'Đang đứng xếp hàng chờ đến lượt ném đồng xu và cầu nguyện, bỗng một người phụ nữ Việt từ đâu chen lên trước mặt tôi, vô tư đứng khấn'.
"Hồi đi Nhật, tôi vô tình để ý thấy mấy lần khách Việt chen ngang khi mọi người đang đứng xếp hàng ở những điểm du lịch nổi tiếng. Mấy người Nhật đứng phía sau không nói ra, nhưng tôi thấy ánh mắt họ nhìn nhau, tỏ vẻ khó hiểu và không hài lòng với cách hành xử của mấy người khách Việt.
Ngay bản thân tôi cũng có trải nghiệm tương tự. Đó là khi tôi tới đền cầu nguyện, do lượng khách đông đúc nên mọi người cùng nhau xếp thành bốn hàng. Lần lượt từng người lên ném đồng xu và đứng cầu nguyện vài phút, rồi nhường chỗ cho người phía sau. Tới phiên tôi lên thì một chị người Việt không biết ở đâu chen ngang trước mặt mà không nói năng gì. Chị ta vô tư đứng khấn một hồi khá lâu như thể không cần biết tới người khác.
Đúng là đôi khi những hành động vô ý dù rất nhỏ nhặt như vậy thôi nhưng lại khiến cho người khác coi thường, dù người ta không biết bạn giàu nghèo, học vấn tới đâu, hay đến từ nước nào".
Đó là chia sẻ của độc giả Socnau về ý thức tệ hại của một một bộ phận khách du lịch Việt khi ra nước ngoài. Ngày càng có nhiều người Việt lựa chọn đi du lịch nước ngoài. Điều đó cho thấy những tín hiệu đáng mừng về mặt kinh tế, thu nhập, mức sống của người dân không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, điều đáng buồn là không ít người Việt lại "bê" nguyên những thói xấu của mình như chen hàng, giành chỗ khi tới các đất nước văn minh, đi ngược với văn hóa ứng xử của người bản địa, tạo nên những ấn tượng xấu về hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè thế giới.
Cảm thấy xấu hổ với những hành động thiếu ý thức của người Việt khi đi du lịch nước ngoài, bạn đọc Dungnd bình luận: "Ra nước ngoài, người ta không quan tâm bạn tên gì, họ Nguyễn , Vũ, Lý hay Trần... Họ chỉ biết bạn là người Việt Nam. Đó cũng là lý do vì sao rất nhiều nơi ở Nhật Bản luôn đặt một bảng thông báo bằng tiếng Việt để nhắc nhở riêng về ý thức, văn hóa ứng xử nơi công cộng. Với tôi, đó là một thực trạng đáng buồn và xấu hổ. Các công ty lữ hành có lẽ cần được quán triệt hơn về vấn đề này để hình ảnh con người, đất nước Việt Nam không bị xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế".
>> Hai thái độ của nhân viên siêu thị ở Việt Nam và Mỹ khi tôi bị chen hàng
Độc giả Do Phuong bình luận: "Có lần tôi đi xe buýt ở Malaysia, trong khi mọi người trên xe rất trật tự, bình tĩnh xếp hàng mỗi khi lên hoặc xuống xe, thì có một người Việt thản nhiên chen lấn, tranh giành. Lần khác, tôi đi máy bay cũng thấy một số người Việt nháo nhào khi máy bay chưa dừng hẳn, như thể họ sợ nếu không giành chỗ xuống trước thì sẽ bị bỏ lại hay sao vậy".
Nói về thói xấu chen lấn, giành giật của nhiều người Việt, bạn đọc Bình Luận nhấn mạnh: "Chẳng cần ra nước ngoài, ngay cả ở trong nước, họ còn chen ngang ầm ầm nữa là. Từ già tới trẻ, cứ ai động đến là họ 'quát thượng quát hạ' hoặc chống chế 'đã ai mua tranh đâu mà lo'. Nói chung, một bộ phận dân ta chỉ ý thức ở những nơi họ cho là sang chảnh như quán cà phê hay nhà hàng thôi, còn đến siêu thị, bệnh viện hay các quán ăn bình dân, thì họ mặc định mình là nhất, mình bỏ tiền ra thì mình có quyền chen ngang, chủ quán hay nhân viên mà nhắc là cho lên mạng bóc phốt hay đánh giá một sao luôn".
Kêu gọi thay đổi trong văn hóa ứng xử của người Việt, độc giả Nguyenminh kết lại: "Tôi hay đi du lịch nước ngoài, thay vì trong nước cũng vì không thích thói xô bồ, chen lấn của nhiều người Việt, Tiếc rằng, không ít người xem chuyện chen lấn, giành giật là thói quen khó bỏ".
VietBF@sưu tập
|