Tổng Thống Donald Trump yêu cầu các viên chức chính phủ ưu tiên cho dân Nam Phi gốc Âu tái định cư bằng chương trình tỵ nạn do Hoa Kỳ khởi xướng, vốn bị ông đình chỉ trong ngày đầu tiên nhậm chức.
Trong một sắc lệnh hành pháp, Trump tố cáo chính phủ Nam Phi kỳ thị dân Afrikaner, một sắc tộc tại Nam Phi trong đó có con cháu của thực dân Âu Châu phần lớn có nguồn gốc từ Hòa Lan, họ là những người đầu tiên có mặt tại Nam Phi vào những năm 1600.
Mãi cho tới những năm 1990, dân Nam Phi da trắng gốc Âu nắm quyền cai trị Nam Phi, thực thi chế độ kỳ thị chủng tộc tàn bạo tại một quốc gia có phần đông là dân da đen.
Nhưng trong sắc lệnh hành pháp do Tổng Thống Trump ban hành, ông cáo buộc rằng dân Nam Phi da trắng đang bị chính phủ đàn áp bằng cách dẫn lời các viên chức bảo thủ tại Hoa Kỳ chẳng hạn như Elon Musk, cố vấn của Trump kiêm tỷ phú kỹ nghệ, nói rằng chính phủ Nam Phi ban hành một đạo luật cho phép tịch thu đất đai do dân Nam Phi da trắng sở hữu vì tình trạng kỳ thị chủng tộc. Musk sinh ra tại Nam Phi.
Chính phủ Nam Phi cực lực chối bỏ tất cả hành vi tịch thu đất đai hoặc kỳ thị dính líu tới chủng tộc, nói rằng chính phủ đang suy xét thực thi luật định tại những vùng đất đang bỏ trống hoặc không phục vụ cho lợi ích cộng đồng.
Trong sắc lệnh hành pháp, Trump yêu cầu Ngoại Trưởng Marco Rubio và Bộ Trưởng Nội An Kristi Noem “ưu tiên cứu trợ nhân đạo, trong đó có cả kế hoạch đón nhận và giúp dân Afrikaner ở Nam Phi là nạn nhân của tình trạng kỳ thị bất công được tái định cư thông qua Chương Trình Đón Nhận Dân Tỵ Nạn Tại Hoa Kỳ USRAP.”
Chưa rõ kế hoạch đó sẽ được ban hành theo cách nào và chừng nào thì khởi sự, do Tổng Thống Trump đang ban hành chính sách ngăn chặn làn sóng tỵ nạn.
Trong một sắc lệnh hành pháp ban hành hôm 20 Tháng Giêng, tổng thống lập luận rằng dân tỵ nạn là gánh nặng ảnh hưởng tới các cộng đồng đón nhận họ và cho biết ông chỉ khởi động lại chương trình tỵ nạn khi có kết luận rằng chính sách đón nhận dân tỵ nạn sẽ phục vụ cho lợi ích Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sắc lệnh do Trump ban hành lại cho phép các viên chức miễn trừ lệnh ngăn chặn làn sóng tỵ nạn trong một số trường hợp nhất định.
USRAP được vạch ra nhằm giúp đỡ các cư dân ngoại quốc đào tỵ khỏi tình trạng đàn áp liên quan tới chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các yếu tố khác, có nơi trú ẩn an toàn. Thông thường, dân tỵ nạn được các viên chức Liên Hiệp Quốc giới thiệu di cư tới Hoa Kỳ và phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm cư trú tại các quốc gia thứ ba để phỏng vấn, cũng như kiểm tra an ninh và y tế trước khi được phép thông hành vào Hoa Kỳ.
Theo truyền thống, phần lớn dân tỵ nạn được phép thông hành vào Hoa Kỳ nhờ USRAP đều đến từ các quốc gia Phi Châu và Á Châu đang chịu nạn chiến tranh, xung đột sắc tộc hoặc đàn áp các nhóm thiểu số.
Chừng nào Nam Phi vẫn còn giữ nguyên luật cải tổ đất đai, chừng đó Hoa Kỳ vẫn áp dụng sắc lệnh do Tổng Thống Trump ban hành nhằm cắt đứt tất cả nguồn viện trợ hoặc hỗ trợ cho quốc gia này. Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan tới PEPFAR, chương trình ứng phó với căn bệnh AIDS do Hoa Kỳ đề ra nhằm hỗ trợ phương pháp điều trị HIV cho hàng triệu người trưởng thành và hàng trăm ngàn trẻ em, trong đó có nhiều trẻ em sinh sống tại các quốc gia Phi Châu.
Chính quyền Trump ra lệnh đóng băng tất cả nguồn viện trợ ngoại quốc gồm có các nguồn tài lực về y tế và nhân đạo quốc tế. Cuối tuần trước, Ngoại Trưởng Marco Rubio ban hành lệnh miễn trừ, cho phép PEPFAR và một số chương trình khác được tiếp tục, nhưng vẫn còn tình trạng chậm trễ trong kế hoạch phân bổ nguồn viện trợ.
Ngoài các cáo buộc kỳ thị chủng tộc, Tổng Thống Trump cũng cho biết Nam Phi có “lập trường hung hăng chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh,” trích dẫn một vụ kiện mà Nam Phi từng đệ trình lên Tòa Án Công Lý Quốc Tế ICJ tố cáo Israel nhúng tay vào một cuộc diệt chủng chống lại dân Palestine.