Tôi trở lại Xóm Lưới vào đúng ngày 3.10 âm lịch (nhằm ngày 29.10.2011), khi cả xóm tổ chức ngày “hội” buồn. Cũng giống như các vùng nông thôn khác trên nước ta, ở Xóm Lưới mỗi khi nhà có giỗ, chủ gia thường mời lối xóm tới dùng ly rượu tưởng nhớ người đã khuất.
Thế nhưng, những đám giỗ ở đây vào ngày 29.10 vừa qua hầu như không có khách, vì nhà nào cũng có giỗ, mạnh ai nấy cúng, còn các ngư phủ ngoài biển thì không thể về dự “giỗ hội” như trước do nghề đánh bắt trên biển đang hồi khó khăn...
Tàu cá ở Xóm Lưới .
Dấu chân của Linda
Cơn bão Linda (bão số 5, tháng 11.1997) có cái tên thật đẹp, nhưng hậu quả mà nó để lại trên đất Tây Nam Bộ thì “xấu” hơn bất cứ cơn bão nào trước đó. Hàng ngàn con tàu, theo đó là hàng ngàn ngư phủ đã bị cơn bão nhấn chìm xuống đáy biển. Đây là lần thứ ba tôi đến ấp Xóm Lưới (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang). Lần đầu vào tháng 11.1997, khi cơn bão Linda vừa cướp đi 27 mạng sống của ngư phủ ở đây. Lần thứ hai nhân “mười năm giỗ hội”. Và bây giờ tôi trở lại Xóm Lưới cũng nhân ngày “hội” buồn trong bối cảnh nghề đánh bắt đang gặp khó khăn.
Cái tên “Xóm Lưới” không ai biết có từ đời nào, chỉ biết rằng nó bắt nguồn từ cái nghề chài lưới trên sông Vàm Láng. Về sau khi đã đóng được tàu, những ngư phủ rời khỏi sông nhỏ tiến ra biển lớn, để đoàn tàu đánh cá Vàm Láng ngày nay có “số má” trên biển Đông với khoảng 500 chiếc. Ngày ấy, khi tôi lần đầu đến Xóm Lưới vào giữa tháng 11.1997, cả xóm chìm trong không khí tang thương dù không có bất cứ một “đám ma” nào.
Bão Linda đã đi qua đúng 10 ngày, trong số khoảng 150 ngư phủ của Xóm Lưới đi biển, ai còn sống thì đã về rồi, còn 27 người “mất tích”, coi như là đã chết. Xóm Lưới tổ chức mấy đoàn đi Cà Mau, Kiên Giang - nơi có nhiều xác ngư phủ được tìm thấy, nhưng tất cả đều về tay không, cả 27 ngư phủ đều bỏ xác ngoài biển cả.
Rồi những “đám ma” lặng lẽ không quan tài, những người vợ đầu trắng khăn tang chiều chiều dắt con ra bến sông như chờ đợi một điều kỳ diệu nào đó bất ngờ đến từ phía cửa biển... Ngày ấy, hàng trăm con tàu ở Vàm Láng nằm im thin thít suốt hàng tháng trời. Đó là những chiếc tàu “sống sót” trở về trong cơn bão, như vẫn chưa hoàn hồn để tiếp tục ra khơi. Cảng cá Vàm Láng không tàu đi cũng không tàu về, trông như một cảng biển “chết”, trong không khí tang thương ở các xóm ngư phủ xung quanh, trong đó Xóm Lưới là tang thương nhất.
Giỗ chồng là ngư phủ tử nạn ngoài biển.
