Bao nhiêu năm lặn lội mưu sinh nơi xứ người, bây giờ họ trở về vẫn hai bàn tay trắng, ngay cả giấy tờ tùy thân cũng không có để trẻ con được đi học, người lớn được khám bệnh. Cuộc sống nghèo khó của họ kéo dài dường như không có điểm dừng.
Chông chênh phận người
Liệu có tương lai tươi sáng nào cho những đứa trẻ ở xóm Việt Kiều.
Chúng tôi đến “xóm Việt Kiều” thuộc xã Tiên Bình (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) vào một ngày đầu mùa mưa. Gọi là “xóm” theo cách gọi thông thường đối với một nhóm dân cư quần tụ tại một địa điểm nào đó, chứ thật ra cái xóm này không có tên trong bản đồ của xã, và người dân nơi đây cũng chẳng có hộ khẩu, hay giấy tờ gì chứng minh họ là người dân của đất này.
Một góc “xóm Việt Kiều”.
Anh Miễn Văn Ưng (sinh năm 1981) xởi lởi mời chúng tôi vào chiếc xuồng nhỏ, nơi đây là “tổ ấm” đã gắn liền với anh hơn 8 năm nay. Nhà lâu lắm mới có người khách lạ tới chơi, nên anh huy động vợ con “làm một bữa thịnh soạn cho vui”. Chỉ có rượu gạo loại năm ngàn đồng một chai hăng hắc mùi thuốc trừ sâu, hai con khô sặc và một nồi cơm nấu không biết từ lúc nào đã rắn câng lại, thế là tươm tất lắm rồi. Trong câu chuyện vui vẻ, anh Ưng chẳng ngại ngần kể: “Tôi sinh ở Việt Nam này, sống được vài năm thì theo cha mẹ sang bên đó. Tôi về nước đã hơn hai năm, trước kia sống ở tỉnh Pursat (Campuchia). Sống trên sông nước quen rồi nên bây giờ cũng ở xuồng ghe cho tiện thôi! Cha tôi cũng thế, giờ tôi cũng thế, chắc đời con tôi cũng thế thôi!”. Anh Ưng chỉ vào ba đứa trẻ lít nhít sàn sàn tuổi nhau đang mân mê chiếc máy ảnh của tôi cười thích thú.
Thấy người lạ, cả xóm kéo về góc thuyền nhỏ rôm rả kể chuyện bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Khmer. Khi chúng tôi hỏi quê ở đâu, mọi người lớn nhỏ chỉ nhớ rằng từ nhỏ đã sống ở Biển Hồ, trên mấy chiếc xuồng lênh đênh ít khi đặt chân mặt đất. Và cũng chẳng ai nhớ gốc gác quê mình thuộc tỉnh nào ở Việt Nam, kể cả cụ già hơn 83 tuổi được coi là lão làng ở đây. “Họ tên tôi cũng chẳng nhớ, còn ai hỏi quê ở đâu tôi chỉ biết “bó tay”!”, ông lão này thật thà cho biết. Nói về cuộc sống bên Campuchia, anh Ưng chỉ biết ngoài việc đánh cá kiếm tiền, chưa bao giờ biết ngày Tết và cũng chẳng bao giờ biết phân biệt mệnh giá của tiền. Chỉ tay vào đồng 100 Riel (tiền Campuchia) anh bảo: “Đồng này đủ cho mấy đứa nhỏ mua kẹo. Còn hai đồng này mua được một chai rượu!”, anh vừa nói vừa rút trong ví hai tờ 500 Riel nhàu nát, chắc đấy là tiền công sau bữa đánh cá mà người ta trả cho anh. Hỏi anh sao không để tiền mua gạo, anh bảo chờ vợ đi bán cá về sẽ có tiền mua, tiền này anh “làm thêm” được nên để dành mua rượu uống thôi.
Bữa cơm của đứa trẻ trong “xóm Việt Kiều”.
Nhiều năm về trước, phía bên Biển Hồ Campuchia nơi đầy ắp cá, tôm khiến nhiều người Việt lần lượt ngược dòng sông Mê Kông đến vùng đất hứa. Chừng hơn 10 năm trước, cá tôm Biển Hồ dư giả, người Việt đổ về Biển Hồ rất đông. Thế nhưng trong vòng mấy năm nay họ lũ lượt kéo nhau đi rồi lũ lượt kéo nhau trở về. “Cá dần ít đi, bị dân bản địa ép o, chuyện cắt lưới trộm xảy ra cơm bữa,“thân cô thế cô” đành về quê hương thôi!”, anh Tùng (33 tuổi, Việt Kiều Phnôm Pênh) cho biết. Anh Tùng chia sẻ, mỗi ngày vất vả với việc kéo lưới, giăng câu cũng chỉ được hơn chục kilôgam cá. “Toàn những thứ cá vụn rẻ mạt, bán được vài đồng đủ mua gạo ăn trong ngày đã là may lắm rồi, làm sao giàu được chứ!”, anh Tùng than thở. Khi chúng tôi hỏi sao không mở rộng đầu tư, anh Tùng cho biết: “Ở bên đó (Campuchia - PV), luật pháp quy định mỗi hộ gia đình chỉ có 100 mét lưới kéo tay. Biển Hồ thì rộng, chỉ có bây nhiêu mét lưới đó làm sao có nhiều cá mắc vào được. Để kiếm thêm, chúng tôi chỉ được phép câu cá bằng tay, mà anh thấy câu cá thì được bao nhiêu! Mỗi khi chính quyền kiểm tra, phát hiện trong xuồng “lưu trữ” nhiều lưới sẽ tịch thu và phạt rất nặng, thậm chí không cho hành nghề trong vài tháng. Ai không may bị nhà chức trách bắt được thì chỉ còn nước chết đói mà thôi!”.
