnh Bảy (SN 1998) và một người cháu gọi Huỳnh H. bằng bác ruột là Huỳnh Thuận (SN 1993) lập tức hưởng ứng và đi tìm Trần C. để đánh. Tất cả 5 người xuất phát tại nhà Trần Thị Má ở xóm 16, thôn Định Cư, xã Phú An, xuống bến nước Đầm Chuồng lấy ghe nhôm của Huỳnh H. chạy đi tìm Trần C.. Trước khi đi, Huỳnh Thuận (SN 1986) có lấy ba thanh lồ ô trong nhà mang theo làm hung khí.
Trần Thị Má điều khiển ghe máy chở mọi người ra khu vực vợ chồng Trần C. đánh bắt thủy sản. Khi gặp nhau, hai bên lời qua tiếng lại về mâu thuẫn trước đó, thấy thất thế trước số đông áp đảo từ nhóm người của Trần Thị Má nên Trần C. nhảy xuống nước, Huỳnh Thuận (SN 1986), Huỳnh Thuận (SN 1993) và Huỳnh Lành cũng nhảy xuống theo, mỗi người cầm một thanh lồ ô chuẩn bị từ trước bao vây và đánh vào người Trần C. làm C. bị thương bất tỉnh. Thấy vậy cả ba không đánh nữa mà kéo C. lên ghe máy và đưa vào bờ. Khi vào đến bến Đầm Chuồng, mọi người để Trần C. nằm lại trên bờ rồi về nhà. Trần C. sau đó được mọi người đưa đi cấp cứu.
Theo phiếu khám bệnh của bệnh viện Trung ương Huế, khi nhập viện, Trần C. bị một vết thương rách da đầu kích thước 10cm và nhiều vết thương rách da đầu khác kích thước từ 2-3cm. Tại bản giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế kết luận Trần C. bị đa vết thương phần mềm vùng đầu, ngực, lưng, tay, tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 7%. Cô con gái chị Má cho biết, mẹ cô và mẹ của Trần. C là chị Trần Thị Thu là hai chị em ruột nhưng vốn có mối quan hệ không tốt.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Gia đình chị Má rất đông anh em, trong đó có một người đang định cư ở nước ngoài. Nhắc đến người chị ở xa, giọng chị Trần Thị Má bùi ngùi: "Tui có cả thảy 8 đứa con, nhà lại nghèo, tụi nhỏ đứa nào cũng đang tuổi ăn tuổi lớn, chồng lại bị bệnh tim, mất sức lao động, thấy gia cảnh khó khăn, người chị ở xa lâu lâu cũng gửi về ít tiền để thuốc men cho chồng, nuôi con ăn học. Vậy mà dì ấy (chỉ chị gái tên Thu) lúc nào cũng chì chiết, xoi mói, bảo tôi xu nịnh người nước ngoài để kiếm tiền. Tui nghe thế tủi lắm. Mình nghèo, phải nhờ đến chị em đùm bọc, vậy mà dì ấy cứ cạnh khóe hoài. Cứ thế tình cảm giữa hai chị em ngày một rạn nứt".
Mâu thuẫn giữa các bậc làm cha làm mẹ, những tưởng chẳng liên quan gì đến con cái, nhưng không ngờ lại ăn sâu bám rễ trong lòng thế hệ sau. Chị Má cho biết, con trai chị gái mình thường xuyên kiếm cớ sang nhà xúc phạm dì ruột, lời lẽ thóa mạ. Mỗi lần say, Trần C. lại sang gây gổ. Và chuyện gì đến cũng đã đến, do quá tức giận vì hành động hỗn láo của người cháu, chị và con cháu trong một phút nông nổi đã phải vướng vào vòng lao lý.
Chuyện bé xé ra to?
Chị Má thật thà kể: "Sau khi gây chuyện, biết mình sai tui vô cùng ân hận. Biết thằng C. phải nhập viện nhưng ngày đầu tiên vẫn không dám lên thăm, lòng cứ thấp thỏm lo lắng. Đến ngày thứ hai tui mới dám mua sữa vô thăm nhưng chị tui đã ném hết mấy thứ tui mang đến rồi đuổi ra khỏi phòng". Sau khi gây án, vợ chồng chị Má đã mang tiền sang để lo thuốc men, khắc phục hậu quả, đồng thời năn nỉ chị gái và cháu trai tha thứ và cho hòa giải. Tuy nhiên phía bị hại không đồng ý. Khi nghe đứa cháu nhất quyết đưa vụ việc ra tòa, vợ chồng chị Má đã sang năn nỉ van xin được thương lượng, hòa giải, nhưng chỉ nhận được mỗi câu trả lời "chịu thôi" lạnh lùng của người chị và người cháu.
