Trang hồi ký xúc động của một “đứa trẻ” Mỹ Lai (kỳ một)
... Đầu năm 1959, gia đình tôi chuyển vùng từ Sơn Hội xuống Sơn Mỹ làm ăn sinh sống. Vì sau khi ba tôi ở tù ngoài Côn Đảo về, cuộc sống của gia đình ở Sơn Hội gặp nhiều trắc trở khó khăn, chính quyền luôn dòm ngó và nhiều lần bắt xuống hội đồng xã tra khảo.
Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi
Dù trong thời chiến, nhưng gia đình tôi ở Sơn Mỹ gặp nhiều thuận lợi trong làm ăn, buôn bán.
Ba tôi may vá và làm nghề thuốc tây, còn mẹ tôi tạo được một quầy hàng tạp hoá ngoài chợ Sơn Mỹ kinh doanh vải, thuốc tây và quần áo... Tên tuổi ông bà chín Tẩu dường như đã thành khá thân quen với người dân Sơn Mỹ thời bấy giờ.
Cuối năm 1959 mẹ tôi sinh đứa con thứ 2. Chị Trần thị Mỹ của tôi, được sự hỗ trợ của 2 dì từ Sơn Hội xuống giúp đỡ trong thời gian mẹ ở cử, nên việc buôn bán trông coi quầy quán cũng không trở ngại khó khăn gì. Đầu năm 1960, gia đình tôi đã tạo được một căn nhà rất khang trang gần chợ Sơn Mỹ, bên cạnh nhà ông Bốn Tương. Trước sân sẵn có hàng dừa cao tít, trĩu quả, bóng dừa tỏa mát cả sân nhà, bên kia đường là ao đầm người ta nuôi tôm cá, xa hơn là những rặng dừa nước mênh mông xanh thẳm, trước nhà hơn 300 mét là biển Mỹ Khê với bờ cát trắng chạy dài tít tắp và mặt nước trong veo một màu xanh biếc, bao la bất tận...
Năm 1962 mẹ sinh tôi. Trần Văn Đức tên tôi, lúc bé tí các dì gọi là thằng Trọng Hiền. Là đứa con trai đầu tiên cho nên cả gia đình vui lắm, nhất là ba má tôi.
Hai năm sau, 1964 đứa con thứ tư ra đời, đó là em Trần Thị Huệ của tôi.
Thời gian này chiến tranh ác liệt lắm, dân Sơn Mỹ chết rất nhiều dưới bao làn bom đạn quân thù, những lần oanh tạc của máy bay Mỹ, và những đợt đột kích từ những hạm đội ngoài biển tấn công vào. Gia đình tôi và dân nơi đây có hôm cả ngày phải núp dưới hầm, nhiều gia đình bị bom dội trúng sụp hầm chết cả nhà. Do vậy dân Sơn Mỹ thời gian này tản cư đi nơi khác nhiều lắm, để tránh đạn, kẻ đi Lý Sơn, người xuống Bình Đức, nhiều người phải lìa quê xa xứ.... Bao gia đình phải ly tan, những đứa trẻ mất cha mẹ, bao cụ già không còn nơi nương tựa, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang....
Cùng một số gia đình, ba mẹ tôi dẫn các con tản cư xuống Bình Đức. Ở tạm nhà một người quen gần chợ Bình đức, sát cạnh nhà ông Đổng, bà Huệ... Gần 2 năm sống nơi này, ba mẹ vẫn theo nghề may vá và buôn bán. Thỉnh thoảng cũng có những trận càn quét, những trận pháo kích, nhưng không liên tục, ác liệt như bên Sơn Mỹ.
Dân Bình Đức phần lớn là ngư dân và làm muối, còn lại số ít làm nông và buôn bán. Bình Đức là một vùng quê duyên hải khá đẹp, nơi đây không xô bồ tấp nập nhưng cũng không kém phần rộn ràng với nhịp sống vươn lên, bao ngư dân vạm vỡ lúc nào trên mặt họ cũng nở nụ cười thân thiện, với những chiếc thuyền sơn màu xanh đỏ đua nhau ra khơi đánh cá trong những buổi sáng tinh mơ ... Đám trẻ con chúng tôi đợi trời bớt nắng gần xế chiều tập trung đông lắm ở khu đầu bờ đập để câu cá, câu cua hoặc đá banh nhựa trên đường, đôi khi còn kéo nhau lên đồi sau chợ dùng mo cau tuột xuống...
Bình Đức không yên bình lâu như tôi tưởng. Rồi bom đạn Mỹ cũng dội xuống nơi này liên tục, máu dân lành lại nhuộm đỏ mảnh đất thân thương của họ. Chợ Bình Đức, máy xay gạo bên chợ và bao căn nhà tranh làm mồi cho bom xăng cùng rocket.
Năm 1967, mẹ tôi sinh đứa con thứ 5: em Trần thị Hà. Cùng thời gian này gia đình lại một lần nữa phải tản cư lên xóm Thuận Yên, Tư Cung. Dựng một căn nhà tranh nhỏ ở tạm trong khu vườn bà Bộ. Cũng năm này ba tôi phải lên Tịnh Hiệp công tác. Ông là y sĩ của C12 huyện Sơn Tịnh. Nhờ có các dì từ Sơn Hội hay xuống giúpđỡ, nên mẹ cũng đỡ vất vả trong khoảng thời gian em Hà còn nhỏ.
Hơn một năm ở xóm Thuận Yên,Tư Cung. Đó là quãng đời hạnh phúc nhất của tôi, của gia đình tôi, dù lúc ấy chiến tranh có phần khốc liệt hơn, bom càn dồn dập hơn. Những người dân quê tôi gánh chịu đau thương, từng ngày từng giờ, không ít thì nhiều, tôi chưa thấy được một ngày nào mà không có tiếng súng, đạn bom. Nhưng lớn dần lên tôi hiểu hơn, thấy được nhiều điều hơn.
Ngoại tôi sống ở Sơn Hội. Những đứa con của bà đã có gia đình và ra sống riêng. Dì út của tôi làm ăn xa quê, nên ba mẹ phải thường xuyên chăm lo cuộc sống của bà. Chị Hồng, chị Mỹ thường được mẹ sai đem tiền gạo về ngoại. Những lần đó tôi đều đòi đi theo, tôi vui mừng tung tăng chạy theo 2 chị, cõng theo màu xanh của ruộng mì, ruộng lúa, huỳnh tinh, rau lang..., những vẻ đẹp rất nên thơ của làng quê qua mấy chiều hiếm hoi yên bình.
Không biết từ đâu, tôi rất yêu ngoại. Có thể do mẹ tôi giống bà, không chỉ về hình dáng mà cả tính cách. Đến nay tôi vẫn còn luôn cảm nhận được hơi ấm thuở nào của những lần về thăm được bà ôm vào lòng...
Làng Thuận Yên quê tôi đáng yêu sao. Nằm sát bên đường quốc lộ 24 B là hai dãy núi tiếp nhau, um tùm những rặng liễu và cỏ tranh. Bên này đường là xóm Thuận Yên, Tư Cung, xen lẫn với các xóm dân cư là những thửa ruộng bát ngát xanh. Bà con chân lấm tay bùn, cố đổi lấy những giọt mồ hôi để đong nhận từng bát cơm ngon, những manh áo lành... Tôi có cảm tưởng rằng, dân Mỹ Lai quê tôi rất siêng năng cần cù, vì phải luôn đương đầu với bom đạn, những trận càn quét, những làn rocket, cho nên họ phải tranh thủ từng giờ phút, khi sáng sớm hoặc chiều tối là khoảng thời gian im tiếng súng nhất họ đồng loạt ra đồng để trồng trọt, đổ nước cho lúa, tưới nước cho huỳnh tinh, rau lang, mì ,bón phân và làm sạch cỏ cho hoa màu... Những người buôn bán cũng thức dậy sớm lắm, để lo cơm nước cho gia đình, con cái trước khi ra chợ.
Buổi sáng 16-03-1968, một buổi sáng định mệnh của tôi, của gia đình tôi, của xóm Thuận Yên, của Mỹ Lai.