Cuộc sống của những con người lưu lạc theo con nước cứ chông chênh vô định như thế. Cái ăn không đủ, không mảnh đất cắm dùi, chuyện mai táng cũng lắm xót xa. Những hộ gia đình khá giả còn tổ chức đám tang rồi hỏa táng. Nhưng theo những người Việt Kiều này, thì đa phần họ phải tổ chức “chui”. “Thường thì khi nhà nào có người chết, anh em bạn bè lại vận động nhau đóng một cái bè, xung quanh rải hoa rồi đặt thi thể người chết lên đó. Lễ đưa tang là cuộc tiễn đưa bằng những con xuồng chạy chậm rãi trên mặt nước. Khi kéo xuồng chạy đến một nhánh sông nào đó khá xa thì thả trôi nổi trên mặt nước. Nhưng phải “kín đáo” không thì bị phạt!”, một người Việt Kiều không khỏi ngậm ngùi cho biết.
Gian nan đường hồi hương
Cuộc sống xứ người bấp bênh như thế khiến cả trăm người Việt Kiều ở xóm này không ai đủ cái ăn chứ đừng nói đến chuyện làm giàu. Và đã không ít đêm họ đã nghĩ đến chuyện trở về cố quốc làm ăn. Và họ đã dắt díu nhau trong lênh đênh con nước để trở về quê hương trong phận người không quốc tịch.
Kể về hành trình vượt biển xuôi dòng MêKông trở về nước, anh Trần Phận nhớ lại những pha nguy hiểm chết người: “Hơn bốn ngày lênh đên trên chiếc xuồng ba lá mục nát, ngày đầu đến giữa biển (Biển Hồ) sóng bắt đầu lớn khiến 8 người trong nhà chao đảo không ngủ được. Ngày thứ hai bão xuất hiện trên Biển Hồ, cả nhà hì hục tát nước, người lớn chống sào xung quanh giữ chặt cho xuồng khỏi lật nhào. Ngày thứ ba, người sốt, người mệt, đồ dùng sinh hoạt rơi xuống nước chỉ còn ít thức ăn khô, tất cả nằm gục vì không còn đủ sức để chèo chống nữa, đành cứ để gió thổi căng buồm đi về phía đông. Ngày thứ tư, xuồng bị hỏng nhưng cả nhà réo mừng khi đã đến bờ kênh biên giới Tuyên Bình rồi. Đó là những ngày chúng tôi như thấy được sự sống hồi sinh phía sau những ảo vọng của mình!”.
Mấy đời trên thuyền, người đàn bà này lo lắng cho thế hệ tương lai của xóm.
Khi chúng tôi hỏi lý do tại sao không đi bằng đường bộ mà đón xe đò, anh Phận kể: “Cuộc sống lênh đênh nơi Biển Hồ không đủ ăn, lấy tiền đâu mà đi xe về nước, với lại gia tài cả nhà chỉ có chiếc xuồng nhỏ. Ai cũng muốn có được một cuộc sống sung túc hơn, nhưng khổ quá nên đành về quê hương vậy!”. Theo anh, hai năm trở lại đây không biết bao nhiêu người đã theo “con nước lớn” chống chọi với gió với dông để được về nước. Đường về nhiều ngả, chuyện chìm xuồng bỏ mạng là thường tình với nhiều người dân không quốc tịch như các anh.
Hỏi chuyện quốc tịch, hầu như ai cũng ngớ người ra vì nghe như chuyện trên trời rơi xuống. Bởi tất cả đều là những số phận vô danh vì từ đời cha mẹ, ông bà đã không có giấy tờ tùy thân, bởi họ đã lênh đênh trên những con thuyền này từ thời chống Pháp, rồi chống Mỹ, và cả thời Khmer Đỏ. Một người đàn ông cao niên trong xóm này ngậm ngùi cho biết, hồi trước ông cũng có giấy tờ đàng hoàng, cũng như một số ít bà con có giấy tờ tùy thân do phía Việt Nam và Campuchia cấp nhưng đã phải đã tự đốt sạch vì phải che giấu thân phận người Việt dưới thời Khmer Đỏ nếu không sẽ không giữ được tính mạng. Chính vì thế, cuộc sống của họ cứ lênh đênh ngay cả khi được trở về cố quốc. Không một ai có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hoặc quê hương mình để chính quyền xác minh cấp giấy tờ và tạo điều kiện sinh sống. Đời ông đã thế, đời cha đã vậy, và đến đời những đứa trẻ đang lớn lên từng ngày ở cái xóm này cũng thế. Vì thế, gần 2 năm nay tại xã Vĩnh Bình, trôi theo dòng sông là những căn chòi lụp xụp, cư dân trong những căn chòi ấy không được tính vào dân số địa phương, những đứa trẻ cũng từ đó sinh ra, không giấy tờ, không được đi học.
