R9 Tuyệt Đỉnh Tôn Sư
Join Date: Dec 2008
Posts: 44,699
Thanks: 262
Thanked 591 Times in 456 Posts
Mentioned: 0 Post(s)
Tagged: 0 Thread(s)
Quoted: 1 Post(s)
Rep Power: 60
|
Kỳ thú nghề phá trầm lấy... gỗ
Dọc theo tuyến phố Tam Thai, phố Hoàng Thị Loan (dưới chân núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế), người đi đường thường ngửi thấy hương trầm thoang thoảng. Ngày trước người dân ở đây nổi tiếng với nghề tìm trầm, chế biến trầm hương. Tưởng rằng nghề liên quan đến cây gió bầu ở đây đã đi vào dĩ vãng thì nay cùng với trào lưu của các "đại gia" muốn chứng tỏ "đẳng cấp", nghề chế biến trầm gió (còn gọi là xoi trầm) đã phát triển trở lại với mục đích tưởng như oái oăm: Phá trầm chỉ để lấy gỗ.
Phá trầm tìm gỗ
Trầm hương được hình thành từ nhựa cây gió bầu (thường những cây già cõi u bướu, bị bệnh hoặc gãy bộ phận nào đó làm cho kiến ăn). Khi cây bị thương, tiết ra mủ để bao bọc vết thương và sau đó tạo thành trầm hương. Trầm hương tích tụ lâu ngày sẽ thành kỳ nam (giá trị lớn hơn rất nhiều so với trầm hương). Trầm hương là một loại thuốc quý được dùng để chữa trị như hen suyễn kinh niên, phù thủng, bí tiểu...
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, một người dân địa phương: "Chừng những năm tám mươi đến năm 1995, ở đây ngườ ta hầu hết sống bằng nghề tìm trầm. Người người nhà nhà kéo nhau lên rừng, ra tận Quảng Bình, Hà Tĩnh, thậm chí sang đến Lào để kiếm trầm về bán". Rồi trong ánh mắt trầm lắng,người đàn ông nhớ lại những chuyến đi rùng mình vẫn còn ám ảnh giấc mơ: "Rắn cắn, trượt chân xuống vách núi, sốt rét...không có thứ gì người đi tìm trầm chưa trải qua. Nhiều người bạn của tôi cũng đã bỏ mạng chốn rừng sâu vì miếng trầm", ông Thảo ngậm ngùi.
Nhọc nhằn như nghề tìm trầm, lại khó tìm như trầm nên kể từ khi cây gió được nhân giống và trồng đại trà, trầm hương mất vị thế “cực hiếm”, nghề đi tìm trầm gió ở địa phương đã không còn. Tưởng rằng nghề liên quan đến sản vật quý này không còn liên quan gì thì gần đây ngày càng có nhiều người đến đặt hàng mỹ nghệ làm từ cây gió. Công việc gắn với cây gió vậy là có cơ hội sống lại. Một số bô lão trong xóm từng có thâm niên đi trầm cho biết gỗ gió trang trí trong nhà có thể xua đuổi tà khí, khử gió độc theo quan niệm dân gian, thế nên các "đại gia" thêm "sính" trang trí nhà bằng loại đồ mĩ nghệ này.
Dẫn chúng tôi đứng trước cây gió 30 năm tuổi dựng ở góc nhà, anh Huỳnh Việt Hoà tấm tắc hài lòng : "Hồi trước tôi mua lại cây này với giá 8 triệu đồng, khai thác phần ngọn và cành xong nay riêng phần gốc đã có người ngả giá 40 triệu nhưng gia đình chưa bán". Lí giải tại sao có thể "siêu lãi" đến vậy, anh Hoà cho biết: "Đối với những cây gió có hình dáng đẹp, nhiều lỗ khoan người ta không đẽo ép lấy dầu mà để nguyên cây chạm khắc mỹ nghệ. Nhiều cây có giá gần cả tỉ bạc ấy chứ", vừa nói anh vừa xoa xoa lớp gỗ gió trắng mịn pha những vệt lốm đốm đen.
Anh Nguyễn Văn Duẩn, chủ cửa hàng mỹ nghệ trên phố Phạm Ngũ Lão trố mắt nhìn khách: "Chỉ có đại gia mới đủ tiền chơi trầm cảnh, mốt chơi đang "nóng" đấy anh à. Bức tượng Di lặc gỗ gió đã lên trầm trị giá cả trăm triệu đồng. Riêng mặt hàng này chúng tôi chỉ nhận chạm trổ theo đơn đặt hàng chứ không thể làm đại trà do vốn rất lớn nhưng lại khó tiêu thụ".
