Nhiều địa phương ở Trung Quốc kêu gọi quan chức tận dụng chatbot AI DeepSeek để giúp đưa ra quyết định trong công việc.
Zhengzhou Daily, tờ báo của chính quyền thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam ở Trung Quốc, cuối tuần trước dẫn lời Bí thư thành ủy An Wei kêu gọi các quan chức cấp cao địa phương "nghiên cứu sâu sắc và nắm vững cách sử dụng mô hình AI như DeepSeek, tận dụng tối đa AI để hỗ trợ ra quyết định, đánh giá và xử lý vấn đề".
Cơ quan nghiên cứu chính trị địa phương cũng phát sổ tay đào tạo cho cán bộ, trong đó nêu rõ AI có thể đóng vai trò như "cố vấn và trợ lý phục vụ quá trình ra quyết định một cách khoa học".

Logo ứng dụng DeepSeek hiển thị trên màn hình điện thoại ở Ba Lan ngày 17/2. Ảnh: Reuters
Các cán bộ ở thành phố Lai Tân, tỉnh Quảng Tây, ngày 18/2 cũng nhận thông báo khuyến khích "chủ động tiếp thu, học hỏi các công nghệ mới" và "áp dụng AI để hỗ trợ ra quyết định, phân tích và xử lý vấn đề".
Cơ quan ngôn luận của thành ủy Phật Sơn, thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, cùng ngày khẳng định DeepSeek có thể "hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của chính quyền" sau khi được tích hợp vào hệ thống dịch vụ trực tuyến công địa phương.
Chính quyền một số địa phương khác ở Trung Quốc cũng triển khai các dịch vụ trực tuyến ứng dụng DeepSeek, trong khi giới chức đang tìm hiểu thêm những phương án sử dụng tiềm năng.
Công ty khởi nghiệp Trung Quốc DeepSeek ngày 20/1 công bố mô hình V3 miễn phí và R1 "được đào tạo trên chip kém tiên tiến của Nvidia, mã nguồn mở 100%, rẻ hơn 96,4% so với OpenAI o1 trong khi mang lại hiệu suất tương tự". Điều này đã gây ra sự hoảng loạn trong các công ty công nghệ Mỹ và thị trường chứng khoán.
Thành quả của startup Trung Quốc được nhiều công ty về AI lớn như Microsoft, OpenAI và Nvidia đánh giá cao. Tuy nhiên, họ cũng gây nhiều tranh cãi như số tiền phát triển thực tế có thể lên tới 1,6 tỷ USD thay vì 6 triệu USD như công bố, sử dụng kiến thức từ các mô hình đi trước hay nguy cơ mất an toàn thông tin.
Chính phủ Trung Quốc từ năm ngoái đề xuất ứng dụng công nghệ trong "các thành phố thông minh", khái niệm được Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh. Ngoài AI, giới chức Trung Quốc còn tập trung vào các công nghệ khác trong những ngành công nghiệp mới nổi và tương lai.