"Không chỉ có nhà em sang xin đừng kiện ra tòa, mà cả họ nhà bên ngoại đều đến khuyên, nhưng dì và anh họ không đồng ý. Ngay cả bà ngoại em đã 90 tuổi cũng chống gậy lên xin đừng kiện nữa nhưng vẫn không được", con gái chị Má kể lại. Do không đồng ý hòa giải, quyết đưa bằng được vụ việc ra tòa, ngày 22/3/2013, tại hội trường UBND xã Phú An, TAND huyện Phú Vang đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Trần Thị Má 8 tháng tù giam, Huỳnh Thuận (1986) 7 tháng tù giam, Huỳnh Thuận (1993) 7 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Riêng Huỳnh Bảy và Huỳnh Lành mặc dù không trực tiếp gây thương tích cho Trần C. nhưng đã đi theo tham gia nên có vai trò đồng phạm là người giúp sức. Tuy nhiên khi thực hiện hành vi phạm tội cả Huỳnh Lành và Huỳnh Bảy đều chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nên không xử lý về hình sự. Về dân sự, các bị cáo phải bồi thường cho phía bị hại 23 triệu đồng (trước đó các bị cáo đã bồi thường 5 triệu đồng, số tiền còn lại phải bồi thường là 18 triệu đồng).
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả bị hại và bị cáo đều có đơn kháng cáo. Phía bị cáo xin được cho hưởng án treo, trong khi phía bị hại lại cho rằng mức án ấy quá nhẹ và yêu cầu tòa án tăng mức hình phạt lên cao hơn và tăng số tiền bồi thường lên 47 triệu đồng. Cũng tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo có ý kiến rằng, với thương tật chỉ 7% và xây xát ngoài da nhưng bị hại đã nghỉ dưỡng bệnh đến hai tháng là không chấp nhận được, tiền giảm thu nhập 500.000 đồng/ngày là không phù hợp với thiệt hại thực tế. Vị luật sư này đặt nghi vấn rằng phải chăng đây là hành vi cố tình ăn vạ, chuyện bé xé ra to?
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cớ đã được thẩm tra tại phiên tòa, sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã quyết định bác đơn kháng cáo của phía bị hại đồng thời tuyên giảm án cho Trần Thị Má xuống còn 6 tháng tù giam, Huỳnh Thuận (SN 1986) và Huỳnh Thuận (SN 1993) đều được hưởng án treo (7 tháng).
Mất hết nghĩa tình
Chị Má bùi ngùi kể lại chuyện hôm tòa xử sơ thẩm: "Khi tòa hỏi phía bị hại có ý kiến gì không, có xin giảm án không? Nghe chị tui trả lời tòa cứ theo pháp luật thẳng tay mà làm, không cần phải nương tay, tui nghe mà rớt nước mắt, cả phòng xử đều ồ lên những tiếng kinh ngạc. Mình làm sai thì mình phải chịu, nhưng nghĩ ruột rà mà thẳng thừng như thế cũng buồn".
Những ngày này, bị cáo Trần Thị Má vẫn đang ở nhà cùng chồng con nhưng tâm trạng lúc nào cũng bồn chồn lo lắng. Chị đang đợi ngày để đi chấp hành án. Căn nhà của bị cáo Má được xây dựng ở khu định cư do Nhà nước cấp đất cho những ngư dân chuyên sống lênh đênh trên sông nước. Mặt trước và mặt sau của thôn định Cư đều là đầm phá mênh mông. Dân trong vùng hầu hết là những gia đình tái định cư nên sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá.
Cũng như các gia đình khác ở đây đều đông con, Trần Thị Má có tất thảy 8 người con, trong đó 4 đứa nhỏ vẫn chưa trưởng thành và đang còn ở tuổi đi học. Chồng bị bệnh tim, mất sức lao động, con cái nheo nhóc, là phụ nữ nhưng chị trở thành trụ cột chính, tất cả gánh nặng gia đình trên vai mình. Dẫu biết sai lầm phải trả giá, nhưng nghĩ đến những ngày phía trước khi gia đình thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ, người vợ, người mẹ, chị Má không khỏi xót xa, ân hận cho hành động nông nổi, nóng nảy của mình.
Đau xót tình máu mủ ruột rà
Khi được hỏi mẹ chị đã biết tin chị phải đi tù chưa, chị Má gật đầu: "Trong nhà không ai nói nhưng nghe hàng xóm xì xào nên bà cũng biết". Nghe con gái phải đi tù mà không được hưởng án treo, người mẹ già gần đất xa trời của Trần Thị Má ngày nào cũng khóc. Bà xóa hết lỗi của Má mà đổ hết trách nhiệm lên người con gái lớn, một mực cho rằng người con gái lớn đã cố tình đẩy em vào tù".
|
Nhất Nghề - Trung Nghĩa
Nguoiduatin