Sớm hơn bao trận càn quét trước, 5giờ 30 phút các tràng pháo từ nhiều phía đã bắn vào làng Thận Yên, Tư Cung, Mỹ Khê. Pháo nã dài hơn mọi khi và sau đó hơn 1 tiếng đồng hồ, khoảng hơn 7 giờ trên bầu trời Mỹ Lai xuất hiện rất nhiều máy bay trực thăng, chúng tha hồ bắn rocket vào các khu dân cư. Lúc này bà con mới biết một ngày chẳng lành đến với họ. Má tôi cùng mấy chị em nghe tiếng la làng kinh hoàng của rất nhiều bà con trúng đạn bị thương... Không lâu sau mấy tràng rocket là tiếng máy bay trực thăng bay rất thấp và hạ cánh xuống đồng lúa làng Thuận Yên. Lúc này tiếng súng trường của những tên lính Mỹ vừa hạ cánh bắn dữ lắm. Những tiếng la xé trời, tiếng khóc van xin của bao người trên đường ra đồng hoặc đi chợ. Thế nhưng những tay súng đâu có tha, họ vẫn nổ súng bắn giết những người ấy, giết hàng loạt, giết hết, giết sạch ...
Mấy nhà gần rìa làng bị lính Mỹ vào lôi ra đầu tiên. Họ lôi ra hết bắt tập trung trên bờ ruộng gần ngã ba Tháp Canh. Mẹ tôi thấy không ổn nên chuẩn bị thật chu đáo, lấy túi vải thật to màu nâu bỏ quần aó của mấy chị em tôi vào đó và đưa cho chị Hồng giữ. Mẹ còn bó vào đùi của mấy chị em tôi mỗi đứa 10.000 đồng, phòng khi chạy lạc có tiền mà xài. Tôi bị nhột quá nên mở ra đưa lại mẹ số tiền ấy. Bà còn kịp ra hầm phía sau nhà, cất giấu rất nhiều thuốc tây và vải.... Công việc vừa xong thì toán lính Mỹ ập vào nhà, tay súng lăm lăm, lôi xềnh xệch mẹ cùng chúng tôi ra đường. Dù ôm Hà trên tay, bà cũng không quên vói cầm theo chiếc nón. Ra tới đường gia đình tôi nhập vào đoàn người và bị lính Mỹ dẫn ra ngã ba Tháp Canh tập trung. Vừa tới nơi, lợi dụng lúc hỗn loạn, mẹ kéo chúng tôi vào hầm nhà bà Nhiều để trốn. Nhưng lúc đó dưới hầm đông nghẹt người, mẹ và mấy chị em tôi phải đứng gần miệng hầm. Tôi thấy nhà trên của bà Nhiều cũng vậy, người ta vào trốn thật nhiều, dưới phản, sau bàn thờ... Nhưng họ trốn không được lâu. Khi những toán lính Mỹ khác lùa bà con từ các nơi đến ngã ba, chúng bắt ngồi xuống và một toán khác ập vào nhà bà Nhiều, lôi toàn bộ những người trốn trong nhà ra. Chúng chĩa súng xuống hầm và la lớn.... Mọi người sợ quá lần lượt kéo nhau chui lên.
Bà Hà Thị Quí, bà Nhiều và Trần Văn Đức
Tôi còn thấy một bà già, già lắm, chắc bà quá yếu nên từ dưới hầm bước lên chậm, bị một thằng Mỹ tức giận dùng báng súng phang vào giữa lưng, chắc bị gãy xương nên bà đi không được nữa, bà té xuống hiên nhà và thằng Mỹ ấy nắm tay bà lôi ra chỗ tập trung. Sau sân có buị tre khá rậm, mẹ định kéo chúng tôi ra hướng ấy để trốn, nhưng bị một thằng Mỹ phát hiện chạy lại lôi mẹ rất mạnh làm chiếc áo ngoài của mẹ bung hết nút. Hết cách, mẹ cùng mấy chị em phải theo ra nơi tập trung. Cả nhà tôi ngồi sát mé ruộng, chiếc túi đồ màu nâu còn in rõ nơi chúng tôi ngồi, thật đau thương và bi thảm (chiếc túi màu nâu trong bức ảnh dưới đây).
Tôi nghĩ trên thế gian này chắc không bao giờ và không ở đâu lại có cảnh bi thảm nào hơn vậy. Tiếng khóc sợ hãi, tiếng van xin, tiếng trẻ thơ khóc thét khiếp đảm.... rồi những tràng súng liên thanh hướng vào đám người vô tội ấy bắn xối xả. Rồi không còn nghe thấy tiếng van xin nữa mà thay vào đó là những tiếng ré kinh hoàng. Tôi còn nghe thật rõ mà: “chết tôi rồi trời ơ...ơ...i!“.
Những người chưa trúng đạn đồng loạt đứng dậy chạy xuống ruộng lúa. Nhưng tôi thấy khó ai làm được việc đó. Những làn đạn dày đặc của lính Mỹ nã vào họ, họ bị trúng đạn và lần lượt ngã xuống, máu và thịt người vương vãi mọi nơi, nhiều thi thể không còn toàn thây nữa vì sức công phá quá lớn của những tràng liên thanh ngay cự ly gần. Giữa lúc hỗn loạn này, mẹ ôm Hà và một tay đẩy tôi xuống bờ ruộng lúa, mùa lúa đang lên đòng nên cũng khá cao, bà nằm đè lên tôi và Hà, chiếc nón là vật ngụy trang thật tốt lúc nầy, bà dùng để che thêm cho tôi, phần mà thân bà đè lên chưa lấp hết. Chị Mỹ tôi cũng ngã xuống gần đó và nằm im giả chết... Lính Mỹ vẫn tiếp tục bắn dữ lắm, khi thấy không còn ai sống nữa, chúng lại đến rất gần, tìm trẻ em và một số xác người còn cử động bắn tiếp. Sau đó chúng lần lượt kéo đi vào làng theo hướng ngã ba. Trên đường cái và dưới ruộng xác người nằm la liệt khắp nơi, máu tươi nhuộm ướt cả một quãng đường và phun ướt đẫm cả vạt lúa nơi ấy.
Mẹ Đức, bà Nguyễn Thị Tẩu (chín Tẩu)
Lính Mỹ rút đi được một lúc thì Hà bỗng khóc. Mẹ bảo tôi “con ôm Hà về nhà ngoại đi chứ lính Mỹ trở lại họ bắn chết“. Mẹ bị thương rất nặng ở đầu, bụng và đùi, bà không còn đứng lên được nữa...
... Bà nghiêng thân mình để khỏi đè Hà nữa nên tôi nhìn thấy rất rõ. Lúc đó tôi chỉ biết nghe lời và vội ôm Hà kéo lê trên đường. Tôi chỉ còn nói được một lời cuối cùng với mẹ tôi “con ôm Hà về ngoại nghen mẹ...“. Tôi sợ lính Mỹ trở lại bắn chết, cho nên vội đi không suy nghĩ gì để cứu mẹ, dù không làm được gì cho mẹ lúc đó, nhưng nghĩ lại tôi thấy rất buồn và ân hận. Tôi thương mẹ thật nhiều... Tôi vật vã kéo ôm em Hà thoát khỏi những xác người vương vãi ...
Tôi thực sự nghi ngờ về tính chính xác của bài viết này, nhất là khi xảy ra sự việc tác giả mới mấy tuổi đầu. Chỉ một chi tiết thôi, tôi đã thấy tác giả sai quá, đó là chi tiết "mẹ bỏ vào đùi mấy chị em" tác giả mỗi người 10.000 đồng (!). Nên biết lúc đó 10.000 đồng lớn lắm, không phải như 10.000 đồng bây giờ, một lượng vàng (một LƯỢNG) chỉ có 12-13.000 đồng!
Tôi nghĩ chắc là có "nhà báo" nào đó (mang thẻ Nhà báo do Bộ Thông tin-truyền thông cấp) đã chắp bút và hư cấu thêm các chi tiết cho tăng phần "tội ác của đế quốc Mỹ"
Quote:
Đồ Nghệ nói...
@ Lê Huyền: Chúng ta ở thời bình, không thể hiểu được tại tại sao họ lại làm thế. Nhưng chiến tranh nó là như thế, chỉ có điều quân đội mà xả súng vào dân thường thì luôn luôn phải bị lên án. Hồi tôi học chuyên nghiệp có một anh bạn học là bộ đội phục viên từ chiến trường Cam pu chia về, anh ấy kể chuyện rằng hồi ở bên ấy bộ đội ta cũng có những chuyện làm sai tương tự như thế. Vì tàn quân Khme đỏ cũng là dân thường, bình thường họ vẫn mặc áo quần bà ba quàng khăn rằn, đi làm đồng, nhưng nếu mất cảnh giác thì lính VN dễ dính những luồng đạn từ phái họ, vì vậy có nhiều khi do hoảng hay "cảnh giác quá cao" mà lính VN đã xả súng nhầm vào dân thường Cam pu chia.