“Trang điểm” cho gỗ
Cây gió có tên khoa học Aquilaria Grassna Pierre, họ Thymelea Ceae. Cây gió có thể cao từ 30- 40m, vỏ xám, gỗ mềm. Gỗ gió từ 8- 10 năm có khả năng tích luỹ tạo nhựa trầm vô cùng quý hiếm. Ngày nay để kích thích cây gió cho trầm người ta khoan, đục những lỗ trên thân cây rồi bôi chất kích thích hoá học. Sau khoảng hai năm cây gió bắt đầu cho tinh dầu và có thể khai thác.
| Trong xưởng chế biến trầm gió của anh Huỳnh Việt Hoà (tổ 8, khu vực 4, Phường An Tây, TP Huế), anh cho hay để tạo thành phẩm trầm gió hoàn chỉnh cần rất nhiều công sức và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ : "Trước tiên phải dùng dao bóc sạch vỏ cây rồi dùng cưa hoặc rựa (dao lớn) chặt thân cây thành từng đốt ngắn. Sau đó đẽo bớt lớp giác, đẽo vòng quanh các lỗ khoan đến khi nào phát hiện có dầu phun thì dừng lại. Cuối cùng là khâu làm sạch, từ giai đoạn này người thợ phải cẩn thận đục, xoi để gạn sạch giác gỗ trắng, chừa lại phần gỗ đen có chứa tinh dầu". Theo Hoà: "Nếu cây càng già, chứa nhiều tinh dầu, thịt cây sẽ có màu đen đậm như thế này. Dụng cụ làm sạch càng sắc bén sẽ hạn chế phần gỗ tinh dầu rơi vãi ra ngoài nhờ tránh được làm gỗ xây xước. Ngoài ra tuỳ thuộc vào tay nghề của thợ xoi, người thâm niên trong nghề rất hiếm gây lãng phí tinh dầu".
Nếu được dịp "mục sở thị" tại chỗ công việc của những người làm nghề xoi trầm, người ta mới thấy hết được sự tỉ mỉ và khéo léo của họ để có được một sản phẩm. Bước đầu tiên, những khúc dó bầu từ trên núi gùi về, người ta dùng rựa đẽo, chặt bỏ lớp vỏ ngoài cùng. Tiếp theo là khâu phá xác. Gặp những chỗ ngóc ngách, người thợ phải dùng cây móc, còn gọi là cây cào để săm soi. Sau khi có được thanh gỗ nguyên chất, bấy giờ người thợ mới chuyển sang công đoạn chạm khắc, tạo dáng, lắp ghép... để biến khúc gỗ thành một tác phẩm nghệ thuật. Đây là công việc hoàn toàn thủ công, chỉ dành riêng cho những nghệ nhân có tay nghề cao và óc thẩm mỹ. Đó có thể là một chú cún con dễ thương, một chiếc tàu buồm thời cổ đại, một con chim đại bàng kiêu hãnh hay một dáng cây cổ thụ lồi lõm u bướu, tất cả đều hiện ra từ những bàn tay điệu nghệ, sắc sảo, tài hoa của những người thợ làm trầm lành nghề và đam mê nghệ thuật.
Nghề thoát nghèo
Được biết những hộ dân ở An Tây nhận gia công trầm gió với giá tiền 100.000 - 150.000 đồng. Ngày nay nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư vốn ra Hà Tĩnh, Thanh Hoá mua gió nguyên cây về chế biến. "Giá gió tuỳ theo kích thước, năm tuổi của cây. Cây năm bảy triệu cho đến vài ba chục triệu đều có cả. Nguyên tắc chung khi mua gió là cây càng nhiều lỗ khoan tạo dầu, vỏ cây có màu xám đậm tất nhiên chứa nhiều tinh dầu. Tuy nhiên muốn đảm bảo nhất cần dùng đục thử ngay tại vườn bằng cách xoi vào thân cây", anh Võ Đình Tỵ, một thợ xoi trầm "bật mí".
Gia đình ông Phạm Ngọc Hoá ngụ khu vực bốn, Phường An Tây có bảy thành viên thì cả bảy đều làm thêm nghề xoi trầm trong thời gian rảnh rỗi. ông Hoá cho hay nhờ nghề xoi trầm mà nhà ông có thêm thu nhập, nuôi các con ăn học, ổn định cuộc sống.
ông Hoá nhẩm tính : "Bình quân gỗ gió trưởng thành có giá 5 - 7 triệu/cây, sau khi đục đẽo có thể thu lại 2 - 2,5kg gỗ gió thành phẩm có chứa tinh dầu. Giá mỗi kg gỗ gió thành phẩm khoảng 6 triệu, ngoài ra phần gỗ bị loại bỏ được tận dụng xay bột làm nhang, trầm xông. Trừ chi phí thu lãi khoảng 5-5triệu đồng/ cây. ở khu vực này hầu như nhà nào cũng bỏ tiền mua gỗ gió về nhà tự gia công rồi nhập thành phẩm cho chủ đầu mối".
|