Vẫn chưa nguôi
Bây giờ trở lại Xóm Lưới dự “giỗ hội”, tôi không còn thấy cảnh các ngư phủ từ biển về chia nhau đến các gia đình có giỗ để cho cả người sống lẫn người đã chết đều thấy “ấm cúng”. Trong suốt hơn 10 năm sau cơn bão Linda, các chủ tàu và ngư phủ đánh bắt xa bờ ở Vàm Láng đều có chung nghĩa cử là cứ đến ngày “giỗ hội” mùng 3 tháng 10 âm lịch là đưa tàu về bến để người sống đến viếng người chết, cũng là để tàu giao, bán cá tôm, tiếp thêm xăng dầu, nước đá... Vì vậy mà vào ngày “giỗ hội” năm 2007, đến nhà nào tôi cũng thấy có trên dưới 10 ngư phủ ngồi quây quần trên sàn nhà vừa uống bia vừa nhắc về người đã khuất.
Bây giờ đi biển khó khăn, hiệu quả thấp, nhiều khi lỗ vốn, nên phải 3 - 4 tháng tàu mới về bến một lần cho đỡ chi phí, chứ không mỗi tháng mỗi lần về như trước. Ở Xóm Lưới có chưa tới 200 nóc nhà, mà vào ngày mùng 3 tháng 10 lại có đến 27 đám giỗ, nên tôi có cảm giác cả xóm có giỗ. Tôi lại ghé thăm nhà anh Tám Tơn - nơi tôi đã từng ngồi uống bia “chia buồn” vào dịp giỗ năm 2007. Đến Vàm Láng tôi thấy 2 điều lạ, một là các ngư phủ chỉ uống bia chứ không uống rượu, hai là khi nhậu luôn ngồi dưới sàn nhà, ít khi ngồi bàn.
Có người giải thích rằng do ở ngoài biển quen ngồi trên sàn tàu, còn uống bia chỉ đơn giản là “hưởng thụ” trước khi lại quăng mình vào biển cả. Anh Tám Tơn nhớ lại, lần ấy anh và đứa con trai mới 13 tuổi Nguyễn Bá Tùng đi câu mực trên con tàu TG338. Thời ấy thông tin về “bão gần” không kịp thời và chính xác như ngày nay, khi các anh nghe radio báo bão khẩn cấp vào lúc 12 giờ trưa thì bão Linda đã ập đến. Con tàu mỏng manh chỉ chịu được vài đợt “sóng thần”, chỉ có 4 người sống sót, còn lại 14 người mãi mãi nằm lại dưới đáy biển, trong đó có con anh.
Được tàu cứu hộ vớt sau đó 1 ngày, Tám Tơn về nhà gặp vợ, bà ôm ông vừa khóc vừa hỏi: “Hai cha con đi, sao mình về có một mình, còn con đâu?”. Vợ chồng Tám Tơn chỉ sinh có 2 con trai, một đứa chết đuối trên sông lúc còn nhỏ, một đứa chết vì bão ngoài biển cả!
Dù sao thì Tám Tơn cũng còn may mắn hơn nhiều gia đình ở Xóm Lưới, khi đi hai người còn về được một. Có những gia đình phải “giỗ kép” vì cả cha con, hoặc anh em đều không thoát khỏi “bàn tay” của Linda. Ông Lê Văn Châu và con trai Lê Văn Dẹo mới 15 tuổi cùng đi trên một tàu cá và cùng ở lại biển khơi. Năm 2007 khi tôi đến thăm, bà Lê Thị Em (vợ ông Châu, mẹ của Dẹo) vẫn còn nuôi hy vọng là con bà còn sống đâu đó. Một bà thầy bói nào đó đã phán rằng chỉ có ông Châu chết, còn “cậu Dẹo” chưa chết, bị sóng đánh vào một hoang đảo nào đó chưa biết đường về.
Lần này tôi ghé thăm, bà Em đã tin rằng con bà không còn sống. Bà vừa khóc vừa nói: “Nó chết thật rồi, nếu còn sống thì đã tìm đường về nhà”. Khi bão Linda ập vào vùng biển Tây Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Lợt và 4 đứa con trai đang ở trên 2 tàu cá. Ông Lợt và 2 con trên chiếc tàu gần bờ, đã vào kịp đất liền, hai người con còn lại đi trên một chiếc tàu khác đã không về kịp, phải nằm lại biển khơi. Không xa nhà ông Lợt là nhà của bà Nguyễn Thị Bé.