Vùng Quảng Nam Quảng Ngãi là vùng cộng sản hầu như làm chủ, người dân ở đó phần đông theo CS, nên lính mỹ và quân đội Sài Gòn đã phải dùng những biện pháp càn quét ghê rợn nhất để tiêu diệt.
Chiến tranh đã qua trên 35 năm rồi, những nỗi đau lịch sử cần ghi lại cho đúng để đời sau biết và quý trọng tổ quốc mình. Nhưng có lẽ điều cần nhất bây giờ là làm sao để cho những người dân bị thiệt thòi quá nhiều xưa kia nay được hưởng những gì mới mẻ hơn, chứ họ đã thiệt thòi thế, mà ngày nay lại vẫn sống trong điều kiện không hơn gì xưa thì quả thật là họ còn khổ hơn.
Quote:
Nặc danh nói...
Ô hay, ngây thơ nhỉ. Tòa án quân sự Mỹ đã đem vụ này ra xử rồi mà. Lâu lâu cũng có cựu quân nhân Mỹ về thăm Mỹ lai mà. Chuyện này đâu phải mới xảy ra ngày hôm qua. Báo chí Mỹ loan tin và điều tra vụ này rất kỷ rồi mà chứ đâu như vụ Mậu thân 1968 mà chính quyền CS bưng bít.
Luật pháp Mỹ không ghép tội người nào 2 lần trong 1 lần phạm tội đó đâu.
Quote:
Đồ Nghệ nói...
Vâng, qua thông tin của chính báo chí VN thì tôi cũng thấy chính quyền Mỹ, những cựu chiến binh Mỹ và nhân dân Mỹ đã hoàn toàn nhận trách nhiệm về vụ này. Tuy nhiên những đau thương, chết chóc thì không thể trả nợ được. Nhưng nếu họ nhận thấy sai và biết sống cho một tương lai tốt đẹp hơn thì cũng tốt. Người Việt mình có câu "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại".
Quote:
Nặc danh nói...
Những kẻ thân Mỹ thì bảo: hãy bỏ qua chuyện Mỹ giết đồng bào mình, hãy chỉ nhìn vào những cải cách ruộng đất hay Trung Quốc và Khmer đỏ thôi.
Những kẻ thân Tàu thì bảo: chúng ta là đồng chí với TQ, hãy quên những tội ác của TQ những chỉ nên nhớ Mỹ Lai.
Bác Duy Nhất ạ, cả 2 loại này đều hư hỏng cả. Em thích lập trường dân tộc của bác.
Quote:
mất trí nói...
Chiến tranh là thế!
Chiến tranh giữa các quốc gia, chiến trach các tôn giáo, chiến tranh các giới cầm quyền, chiến tranh giữa ngèo và giầu...chiến tranh ở ngoại vi luôn để người sau lên án và cay đắng rủa sả ..nào là tại sao lại ác thế? tại sao lại giết?....nhưng ít ai quan tâm đến một cuộc chiến tranh thầm lặng.
Nơi đó con người khích lệ nhau, vùa giúp nhau, an ủi nhau và thậm trí lập những đội tuyên truyền , cổ vũ cho các đối tượng nhiệt tình tham gia cuộc chiến tranh đó. Mà những người tham gia thì phần nhiều cậy mình là có tri thức, có học và giàu có...
Vâng! đó là cuộc chiến chống sinh đẻ! trong đó quân giặc là những bào thai mới hình thành (điều hòa kinh nguyệt) là những thai nhi vài tuần tuổi đến vài tháng tuổi...đã sa vào tay những người được nhân loại gọi là LƯƠNG Y là CHA LÀ MẸ! Họ đang tâm vui cười hớn hở khi mà giết được m65t đứa con của mình, họ sung sướng khi không phải nu6i thêm một miệng ăn vv...
Không biết trong số các bạn có ai đang là những người lính " anh hùng" của cuộc chiến tranh này không!?
Có tàn ác và giã man không?
vì CHÍNH TỰ BÀN TAY MÌNH TÀN SÁT CON RUỘT MÌNH! thế mới là ĐẠI ÁC.....
Quote:
Nặc danh nói...
- Tại sao chính lính Mỹ bắn và cũng chính lính Mỹ can ngăn và cũng chính người Mỹ (chứ không ai khác) đưa ra những tấm ảnh này ?
- Ngày 8-1-2005 là ngày gì ? (đáng ra anh Nhất phải đưa mấy hình ảnh "ướp đá" tang thương lên mới tương xứng).
Quote:
Lacumparista nói...
Quá khứ thì không thể quên. Nhưng sống vì hiện tại thì lại quan trọng hơn ngồi nghĩ về quá khứ.
Có ai đã đặt ra câu hỏi đơn giản : Nguồn của những bức ảnh trên ? Câu trả lời : là từ chính những người lính Mỹ. Vấn đề là tại sao nó lại được công khai cho cả thế giới biết được vụ án này ?
Cải cách ruộng đất 1953-1956, Hàng vạn dân thường bị xử bắn. Lịch sử chính thống đã ghi sự kiện này như thế nào ?
Cuộc thảm sát ở đảo Thổ Chu, hơn 500 người bị giết, Khmer đỏ hành quyết dưới sự dật dây của Trung Quốc. Truyền thông đã phản ánh như thế nào ?
Điều đó thể hiện sự khác biệt.
Trang hồi ký xúc động của một “đứa trẻ” Mỹ Lai (kỳ hai)
... Cô giáo viên người thị xã Quảng Ngãi đã đuổi tôi trong tiết học thứ 3, sau đó đã bật khóc khi biết lý do “vô kỷ luật” của trò Đức.
Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi
(tiếp theo kỳ trước)
Bạn nhìn kỹ tấm hàng rào kẽm gai bị ngã về phía ruộng lúa trong bức ảnh bên dưới và bao lỗ trống trong ruộng lúa xanh tươi, đó là chỗ nằm của những xác người.
Ronald L Haeberle chụp chưa được toàn cảnh, phía sau chỗ ông đứng và phía bên trái khi đó còn rất nhiều xác đàn bà và trẻ em.
Vừa rời Tháp Canh không xa, một chiếc trực Thăng xuất hiện từ hướng đồn Voi rồi bỗng dưng bay rất thấp. Tôi sợ quá ôm em Hà nằm rạp xuống để tránh đạn. Nhìn lên máy bay thấy rất rõ có vài tên lính Mỹ và một tên ngồi ngoài cửa máy bay, chắc là để chụp hình chứ không phải bắn người, nếu họ bắn thì Đức và Hà đã trúng đạn rồi,vì họ bay rất thấp. Sau đó máy bay biến mất, tôi ôm em Hà đứng dậy và tiếp tục chạy lên hướng Trường An theo lối đường truông để về Sơn Hội.
Trên đoạn đường ôm kéo em đi, thỉnh thoảng vẫn gặp vài xác người có lẽ đi làm đồng buổi sáng hoặc đi chợ xa bị lính gặp và bắn chết. Xa xa phía trong làng, tiếng súng vẫn còn đang bắn dữ dội, khói cháy từ những căn nhà bị đốt bốc cao đen mịt cả một vòm trời.
Máy bay trực thăng vẫn còn oanh tạc, Sơn Mỹ và bao người dân vô tội, cùng những đứa trẻ thơ đang bị tấn công tiêu diệt, trời đất Mỹ Lai đảo điên như sụp đổ. Bao người thân quen, bà con Mỹ Lai chân quê mộc mạc họ làm gì nên tội? Tại sao phải tiêu diệt họ? Cuộc tàn sát mỗi lúc một dữ hơn, những tên lính càng bắn giết càng man rợ và điên cuồng hơn... Ôm em Hà chạy về đến Gia Hoà, tôi ghé nhà ông bác xin nước uống vì khát quá, nhưng ông ta không cho. Chắc do thấy 2 anh em tôi đang bị thương, máu me đầy người, ahy vì một lý do gì khác tôi cũng không rõ.
Tiếp tục ôm em lủi thủi về Tăng Long. Gần xế mới về đến nhà ngoại. Ngoại ôm 2 cháu và khóc thật nhiều. Bà đi gọi y tá về băng bó, cứu chữa cho tôi và Hà. Tôi bị thưong ở trán, Hà thì bị ở bụng. Ông Hùng y tá ở Tăng Long là người đã chạy chữa trị thương cho 2 anh em tôi. Dân Tăng Long ngày đó kéo đến nhà ngoại đông lắm để xem , hỏi thăm và giúp đỡ.