Hiện tại, những người phụ nữ vớt bèo kiếm sống, mấy đứa trẻ sáng “đu” xe đò về thị trấn bán vé số còn những người đàn ông làm nghề khuân vác cho một số cơ sở chế biến lương thực. Anh Miễn Văn Ưng cho biết: “Từ nhỏ đến lớn sống trên xuồng ghe, chân đã teo dần, lưng khòm xuống không đủ sức thích nghi cuộc sống trên bờ, khuân vác không linh hoạt nên chủ trả ít tiền hơn nhiều người khác!”.
Lý giải về việc đa phần Việt Kiều không biết chữ, ông Nguyễn Văn Tri (84 tuổi) kể: “Tụi nhỏ sáng tối kéo lưới, đánh cá rồi đi bỏ chợ, thời gian đâu mà học. Cuộc sống bên đó khó khăn cũng chẳng ai dám cho con mình học. Đời sông nước, mỗi phương mỗi hướng ai dám chắc mình sẽ ở một địa điểm để mà đầu tư!”. Ngay cả chuyện lấy vợ, lấy chồng phải đăng ký kết hôn, đó là việc hiển nhiên, nhưng với người dân ở xóm Việt Kiều này thì không. Nhiều người đã có cả đàn con 4 - 5 đứa nhưng chưa biết, chưa nghe đến cụm từ “đăng ký kết hôn” bao giờ. Chẳng đứa con nào có giấy khai sinh. “Ở đây có ai có giấy tờ tùy thân đâu mà được đăng ký kết hôn. Muốn lấy nhau chỉ có lòng tin và tình người, chỉ nói, chỉ được cam kết với nhau bằng miệng thôi!” một người dân thật thà cho biết. Bên cạnh đó, do thiếu nước sinh hoạt nên điều kiện vệ sinh cũng rất kém, số người mắc bệnh về mắt, đường ruột khá nhiều. Đặc biệt là trẻ em, thường la lê dưới đất nên rất nhiều em mắc bệnh về da, hô hấp, suy dinh dưỡng.
Lối đi nào cho tương lai?
Trao đổi về xóm Việt Kiều này, ông Tô Văn Chảnh (Chủ tịch UBND xã Tiên Bình) cho biết: “Những Việt Kiều sinh sau năm 1979, 1980 thì mới cơ bản xác minh được cụ thể thời gian cư trú tại Việt Nam và Campuchia. Những người lớn tuổi hơn còn vướng mắc nhiều thủ tục. Chỉ biết họ là người Việt qua giọng nói, tập quán sống và những chuyến ngược xuôi tìm về nước. Với những người đã sống ở Campuchia từ vài chục năm trước, để tìm được một tấm giấy tùy thân là điều rất khó. Biết bà con là người Việt nhưng nhiều người từ đời cha mẹ, ông bà đã sinh ra trên đất Campuchia, không còn biết gốc tích ở đâu tại Việt Nam, cũng không có tấm giấy tờ Campuchia nào mang theo nên việc xác minh quốc tịch rất gian nan!”, ông Chảnh cũng cho biết, trong hơn 100 nhân khẩu trở về thời gian gần đây, họ đều khai quê quán ở các tỉnh lân cận. Nhưng khi cơ quan chức năng cho người đi xác minh tại các tỉnh thì chỉ xác minh được sáu gia đình. Số còn lại chúng tôi tìm đủ cách mà không biết họ có nguồn gốc ở đâu nên đến sổ tạm trú cũng không thể cấp được. Chính quyền xã cũng chỉ biết giúp bà con ít gạo, mắm, rồi “ngó lơ” cho họ cất chòi dọc mé kênh làm chốn dung thân mà thôi.
Trời về chiều, mấy đứa trẻ đi làm xa đã trở về bên mép xóm. Một người phụ nữ vác khóm lục bình rồi chỉ cho chúng tôi những túp lều lá, nếu chị không nói khó có ai hiểu được đó là nơi dung thân của cả chục con người. Chị nói: “Mình là người Việt trở về sống trên đất nước Việt Nam mà lại không có quốc tịch Việt Nam thì cũng là một điều đáng buồn lắm!”.
Khi trời vừa sập tối, trùm lên “xóm Việt Kiều” này là một màu đen tĩnh mịch, hoang vu đến lạnh người bởi nơi đây không có điện. Và, những ánh mắt trong veo, ngơ ngác của hàng chục đứa trẻ ở đây, những căn chòi rách tả tơi, phần phật trong gió cứ ám ảnh tôi mãi không thôi.
Nguồn: Gia Ly - Lê Phong/ Baotintuc