Tại khu vực bãi Tư Chính, hôm nay các tàu Việt Nam tiếp tục đối đầu với nhóm tàu Trung Quốc, gồm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng với các tàu hải cảnh, xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. khi tàu khu trục mang tên Hoàng Đế Quang Trung và Lý Thái Tổ của Hải Quân Việt Nam được cho là đã xuất hiện ở bãi Tư Chính.
Hình ảnh cho thấy hai tàu khu trục Việt Nam có mặt ở bãi Tư Chính. (Hình: Ryan Martinson)
Ông Ryan đưa lên Twitter hình ảnh vệ tinh cho thấy hai tàu có tên Vpns Quangtrung và Truong Sa 401012 đang đi vào khu vực bãi Tư Chính. Xung quanh vẫn là những tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 37111 và Zhongguohaijing 33111.
Cũng theo ông Ryan, chiến hạm Quang Trung đã rời cảng Cam Ranh từ ngày 15 Tháng Tám.
Vài giờ đồng hồ sau đó, cũng chính ông Ryan ghi nhận trên Twitter: “Nếu điều này là đúng và tàu khu trục Việt Nam đang làm điều này, thì nguy cơ xảy ra đụng độ vũ trang với Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.”
Hiện chưa có thông tin chi tiết hai tàu khu trục Vpns Quangtrung và Truong Sa 401012 thuộc loại nào. Nhưng nếu đó là tàu 016 – Quang Trung, thì đó là tàu hộ vệ hỏa tiễn thứ tư thuộc lớp Gepard 3.9 được biên chế Lữ Đoàn 162 (đơn vị tàu chiến đấu mặt nước tối tân nhất của Quân Chủng Hải Quân Việt Nam).
Hình ảnh cho thấy tàu khu trục Quang Trung rời cảng Cam Ranh hôm 15 Tháng Tám. (Hình: Ryan Martinson)
Dữ liệu của trang Sputnik cho biết tàu 016 – Quang Trung có chiều dài 102.4 mét, rộng 14.7 mét, mớm nước 5.6 mét, lượng giãn nước toàn tải 2,200 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ (53 km/giờ), phạm vi hoạt động 7,000 km, thời gian hoạt động liên tục trên biển 20 ngày. Đây là loại tàu chiến có khả năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống hạm, chống ngầm, chống các loại tàu chiến mặt nước, được trang bị các loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga hiện nay. Trong đó, có tổ hợp pháo – hỏa tiễn phòng không đa năng Palma, tổ hợp hỏa tiễn Ural và trực thăng săn ngầm Ka-28. Chiến hạm có khả năng tiến công đa năng ba trong một (trên mặt nước, dưới nước và trên không), đặc biệt là khả năng chống ngầm.
Truyền thông Việt Nam và cả phía Trung Quốc chưa lên tiếng điều này.
Hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Tám, ba ngày sau khi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc quay lại bãi Tư Chính, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) và luật pháp quốc tế. (C.Lynh)