Chị Mỹ năm đó 9 tuổi. Khi lính Mỹ nã súng bắn vào đám dân tập trung, loạt súng đầu tiên thật kinh hoàng nhiều người chết lắm, những người khác đồng loạt đứng dậy bỏ chạy xuống ruộng lúa, nhưng lính tiếp tục bắn vào họ. Phần lớn bị trúng đạn và ngã chết dưới ruộng. Chị Mỹ của tôi cũng bị ngã xuống ruộng và nằm im giả chết, máu thịt của những người bị bắn chết bên cạnh văng vãi lên mình. Thoạt nhìn tưởng chị đã bị bắn chết. Khi lính Mỹ bỏ đi, chị lom khom bò dậy và cố đi tìm mẹ. Chị gặp một người đàn bà khác cũng còn sống sót bảo rằng “mẹ con đã đi về ngoại của con rồi“. Rồi bà dẫn chị Mỹ cùng đi tìm con của bà. Con bà cũng đang nằm gần đó. Bà thấy và ôm xốc lên, đứa bé bị thương rất nặng. Bà hớt hải ôm con chạy, chạy lên hướng Trường An để tìm nơi cấp cứu. Chị Mỹ cứ vậy mà chạy theo bà, lên khỏi Trường An đến Tịnh Thiện, bà gửi chị Mỹ vào nhà một người dân và ôm con đến trạm xá cấp cứu. Chị Mỹ bảo: đứa bé chắc không qua khỏi vì vết thương khá sâu và dài, máu chảy ra nhiều quá... Người ta bảo chị tôi ở lại một đêm, sáng mai yên yên hãy về. Và sáng ngày 17-03-1968 người dân cũng đã chỉ đường cho chị tôi tìm về được Sơn Hội. Gặp lại chị tôi vui mừng khôn tả, nhưng chưa khỏi bàng hoàng. Tôi hỏi chị về chị Hồng và em Huệ của tôi, chị bảo bị lính Mỹ bắn chết hết rồi.
Ba tôi ngày 16-03-1968 đang công tác ở Vĩnh Ty, Tịnh Hiệp. Nghe tin vụ thảm sát, ông hớt hải tìm đường về Sơn Mỹ. Đường đi rất khó khăn vì ông là cách mạng, mãi tối 17-03-1968 ông mới về đến Tư Cung. Than ôi, ông về không kịp. Tối 16-03-1968 đồng chí của ông đã chôn vợ và mấy đứa con của ông rồi. Không được tự tay chôn cất những người thân yêu nhất của mình, nhưng vẫn còn kịp đón nhận những thông tin và di vật của gia đình từ những người đồng chí mà tối qua đã giúp ông chôn cất.
Vài ngày sau, tình hình Mỹ Lai lắng xuống dần. Một đêm tối trời và lâm râm mưa, ông ghé về Tăng Long thăm mẹ vợ. Rất mừng vì đến lúc đó mới biết được 3 đứa con của ông vẫn còn sống sót và đang đứng trước mặt ông... Tôi nhớ rất rõ hình ảnh ba ôm ghì lấy tôi, Hà cùng chị Mỹ vào lòng và khóc thật lâu. Sau ngày ấy ba rất thường về thăm chúng tôi và để lo chữa vết thương cho tôi và em Hà.
Sau khoảng 2 tuần tôi thấy ông cạo trọc đầu và trông rất buồn thảm. Vì đang bận công tác ở Vĩnh Ty, Tịnh Hiệp cho nên ba lưu lại ở quê không lâu, hơn 1 tháng ông phải trở lại đơn vị. Trước khi đi ông còn lo thật kỹ vấn đề cuộc sống và ăn học của 3 chị em tôi , ông gửi gắm cho những người bạn thâm tình những gì chúng tôi cần giúp đỡ sau này.
16-03-1968- ngày định mệnh của 3 chị em chúng tôi. Giặc Mỹ đã cướp đi người mẹ yêu quí, người chị và đứa em thật hiền hòa, chúng tôi đã bị mất một gia đình thật sung túc và đầm ấm...
Những ngày đầu tiên, những tuần đầu tiên, 3 chị em cứ ngồi ôm nhau khóc. Ngoại tôi buồn thật buồn, bà càng khuyên chúng tôi càng tủi thân hơn và khóc nhiều hơn.... Nhưng rồi, dần dần lũ trẻ chúng tôi cũng phải... tuân theo qui luật của cuộc sống, cố gắng để tồn tại.
Nhà ngoại tôi nghèo, thật nghèo. Nhà tranh vách đất, nằm trên đất công dưới lũy tre làng bên dòng sông Sơn Hội hiền hòa. Trước đó không lâu cứ mỗi lần cùng 2 chị về thăm ngoại, tôi thường coi nơi này là tiên cảnh, có dòng sông tôi tha hồ tắm, có bãi cát trắng cho chúng tôi nô đùa và đám trẻ con nơi đây sao mà dễ làm quen đến thế.. Vậy mà hôm nay, những tháng ngày đầu tiên 3 chị em chúng tôi phải tự lực sống, tôi cảm thấy căn nhà thân quen của ngoại sao xa lạ đến thế. Nét hồn nhiên trong tôi không còn nữa... Tôi thấy thật đắng cay!
Ngoại già yếu, bà cũng cố gắng đi phiên chợ chiều An Lộc để mua bán cá, với số vốn ít ỏi cho nên lời cũng không được nhiều, nhưng đó là nguồn sống chính của 4 bà cháu chúng tôi. Chị Mỹ và tôi sau vài tuần hoàn hồn là phải đương đầu với sự thật, chị xin đi ở đợ cho bà Bốn Thường dưới An Lộc để kiếm cơm ăn và phụ với ngoại. 3 tháng sau, thấy gia đình thiếu thốn đủ bề, dù ngoại và chị rất cố gắng, tôi bắt đầu đi mót lúa ,củ lang, củ mì... để phụ thêm cho sinh nhai của gia đình.
Mới có vài tháng mất mẹ, xa gia đình đầm ấm mà chị Mỹ cùng tôi như kẻ ăn mày từ lâu lắm rồi. Hai chị em trông thật đen và ốm. Cứ sáng sớm phải ra đồng và mãi tận chiều tối mới về đến nhà. Tôi đội chiếc nón rách, bộ quần áo tả tơi, cây cuốc chỉa và một cái bao Đại Hàn. Người dân nơi đây thu nhập gì tôi cũng đến mót, lúa, mì, lang, bắp củ, huỳnh tinh... Đôi khi tôi phụ giúp cả ngày cho họ để đón nhận một chút công ít ỏi là vài trái bắp, đôi ba cân củ lang...
Với em Hà càng thật gian nan hơn. 14 tháng tuổi mất mẹ, tìm đâu ra sữa để nuôi thân, em khóc nhiều và teo riết. Ngoại hay ôm em Hà đi tìm phụ nữ trong làng có con mọn để xin bú nhờ...
... Ngày 19-12-1969, lại một tin sét đánh với chúng tôi: ba hy sinh. Niềm hy vọng còn lại của 3 chị em chúng tôi đã mất. Dù rất ít về thăm và thỉnh thoảng gửi tiền phụ giúp ngoại tôi, nhưng với 3 chị em chúng tôi, ông là nguồn động viên vô cùng lớn. Ông thường nói với 3 chị em: cố gắng ăn học nghe lời dạy bảo của ngoại, mai sau khôn lớn sẽ đi với ba...
Cuộc sống kinh tế gia đình vốn khó. Khi ba tôi mất lại càng khó khăn hơn.
Năm 1970, tôi và chị Mỹ được ngoại cho đi học. Mái trường nơi tôi hằng mơ ước, nơi tôi sẽ đón nhận những gì cao quí nhất... Vậy mà tôi cảm thấy đắng cay chua chát quá...
Vài tiếng đồng hồ mỗi ngày trong lớp học. Còn lại tất cả thời gian, chị em chúng tôi phải bươn chải với đời, khó nhọc kiếm từng miếng cơm manh áo, khi trái gió trở trời kiếm không được miếng ăn thì chúng tôi đành chịu đói... Bà Rân, ông Tám em, ông Yên và tất cả dân thôn Tăng Long ngày ấy, họ rất đau lòng trước cảnh ngộ của 3 chị em chúng tôi, cái củ mì, củ lang đọt phay của vườn nhà bà Rân đã cầm hơi được bao cơn đói lả cho 3 chị em. Rất nhiều lần tôi bị ngã gió, say gió do đói quá phải ăn nhiều quả “uma“ (trái trứng gà).
