Hôm nay 19-1, Hải quân Mỹ đã triển khai một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Tây Thái Bình Dương. Đây là tàu sân bay thứ hai của Mỹ được điều đến châu Á. Việc điều tàu sân bay tới khu vực này là một động thái để "răn đe" Triều Tiên và ủng hộ các đồng minh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ.
Theo Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) đã rời cảng tại căn cứ hải quân Kitsap ở Bremerton, Washington hôm 15-1 để triển khai tới khu vực Tây Thái Bình Dương trong bảy tháng.
Ngày 19-1, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cũng xác nhận việc triển khai, nhấn mạnh rằng "tàu sân bay là một trong những tài sản chiến lược của quân đội Mỹ và các cuộc đàm phán Mỹ-Hàn đang được tiến hành về việc liệu có nên triển khai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân này tới bán đảo Triều Tiên hay không".
Hải quân Mỹ cũng cho biết thủy thủ đoàn con tàu Stennis dự kiến sẽ tham gia một số hoạt động, bao gồm huấn luyện, hội nhập và xây dựng năng lực với các đồng minh trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tàu Stennis là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tiếp theo được triển khai tới khu vực châu Á sau khi tàu sân bay USS Ronald Reagan đã cập cảng tại một căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản.
Hải quân Mỹ cho biết việc triển khai là một phần trong nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động an ninh hàng hải của Mỹ trong vùng biển khu vực.
Stennis là chiếc hàng không mẫu hạm thứ bảy trong lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ. Con tàu được đặt theo tên Thượng nghị sĩ bang Mississippi - John C. Stennis và được đưa vào hoạt động vào năm 1995. Tàu sân bay này có khả năng chở 90 máy bay chiến đấu, bao gồm các chiến đấu cơ F-18 và 6.500 sĩ quan cùng thủy thủ.
Động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hồi đầu tháng 1-2016. Trước đó, Mỹ từng điều pháo đài bay B-52 bay ngang bầu trời Hàn Quốc để "răn đe" Bình Nhưỡng.
Therealtz © VietBF