Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chất béo bão hòa là một trong những nguyên nhân làm tăng nồng độ cholesterol LDL (cholesterol xấu) trong máu. Khi mức LDL cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cũng gia tăng.
Chất béo bão hòa thường tồn tại ở thể rắn ở nhiệt độ phòng, vì vậy đôi khi còn được gọi là "chất béo rắn". Chúng có mặt trong nhiều thực phẩm, bao gồm một số loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn; gia cầm, các sản phẩm từ sữa, dầu thực vật nhiệt đới như dầu dừa, dầu cọ, dầu hạt cọ...
Hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, do chúng có thể làm tăng cholesterol LDL - yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch và đột quỵ. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
AHA khuyến nghị lượng chất béo bão hòa nên chiếm không quá 5-6% tổng lượng calo hàng ngày. Ví dụ, với một chế độ ăn 2.000 calo/ngày, chỉ nên tiêu thụ tối đa khoảng 13 gram chất béo bão hòa.
Việc thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa có thể giúp giảm nồng độ cholesterol xấu và chất béo trung tính, đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần. Để bảo vệ sức khỏe, khi lựa chọn thực phẩm người bệnh nên ưu tiên:
- Ăn cá nhiều hơn
Người bệnh nên ăn ít nhất khoảng 200-300 gram cá không chiên mỗi tuần. Chọn cá béo hoặc nhiều dầu như: cá cơm, cá trích, cá thu, cá tuyết đen, cá hồi, cá mòi, cá ngừ vây xanh, cá trắng, cá vược sọc và cá bớp có nhiều axit béo omega-3 thiết yếu..
- Ăn các loại hạt nhiều hơn
Mỗi ngày, người bệnh mỡ máu nên ăn một nắm nhỏ các loại hạt không ướp muối để bổ sung chất béo tốt, năng lượng, protein và chất xơ. Các lựa chọn phù hợp là hạnh nhân, hạt điều, hạt macca, quả phỉ, đậu phộng, quả hồ trăn, hạt bí ngô, hạt hướng dương và quả óc chó.
- Sử dụng thêm quả bơ
Nên thêm bơ vào chế độ ăn hàng ngày để bổ sung chất béo tốt, chất xơ, các vitamin và khoáng chất cần thiết.
- Lựa chọn loại dầu ăn phù hợp
Nên sử dụng dầu ăn ít chất béo bão hòa hơn, chẳng hạn dầu từ bơ, hạt cải, ngô, hạt nho, ô liu, đậu phộng, cây rum, mè, đậu nành và hướng dương.
- Sử dụng các sản phẩm từ sữa không béo và ít béo
Thay vì sử dụng các sản phẩm toàn chất béo, người bệnh nên thay thế bằng các loại sữa không béo hoặc ít béo để hạn chế gây hại cho sức khỏe. Đối với những người ăn thịt hoặc gia cầm, hãy chọn những loại nhiều nạc nhất.
|