... Hà dần lớn lên, cùng chị Mỹ và tôi bươn chải gian lao để kiếm miếng ăn manh áo. Ngoại càng ngày càng già, bà buôn bán đâu còn được nữa, gia đình tôi càng ngày càng thiếu túng hơn.
Năm 1972, chị Mỹ học đến lớp 3 trường cơ sở Tăng Long thì phải đành nghỉ học. Chị buồn và tiếc lắm, nhưng phải đành vậy, chị chấp nhận và chọn hy sinh để 2 đứa em mình được học tiếp. Sau những giờ học tôi và Hà, nếu không đi làm cho người ta thì đi mót lúa,củ lang.... Nhưng nhìn chị, chúng tôi càng buồn hơn. Chị đi ở cho người ta thật khổ sở, quần áo rách rưới, ăn uống thiếu thốn, rất nhiều hôm thật khuya chị mới về đến nhà ,chị luôn dành cho tôi và Hà những chén cơm đầy, những thức ăn ngon, còn chị ăn qua loa gì cũng xong. Chị thường ăn sau cùng để cố nuốt những thức ăn còn lại, nhưng tôi nghĩ chị rất ít được những bữa no.
Từ ngày 16-3-1968, 3 chị em tôi về ở với ngoại đã tạo cho bà một gánh quá nặng, thật trầm luân và gian khổ cho bà. Bà lầm lũi và rất cố gắng để 3 đứa cháu của bà khỏi chết đói hoặc đưa đẩy vào dòng đời đen bạc. Hồi đó, bà hay bị chính quyền xã Sơn Hội bắt ra xã để hội đồng tra hỏi vì có con đi làm cách mạng, và họ thường xuyên bắt bà ngủ lại để canh giữ cơ quan xã khỏi bị cộng sản gài mìn hoặc tấn công.
Bà cũng thiếu thốn lắm, nhường tất cả những gì bà có cho các cháu, thật tội nghịệp cho bà...
Thời gian những năm 1972-1973, chiến tranh quê tôi lan rộng khắp mọi nơi. Không chỉ Bình Đức, Sơn Mỹ mà lan rộng đến Sơn Hội, Sơn Thành, Sơn An... Dân quê tiếp tục chết nhiều dưới bom đạn. Cuối năm 1972, Sơn Hội cũng là bãi chiến trường. Gia đình tôi cùng bà con Sơn Hội phải tản cư lên Tịnh Ấn, vài tuần khi tiếng súng tạm yên trở lại, căn nhà của ngoại bị một trái bom Mỹ thả trúng cháy sạch chỉ còn lại một cái hố bên cạnh khá sâu.
Bà con dân làng vốn rất thương gia đình tôi. Sau trận bom này, họ giúp đỡ thật tận tình, và ròng rã 2 tháng vất vả dựng xây nên một căn nhà lợp tranh lẫn bói vách đất. Thoạt nhìn khi trở lại từ Tịnh Ấn, tôi có cảm giác cuộc đời tôi sẽ không bao giờ còn mái ấm che thân. Vậy mà nhờ kẻ gánh đất người cho tre, còn 3 chị em tôi cùng ngoại thì ra bãi bồi cắt bói, ra đồng lúa xin rạ, nên sau 2 tháng ròng túp liều tranh ngoài sức tưởng tượng của tôi được dựng lên. Đó là mái ấm che chở cho 4 bà cháu tiếp tục sống trong những ngày tháng vất vả gian nan...
Những buổi chiều mệt lả, từ núi Tranh hay Sơn Mỹ, tôi đi mót củ mót lúa trở về, qua cánh đồng Mã Sơn Hội, nhìn đám bạn trang lứa học cùng trường đang thả diều , đá banh, tung tăng đùa ngịch... đôi khi đứng lại lặng nhìn thật lâu mà lòng dâng lên bao nỗi buồn, tủi thân khôn tả. Tôi không dám đến gần hoặc đi theo đường cũ, chọn cách rẽ đường khác để giữ khoảng cách xa hơn. Những lúc ấy tôi hay nhìn lại mình, trên vai mang chiếc cuốc chỉa cán dài, đầu kia treo lủng lẳng một cái bao Đại Hàn màu xanh cũ nát, chắc cũng được vài cân củ lang nhỏ xíu mà người ta hay dùng nó để nấu cám cho heo ăn, bộ đồ tôi mặc đã rách nát và đổi màu từ lâu cùng chiếc nón cời thật thảm thê mà tôi đâu có tiền để mua chiếc khác...
30.4.1975, quê hương giải phóng. Hòa bình trở lại, tất cả dân quê tôi vui mừng như hội. Chị Mỹ, em Hà cùng ngoại tôi không biết lúc đó nghĩ gì? Chứ còn tôi, như một kẻ mất hồn, tôi đến rất nhiều nhà , những ai có người thân đi tập kết hay chiến dịch trở về, dù đã biết ba mình 6 năm rồi khuất núi, nhưng trong tôi ngày ấy mơ tưởng vẫn còn, biết đâu tin xưa không thực, trong bao người trở lại từ các chiến trường khốc liệt biết đâu có ba tôi... Tôi đứng khá xa và nhỏ lệ khi nhìn ông Hộ ôm Hồng bạn tôi ngày trở lại qua bao năm xa cách, Hồng là con trai của ông...
Chú Phan Thế Mạnh, bạn cùng đơn vị của ba tôi vỗ về an ủi: Ba của con hy sinh rất anh dũng, bị Mỹ bắn chết khi đang làm công tác cứu thương cho đồng đội...
Cũng năm ấy tôi vào lớp 6, được chuyển cấp, từ Sơn Hội lên Sơn Thành học cấp 2. Niềm vui sướng và mong mỏi thật lâu của tôi. Nhưng ngay ngày đầu tiên nhập học, tôi bị đuổi ra khỏi lớp: “trò Đức vô kỷ luật, không mặc quần dài khi đi học“... Tôi khóc thật nhiều và tủi thân lắm. Tôi có quần dài đâu mà mặc? Dì Tám thấy vậy chạy về nhà lục tìm trong tủ của người dượng quá cố từ năm 1973, may quá trong tủ còn tìm được 1 chiếc quần kaki dài cũ màu đen. Dì Tám đưa cho dì út sửa lại bằng tay để tôi mặc đi học. Chiếc quần dài đầu đời của tôi có được là vậy.
Cô giáo viên người thị xã Quảng Ngãi đã đuổi tôi trong tiết học thứ 3 sau đó đã bật khóc, khi biết lý do “vô kỷ luật” của trò Đức ...
Trang hồi ký xúc động của một “đứa trẻ” Mỹ Lai (kỳ ba)
... Cũng cuối năm này tôi khó quên một sự việc, vì đến từ Sơn Mỹ nên tôi đi học trễ hơn 2 năm, thể xác khá lớn so với các bạn cùng lớp. Một buổi chiều khắc sâu đậm trong tâm tôi.
Mỹ Lai và những đứa trẻ mồ côi
(tiếp theo kỳ trước)
Hôm đó lớp tan học khoảng 12 giờ, về đến nhà cơm nước qua loa, gần 14 giờ tôi có mặt ở núi Tranh để tìm người thu hoạch củ lang đến mót. Trời đổ mưa lâm râm nên không có ai đi đào củ cả, tôi cùng 2 bạn Định và Lên cứ than vãn và buồn bã. Chúng tôi tạm xới lại những đám lang mà người ta đã thu hoạch tự hôm nào, kết quả quá ít ỏi.
Trời bắt đầu tối dần, tôi rủ 2 bạn về kẻo muộn. Trên đoạn đường xuống núi, phát hiện giữa đám tranh tươi tốt rậm rạp có một đám lang rất tốt, chúng tôi rẽ tranh đi vào và trông thấy thật nhiều củ lang, chúng ló ra vì bao trận mưa làm trôi hết đất, mấy đứa vội vàng lượm hết số củ lang ấy, thoáng chốc mỗi đứa thu nhập gần nửa bao Đại Hàn. Định về thì thấy dưới chân núi có một thanh niên hớt hải cầm đòn gánh chạy lên. Cả bọn hoảng quá tản ra bỏ trốn. Tôi chui vào núp trong góc một đám tranh. Thế mà anh ta dễ dàng phát hiện do cây cuốc chỉa tôi chưa kịp để nằm xuống, cái cán nó cao hơn và ló ra khỏi lùm tranh. Anh ta lôi tôi ra đánh, dùng cái đòn gánh phang vào bụng, vào lưng và vai tôi. Dường như cho đến lúc tôi bị ngất nằm lịm đi thì anh ta mới hả cơn giận.
