Vừa qua, tại chương trình Kịch và Nghệ, NSƯT Phương Hồng Thủy đã chia sẻ kỷ niệm với cố NSND Phùng Há, huyền thoại được gọi là Tổ nghề sống của cải lương và sân khấu Nam Bộ.
Cô nói: “Ngày xưa tôi đi học ở trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là trường Sân khấu Điện ảnh), được cô bảy Phùng Há dạy. Lúc đó tôi mới 15, 16 tuổi, mặt bầu bĩnh, tròn xoe, hai má toàn thịt phúng phính.
Có lần diễn tập để chuẩn bị đi thi, tôi lên bục diễn mà cứ đưa cái má phúng phính ra trước. Cô Phùng Há thấy thế liền lên lấy tay tát bộp vào mặt tôi và bảo: Con lên diễn mà cứ đưa cái gò má ra thì người ta đâu có nhìn thấy con diễn cái gì. Khi diễn phải đưa 2/3 khuôn mặt về phía trước cho người ta còn thấy mình diễn ra sao.
Đó là cái tát tay đầu tiên cô Phùng Há dạy tôi. Sau đó, cô kêu tôi về nhà cô dạy riêng. Thanh Thanh Tâm thì kêu cô Phùng Há là bà nội nên cô thương Thanh Thanh Tâm lắm.
Cô Phùng Há dạy rất kỹ, mỗi khi dạy là ngồi nghiêm nghị nhìn chúng tôi diễn, ngồi rất thẳng, ngay ngắn, có thần thái. Tôi được học nhiều từ cô bảy Phùng Há và cô hai Kim Cúc. Đó là may mắn của tôi vì được học cả hai nghệ sĩ gạo cội này.
Tôi học khóa chuyển tiếp từ trường Quốc gia Âm nhạc sang trường Nghệ thuật Sân khấu 2, không phải khóa 1, khóa 2 nên cứ lưng lửng, tới giờ tôi vẫn không có bằng cấp nào. Lúc đi học, tôi được các anh chị cưng lắm vì má quả bầu phúng phính, cứ ngáo ngơ”.
Tiếp đó, Phương Hồng Thủy chia sẻ về cố nghệ sĩ Út Bạch Lan: “Tôi đi học trong trường được cô Phùng Há dạy, còn ra trường đời thì được má Út Bạch Lan dạy.
Má Út Bạch Lan dạy tôi từng câu ca, luyến láy ra sao. Giọng tôi nặng, không đúng chất miền Tây nhưng được má dạy hát nên mềm mại hơn.
Càng về sau mọi người càng nói tôi hát giống má Út Bạch Lan vì tôi được má dạy cả ca hát lẫn đường đạo, dạy cách đối nhân xử thế.
Tôi vẫn nhớ má Út Bạch Lan dạy tôi: Trong mọi chuyện, con cứ đứng về phía sau, không phải người khác không thấy mà họ sẽ luôn thấy con ở đó. Con cứ nhẫn nhịn, lùi về sau thì mũi tên có bắn vào con cũng không đâm sâu như người khác”.
VietBF@ Sưu tập