Bà Bé có con trai út là Nguyễn Văn Chức chết trong bão Linda. Chức chết đi để lại vợ và 2 con trai nhỏ. Con dâu của bà vẫn ở vậy nuôi con, giống như bà 35 năm trước cũng mất chồng sau một cơn bão, cũng ở vậy nuôi các chị em Chức, để khi vừa lên tuổi 13 Chức lại xuống tàu ra khơi theo nghiệp cha.
Đi biển xưa và nay
Trong suốt một ngày đi “giỗ hội” ở Xóm Lưới, tôi đều nghe cùng ý kiến nhận xét: Đi biển ngày nay an toàn hơn, ngư phủ ít “nằm” lại ngoài biển; nhưng nghề đánh bắt biển bây giờ ngày càng khó khăn, cuộc sống ngư phủ luôn thiếu thốn, chật vật. Dù vậy, đàn ông, thanh - thiếu niên ở Xóm Lưới vẫn bám vào biển, vì như họ nói: “Từ đời ông đời cha đã sống bám vào biển, giờ bỏ nó biết sống bằng nghề gì”. Chỉ có vài người trong số khoảng 150 ngư phủ ở Xóm Lưới thoát chết từ cơn bão Linda sau đó đã bỏ nghề đi biển. Trong 14 năm qua, thêm hàng trăm thanh - thiếu niên mới lớn xuống tàu tiếp tục nghề của cha anh.
Hai người con của ông Nguyễn Văn Lợt thoát chết từ cơn bão Linda sau đó vẫn không từ bỏ biển khơi. Năm 2007 khi về Xóm Lưới, tôi đã gặp anh Nguyễn Văn Tư - người từng lênh đênh trên biển 4 ngày đêm, khi tàu cứu hộ tìm thấy, anh đã ngất mà tay vẫn ôm chặt chiếc phao. Sau đó anh Tư đã “sợ biển” nên ở lại trên bờ chạy xe ôm. Bây giờ gặp lại, anh Tư cho biết mình đã trở lại nghề ngư phủ, vì bây giờ đi biển đã an toàn hơn rất nhiều, không sợ “rớt” lại ngoài biển nữa.
Ngày trước họ ra khơi là phó mặc mạng sống của mình cho trời. Bây giờ tàu cá ở Vàm Láng hầu hết đã được đóng mới hiện đại, đủ sức đi khơi xa, lại luôn giữ liên lạc với đất liền bằng sóng vô tuyến, rồi máy định vị... Thông tin về thời tiết, về “bão xa”, “áp thấp nhiệt đới” đều được cập nhật hằng giờ. Đã hơn 10 năm, không có chiếc tàu cá nào ở Xóm Lưới bị “rớt” thêm ngoài biển do bão. Nhờ vậy mà đoàn tàu đánh cá ở Vàm Láng từ khoảng 200 chiếc năm 1997, nay đã lên đến gần 500 chiếc.
Thế nhưng, cuộc sống của người dân Xóm Lưới, đời sống của các ngư phủ thì vẫn không được cải thiện nhiều, nếu như không nói là khó khăn hơn. Ngoài những thay đổi nhờ các nguồn cứu trợ của xã hội sau bão Linda giúp đường sá trong Xóm Lưới khang trang hơn, nhiều nhà nạn nhân được bêtông hoá thay cho nhà tạm bợ, trong những năm qua, Xóm Lưới không có thay đổi gì nhiều thêm. Những đứa trẻ ở Xóm Lưới lớn lên cũng thất học, con trai thì xuống tàu đi biển, con gái thì gắn bó với biển ở trên bờ... Họ đã hết cảnh “sống nay chết mai” trên biển, nhưng để “đổi đời” thì vẫn còn xa!
Nguyễn Phấn Đấu/laodong