Sau trận đòn hơn 1 tuần tôi bị ốm rất nặng, không đi học, không đi làm được, toàn thân sưng lên đau rát. Tôi chỉ dám kể lại cho chị Mỹ và ngoại nghe một nửa sự thật. Chị và ngoại rất giận anh ta. Anh ấy ở sau nhà bà Bốn Thường thôn An Lộc, nơi chị tôi đi ở, chị tôi gặp mặt anh ta thường mà. Đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp anh trong những ngày về thăm quê. Gặp, tôi vẫn chào nhưng anh ấy chưa lần nào đáp lại, chắc là anh còn cảm thấy ái ngại vì trận lỡ tay khi ấy đánh tôi quá nặng ngày ấy. Tôi thấy có lỗi cho nên van xin và đưa nộp hết số củ lang cùng dụng cụ, vậy mà vẫn suýt chết với trận đòn của anh...
Trần Văn Đức và con trai
... Đầu năm 1970, sau khi nhận tin ba mất khoảng 3 tuần, có 2 du kích từ Sơn Mỹ đến nhà ngoại vào ban đêm. Một người chị em tôi quen lắm, con của ông bà Bốn Tương ở gần nhà tôi bên thôn Mỹ Lại. Họ nói với ngoại rằng muốn dẫn 3 chị em tôi trở lại Sơn Mỹ, rồi đưa 3 chị em ra Bắc học để sau này phục vụ công tác lên án giặc Mỹ. Ngoại lắc đầu. Ba nói với họ rằng bà không muốn mất luôn 3 đứa cháu thân yêu, may mắn lắm chúng nó mới sống sót được, hơn nữa thời gian này Sơn Mỹ hoặc miền Bắc chiến tranh cũng khốc liệt lắm.
Đây là lần đầu tiên và duy nhất mà 3 chị em chúng tôi đón nhận được sự quan tâm. Từ bấy đến giờ gần 40 năm, chúng tôi không có lời hỏi thăm nào nữa, dù chỉ là 1 lần dự lễ tưởng niệm ngày 16-3 bi thương. Tôi cảm thấy rất buồn, vì cũng rất nhiều nhà báo, phóng viên về Sơn Mỹ, họ chỉ làm việc cùng ban lãnh đạo nhà chứng tích Sơn Mỹ trong phòng kính mát mẻ khang trang hoặc một vài người sống sót mà hàng trăm lần họ đã nhắc đi viết lại.... Tại sao họ chưa lần nào bước chân vào những căn nhà túng thiếu đủ bề của bao người may mắn còn sống sót ngày ấy nằm sát bên ngoài khu chứng tích? Như vậy tìm đâu ra được tính trung thực hoàn hảo của sự kiện? Mà lịch sử rất cần tính trung thực của nó, thiếu nó làm sao bảo tồn được tính nhân văn? Khi nhìn hình người mẹ yêu thương của tôi, bà Nguyễn Thị Tẩu nằm chết, miệng còn ngậm vành nón, chắc hẳn bao tên sát nhân sẽ nhận ra, tên lính nào đã nã súng bắn bà? Hoặc Ronald Haeberle sẽ biết điều đó và ắt hẳn họ sẽ kinh ngạc hơn ,khi biết bà mẹ Nguyễn Thị Tẩu kia đã cứu được 2 đứa con ở giây phút cuối đời, điều này không phải ai cũng làm được và càng kinh ngạc hơn, chỉ ở Tháp Canh dưới đống xác người có 3 đứa bé 9 tuổi, 7 tuổi và 14 tháng còn sống và sống đến ngày hôm nay.
Bà Nhiều và con gái của bà ngày ấy trốn ra cửa sau và men theo ruộng lúa may mắn chạy thoát, gia đình bà bị bắn chết 5 người. Bà nhìn thấy khá nhiều những thảm cảnh trong căn nhà của bà, trên 20 người từ ngã ba chạy vào nhà bà để trốn, kẻ xuống hầm, người chui dưới giường, vài ba người núp sau bàn thờ, nhưng sau đó bị lính Mỹ lôi ra bắn chết sạch...
Và bao người còn sống sót ở Mỹ Lai ngày ấy cũng có những hoàn cảnh thật đáng thương tâm. Bà Phạm Thị Thuận cuộc sống neo đơn thiếu thốn, gia đình bà có 5 người bị lính Mỹ bắn chết trong vụ thảm sát này. Chị Đỗ Thị Tuyết hiện đang sinh sống ở Pleiku, chị và gia đình sáng 16-3-1968 bị lính Mỹ bắt ra tập trung ở đoạn mương ngay trước nhà cùng với rất nhiều bà con thôn Tư Cung, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Tổng cộng 170 người, lính Mỹ nã súng tàn sát, bắn giết gần hết số người ấy, xác người ngã xuống máu nhuộm đỏ cả đoạn mương dài, chị sống sót nhờ những cái xác người đó đè lên. Hay ông Phạm Đạt đã phải chứng kiến cảnh vợ bị bắn trọng thương, tay còn đang bế đứa con gái nhỏ mới 7 tháng tuổi, bò lết từ trong nhà đang cháy ra ngoài sân, cố gắng lăn về phía cửa hầm trú ẩn, nhưng không còn kịp và bị lính Mỹ bắn chết, sau đó chất tranh lên trên và đốt xác cả 2 mẹ con.
Cũng dưới cái mương ngập ngụa xác người và máu, cậu bé Đỗ Ba mới 8 tuổi còn cọ quậy được, Glenn Andreotta nhìn thấy và báo cho Hugh Thompson. Phận may của Đỗ Ba còn Hugh Thompson hạ cánh và cứu cậu bé, đưa cậu vào bệnh viện Quảng Ngãi.
Bà Trương Thị Lệ với 1 đứa con còn sống sót tại Tháp Canh, nhờ 2 xác chết đè lên và nằm yên chết.
Bà Hà Thị Quí nay đã 83 tuổi, ngày ấy cũng bị lính Mỹ bắt tập trung ở mương kênh, nơi lính bắn giết 170 người dân vô tội. Bà bị thương ở mông và nằm yên, xác chết cứ lần lượt ụp xuống đè lên bà. Sau khi bắn giết xong, lính Mỹ bỏ đi, bà cố gắng bò về nhà, dọc đường nhiều cảnh bầm gan tím ruột, nhiều xác phụ nữ, thanh nữ bị lính Mỹ xé toạc áo quần hãm hiếp rồi bắn chết, có vài người còn bị rọc cả cửa mình.
Chị Phạm Thị Trinh, lúc đó 11 tuổi. Khi dưới hầm chui lên tận mắt còn nhìn thấy chị Phạm Thị Mười mới 14 tuổi đang bị một tên lính Mỹ hàm hiếp xong bắn chết bên cạnh hiên nhà. Xác mẹ và đứa em chưa tròn 7 tháng thì bị lính Mỹ dùng rơm đốt cháy hơn nửa thân người.
Nhà ông Lệ, trong hầm có 15 người đang trú ẩn đều bị giết sạch.
Nhà chị Trinh, đứa con chị cháu Đức mới 8 tuổi từ trong hầm chạy ra liền bị lính Mỹ bắn chết trong lúc miệng cháu vẫn còn ngậm đầy cơm.
Anh Trần Tấn Huyên ở xóm Khê Thuận kể lại “chỉ trong tích tắc, ông bà nội, cha mẹ và đứa em ruột của anh đã bị lính Mỹ xả súng bắn gục ngay trên mâm cơm“.
Than ôi, nỗi đau đến bao giờ mới nguôi? 504 người dân vô tội, chứ đâu phải vài ba người nhỏ nhoi ít ỏi, họ làm gì nên tội mà phải tiêu diệt họ? Bao đứa trẻ sơ sinh lòm khòm bò trên vũng máu hoặc miệng đang còn ngậm vú mẹ cũng bị kề súng sát đầu bắn cho tan xác. Hiếp dâm trẻ thơ, các chị, các bà, khi họ đang bị tang thương tột cùng, xác người thân ngổn ngang bên cạnh, sau đó giết họ không những bằng bao phát đạn mà đôi lúc dùng lưỡi lê để rọc thân thể họ...
... Tại sao đời sống lại hàm chứa những bất công tàn bạo thế? Tại sao niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của con người tạo dựng lên trên những ngịch lý không thể dung hòa. Vụ thảm sát Sơn Mỹ làm chấn động cả địa cầu, vậy mà bao nhân chứng sống sót ít ỏi vẫn bị lãng quên, 3 đứa con bà Chín Tẩu, hơn 33 năm rồi nhà chứng tích Sơn Mỹ được thành lập chưa lần nào được mời dự lễ tưởng niệm, hoặc một lời hỏi thăm, tên mẹ chúng khắc sai trên bia trong đại sảnh nhà trưng bày, mới sửa lại tháng 6.2009 qua bao nhiêu lần khó khăn khiếu nại. Phạm Thị Trợ, 2 mẹ con bà Nhiều, Lê Thị Em, Phạm Thị Hiền, Bùi Thị Hà, Bùi Sanh, cháu ông Hương Thơ... và rất nhiều nạn nhân còn sống sót chưa có một lời hỏi thăm dù qua gần 42 năm đằng đẵng.ọ sống không quá 800 mét cách nhà chứng tích, họ đang sống vất vả neo đơn với những hệ lụy từ cuộc thảm sát bi thương, man rợ, những nấm mồ chôn chung 75 người tại Tháp Canh và số mồ mả của bao người dân vô tội rải rác ở xóm Thuận Yên, Tư Cung, Cổ Luỹ quanh năm thường nhang tàn khói lạnh, không ai chăm nom.
Nói nấm mồ đến mãi hôm nay thì đúng, chứ tối ngày 16-3-1968 bi thương ấy, những người du kích và một số bà con từ Trường An xuống giúp đỡ gom tất cả 75 xác người và đặt xuống một cái rãnh rau lang, sau đó lấp đất lên. Vì số du kích và bà con giúp chôn cất không nhiều, 504 xác người- một số lượng quá lớn, hơn nữa một số xác chết riêng lẻ trong nhà, ngoài vườn người ta còn phải tìm kiếm, cho nên phải chôn vội, lấp vội cho xong, vậy mà một vài ngày sau người ta vẫn còn thấy đâu đây trong đám bắp, huỳnh tinh hay mía vẫn còn sót vài xác người chưa chôn….
Trần Văn Đức Germany- Remscheid 2009 (xem tiếp kỳ sau) truongduynhat.vn
@TDN: có thể viết một bài về bà mẹ VN (tên gì tôi quên mất)người Quảng Nam có trên chục người con hy sinh cho cả 2 phía: Cộng sản và Quốc gia, để qua đó mọi người có thể hiểu thêm về cuộc chiến này. Ngay cả trong một gia đình cũng đã có một nửa hy sinh cho Cộng Sản, và một nửa hy sinh cho Quốc Gia. Sự chết chóc như trên những bức hình đã là ghê rợn rồi, nhưng nếu ai cũng biết được rằng có những quãng thời gian trong lịch sử những người cùng nòi giống, cùng họ hàng, dân tộc, thậm chí cùng ruột thịt mái mủ ốm súng choảng vào nhau thì lại càng ghê rợn hơn rất nhiều.
Quote:
Nặc danh nói...
Tôi đồng ý với ông Đồ xứ Nghệ. Chỉ có người dân là những người phải chịu thiệt thòi, hy sinh mất mát nhiều nhất không phải chỉ trong chiến tranh mà trong cả thời bình cũng vậy. Còn 2 thế lực sẽ có một thế lực thắng và một thua.
Quote:
Cong Luan nói...
Vâng cứ mỗi năm tháng Ba rục rịch về Tôi luôn nhớ về thảm họa này và gửi những lời chia buồn sâu sắc đối với những mất mát riêng và chung của cả Dân tộc trong những cuộc chiến đẫm máu và nước mắt.
Người Mỹ trong hay ngoài cuộc đều có cái nhìn thực và phán xét lại chính mình để từ đó Mỹ Lai biến thành ký ức của cả hai bên để rồi hoà hợp hơn để rồi những vòng tay ôm ấp xiết chặt để chia sẽ.
Những thảm hoạ như vậy luôn là vết thương hằn lên cơ thể của người bị và người gây ra. Nhưng lịch sử cần những trang mới phải biết thông cảm và cùng nhau xây dựng một ngày mai tốt hơn.
Quân Mỹ cũng là nhân dân Mỹ, cuộc chiến tranh xâm lược nào và cuộc chiến đấu vệ quốc nào cũng cuối cùng là Nhân dân thua mà thôi. Điều này nhắc nhở những kẻ hiếu chiến, kẻ độc tài, những kẻ tàn bạo, ... dù ẩn nấp dưới hình thức nào cũng phải nhận thức được "Chỉ có Nhân dân là thua".
Quote:
Đồ Nghệ nói...
@ Công Luan: Tôi nghĩ đoạn cuối bác nên viết thế này: Điều này nhắc nhở các thế hệ sau rằng, nếu xẩy ra chiến tranh thì chỉ có nhân dân là thua. Vì thế chúng ta cần ra sức ngăn ngừa tối đa những cuộc chiến có thể xẩy ra. Chứ "nhắc nhở" những kẻ độc tài, tàn bạo thì nghe "chới với" quá!
Quote:
Nặc danh nói...
QV tiếp:
3. Tôi chỉ muốn nói với các bạn trong và ngoài nước, tôi nghĩ cái này nhiều người đã nhận ra, nhưng vẫn không ít người không biết. Chúng ta phải tỉnh táo nhìn nhận lại cuộc chiến này. Kẻ bại trận vì sợ "tắm máu" nên bỏ nước ra đi, đó là nỗi đau hằn sâu trong ký ức của những người ra đi, đó là sự mất mát lớn, tôi và nhiều người trong và ngoài nước rất biết và thấy đau đớn khi chiến tranh đã kết thúc hơn 35 năm mà lòng người ra đi và ở lại vẫn còn nhiều điều trăn trở, thậm chí thù hận, vết thương chưa lành. Kẻ chiến thắng cũng say sưa, và trong một vài chính sách đã không đủ tỉnh táo để nhận ra được dù là kẻ chiến bại nhưng họ đều là con em trong một nhà, cùng tổ quốc, cùng đất mẹ. Hiện tại đã nhiều người nói về vấn đề này rồi, các bạn chắc đã biết những lời tâm tình của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt về đoàn kết hòa hợp dân tộc. Tôi nói vậy để mong các bác, các anh các chị dù ỏ trong và ngoài nước, dù là phía nào đi chăng nữa, hãy gác đi quá khứ đau buồn, để giáo dục con em về truyền thống lịch sử dân tộc, cùng góp sức cho đất nước mạnh lên. Trong bộ máy cầm quyền hiện nay của VN, có ông nghĩ thế này thế khác, nhưng không ít người lãnh đạo và đặc biệt là quần chúng nhân dân đều mong muốn chấm dứt tình trạng thù hận kéo dài trong lòng người Việt. Tôi mong ngày đó càng sớm càng tốt, mong lắm lắm.
Quote:
Nặc danh nói...
QV tiếp:
4. Việc đất nước bị chia cắt, rồi lao vào chiến tranh, chúng ta phải tỉnh táo để hiểu rằng, chúng ta là con tốt trên bàn cờ chính trị của các nước lớn. TQ là kẻ đã thực hiện âm mưu chia cắt ta ở vĩ tuyến 17, ngấm ngầm "bắt tay" với Mỹ để Mỹ có ảnh hưởng ở miền Nam. Việc này chắc ai cũng biết, vì những tư liệu về Chu Ân Lai và đoàn đàm phán Trung Quốc ở hội nghị Geneva được giải mật đã quá rõ điều đó. Vì TQ rất sợ miền Bắc Việt Nam tấn công thống nhất miền Nam, khi đó Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp và kịch bản một cuộc chiến đẫm máu Triều Tiên tại Việt Nam rất có thể sẽ đặt TQ vào thế bị đe dọa. Đối với Liên Xô cũng vậy, họ ủng hộ vũ khí, tiền của cho miền Bắc mục đích là ghìm cho Mỹ sa vào vũng lầy ở VN, làm sức mạnh của Mỹ yếu đi trong quan hệ quốc tế. Việc TQ ủng hộ VN cũng vậy, cũng nằm trong mưu đồ chống Mỹ và cạnh tranh với Liên Xô. Còn Mỹ, một mặt lo sợ thuyết domino về sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản (đây là tính toán sai lầm chết người của Mỹ, vì các nước ASEAN khác đều bài đảng cộng sản đến cùng), mặt khác Mỹ muốn giữ thanh thế là ngọn cờ đầu trong thế giới "tự do" trước các đồng minh trên thế giới, hơn nữa qua đây Mỹ cũng muốn cắm chốt quân sự ở Việt Nam, một địa bàn quan trọng khống chế Liên Xô và TQ. Như vậy, ta thấy rằng người Việt là một quân tốt được các thế lực nước lớn chống sau lưng và "xúi" hai miền vào cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử nước nhà. Tôi nói thế, để các bạn chưa biết, biết hơn tình thế của đất nước ta, để nhận thấy sự nguy hiểm của các nước lớn như thế nào trong cuộc chiến tranh này.
Có lẽ tôi viết đã quá dài, tôi chỉ mong mọi độc giả hãy chia sẻ quan điểm về cuộc chiến để người Việt chúng ta nhìn nhận ra thêm vấn đề. Mục đích của tôi là mong người Việt phải đoàn kết và yêu thương như anh em một nhà.
Chúc các bạn mạnh khỏe, hạnh phúc.
QV
Chả cần phải viết lách, dẫn chứng, cãi nhau làm chi cho mất công. Thân Mỹ với chả thân cái gì, chỉ cần làm một thí nghiệm đơn giản nhất là biết ngay thôi mà. Này nhé, ra đường gom 10 tên công nhân xí nghiệp hay xích lô, xe thồ gì đó. Sau đó cho bọn họ xem hình ảnh tội ác của bọn Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, rồi hỏi họ “nếu cho mày và gia đình mày đi định cư bên Mỹ thì mày có muốn đi không?” Nếu cả 10 tên cùng quả quyết “Mỹ là bọn ác độc, tàn bạo và ba … xạo nên tao cóc thèm đi, tao thà ở lại Việt Nam suốt kiếp” thì đúng là người dân căm thù Đế Quốc Mỹ không còn nghi ngờ gì nữa. Còn nếu sau khi tuyên truyền xong mà bọn họ vẫn … mừng húm về hối vợ con sửa soạn đi Mỹ thì coi bộ nên …. suy nghĩ lại. Sau đó làm thêm một thí nghiệm y như vậy nhưng lần này sửa lại cho họ đi sang …. Trung Quốc hay Cu ba xem kết quả ra sao? Chúc … may mắn !
Quote:
Kiên Huế nói...
Còm ngay bên trên tui (post lúc 03:42 12/01) mắc lỗi ngụy biện sơ đẳng: đem 2 chuyện không liên quan gì đến nhau cố tình ghép vào mệnh đề nguyên nhân-kết quả, nếu-thì. Tôi cũng sẽ đi Mỹ mần ăn nếu có cơ hội, còn trong nhận thức của tôi, tội ác chiến tranh của Mỹ (không chỉ ở Việt Nam, không chỉ trước đây mà ngay và luôn bây giờ) vẫn là 1 sự thật không tẩy xóa được. 1 sự thật mà ngay cả các cựu binh Mỹ còn thú tội thì các bạn, những người không nếm mùi chiến tranh, cãi làm cái nỗi gì?
Trở lại với QV bên trên, đồng ý trên bàn cờ thế giới, VN mình lúc đó bị coi như là 1 con tốt đi nữa (mà chỉ là bị coi thôi nhé) thì những nước khác, dù ghê gớm đến mấy cũng chỉ là một con cờ thôi. Lạc nước 2 xe đành bỏ phí, Liên Xô to vật mà lạc lối thì cũng tan đàn xẻ nghé, Mỹ là siêu cường nhưng sai lầm khi vỗ béo TQ quá lâu để đến giờ lo ngay ngáy ngày thoái vị.
Vậy nên đó không là lý do chính. Nếu nhất định cho rằng có một cuộc nội chiến trong lòng chiến tranh Việt Nam thì đó là cuộc nội chiến giữa những người vì độc lập, tự do, thống nhất cho tổ quốc và dân tộc và những người chỉ vì bản thân. Vì bản thân sẵn sàng nối giáo cho giặc, vì bản thân sẵn sàng chia rẽ đất nước, vì bản thân sẵn sàng giết chóc đồng bào kháng chiến....
Vì bản thân đến mức ấy thì cũng đành phải nội chiến một lần để quét nhà cho sạch chứ biết phải làm sao???
Quote:
Nặc danh nói...
QV viết:
Xin chia sẻ với bạn Kiên Huế như sau:
1. Về tội ác chiến tranh: đây là vấn đề đã quá rõ ràng, chính cựu binh Mỹ đã thừa nhận điều này và đã bị ám ảnh suốt phần đời còn lại về những tội ác họ gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Bạn đọc có thể lên youtube tra My Lai Massacre sẽ cho các video phỏng vấn các cựu binh Mỹ những người đã tham gia vào càn quét, giết dân, và cả những người chống lệnh ra sao. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên được nỗi đau này, nhưng chúng ta không giống Trung Quốc, đất nước thù hằn Nhật Bản, gặp một người Nhật họ có thể gọi đó là "thằng chó". Chúng ta không thế, quá khứ đã qua đi, và không ai quên được quá khứ, nhưng đất nước này có lòng nhân ái truyền thống, và đến hôm nay chúng ta không ghét bỏ gì người dân Mỹ, kể cả những nạn nhân tử nạn trong chiến tranh, họ đều là những thanh niên mười tám, đôi mươi, và đều là nạn nhân của một cuộc chiến tranh điên rồ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tôi đã từng đặt chân tới Bức tường chiến tranh ở Washington, và ước gì đất nước ta và đất nước của họ không có cái lịch sử đau buồn này. Chỉ có lòng vị tha xuất phát từ truyền thống dân tộc, người Việt ta mới có những cách cư xử đẹp, không hận thù nhân dân Mỹ (trừ cỗ máy hiếu chiến trong chính quyền Mỹ), khiến họ được an ủi và phần nào nguôi ngoai hội chứng chiến tranh.
2. Về vấn đề thống nhất đất nước: tôi đồng ý quan điểm phải thống nhất, nhưng bằng cách nào. Chính phủ VNDC Cộng hòa do Chủ tịch HCM đã rất nỗ lực kêu gọi các bên thực thi nghiêm túc hiệp định Geneva, đó là khi Pháp rút đi hai miền sẽ qua tổng tuyển cử để thống nhất. Nhưng tình hình đã không diễn ra như thế, chiến tranh để thống nhất là điều khó tránh khỏi, và thực tế là cái giá máu xương phải đổ vì nền độc lập và thống nhất đất nước là quá lớn, quá nghiệt ngã. Đây là bài học máu xương cho dân tộc ta khi có bàn tay của nước lớn can thiệp vào công việc nội bộ. Ngày xưa Nguyễn Ánh đã từng cầu viện Xiêm La (Thái Lan), rồi Pháp để đánh Nguyễn Huệ. Rồi sau này Pháp đô hộ ta, rồi đến Mỹ nhảy vào miền Nam. Bài học giữ vững độc lập tự chủ, dĩ bất biến ứng vạn biến là bài học máu xương, muôn đời để nước Việt Nam tránh rơi vào cảnh máu chảy đầu rơi như đã từng diễn ra trong quá khứ.
QV
Khốn nạn thật, nếu như trong số những nạn nhân đó có người thân của mình thì sao nhỉ ? Không thể có bất cứ biện minh nào cho những hành động như thế này
=================
Câu chuyện thương tâm và những bức hình làm tôi nhớ lại cảnh những mồ chôn tập thể thanh niên, thiếu nử,thường dân, học sinh, thầy tu vô tội ... những người không phải là địch thủ hay kẻ cầm súng chống lại quân xâm lăng miền Bắc ở Huế hồi tết mậu thân 1968, hơn 4000 người vô tội bị các đồng chí của cha anh đơn vị C12 , thắt cổ bằng dây kẻm gai, hay đập đầu bằng cuốc, xẻn, báng súng AK ...
Sao không có những cuộc phỏng vấn những người bộ đội miền Bắc đập đầu nhưng thường dân vô tội ở Huế năm mậu thân 1968 nhỉ. Hơn 4000 nhân mạng chứ đâu phải ít hơn Mỷ Lai.
Diễn Đàn Người Việt Hải Ngoại. Tự do ngôn luận, an toàn và uy tín. Vì một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ Việt Nam hãy ghé thăm chúng tôi, hãy tâm sự với chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút có thể. VietBF.Com Xin cám ơn các bạn, chúc tất cả các bạn vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Welcome to Vietnamese American Community, Vietnamese European, Canadian, Australian Forum, Vietnamese Overseas Forum. Freedom of speech, safety and prestige. For a beautiful future for Vietnamese generations, please visit us, talk to us every day, every hour and every moment possible. VietBF.Com Thank you all and good luck.