
(Minh họa)
Những sự chuyển động bất ngờ của chính phủ Donald Trump trong tuần vừa qua đã báo hiệu cho thấy có một sự chuyển hướng nguy hiểm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đe dọa làm sụp đổ trật tự thế giới từng dựa trên công pháp quốc tế và đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng sinh tử đầy hổn loạn.
Tình huống hiện nay lại nhắc nhớ cho người ta chợt nhớ đến đêm trước khi bùng nổ ra Đệ nhị Thế chiến và lời cảnh tỉnh
"Hỡi nhân loại hãy nên cảnh giác!" của nhà văn Julius Fucik (1903-1943) người Tiệp Khắc, tác giả cuốn sách
"Viết Dưới Giá Treo Cổ".
***
Nay đã đúng một tháng kể từ ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 và trong một tháng qua, đường lối đối ngoại của Mỹ đã quay ngoắt 180 độ so với trước đây. Có thể tóm tắt sự thay đổi đó là sự gây hấn với các quốc gia đồng minh và nhân nhượng các đối thủ lâu đời. Xa hơn, có thể nói Hoa Kỳ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới tự do, đặt một chân vào khối các chính thể chuyên chế độc tài quân sự, độc đảng hiện nay.
Thế giới đã tỏ ra thật kinh ngạc khi thấy ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ 2, ông Trump quyết cho đánh thuế nhập cảng (tariff) lên 25% với Canada và Mexico, hai quốc gia láng giềng và thân thiện đã cùng Hoa Kỳ xây dựng khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ theo hiệp định
USMCA được ký kết trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Ông Trump dọa sử dụng áp lực kinh tế để biến Canada, một thành viên của nhóm 7 nước kỹ nghệ phát triển G7, trở thành tiểu bang thứ 51 của nước Mỹ. Sau đó, ông Trump thông báo ý đồ thâu tóm đảo Greenland của Đan Mạch, giành lại Kênh Đào Panama, chiếm Dải Gaza của Palestine, những sự toan tính chỉ thấy trong ý tưởng hoang đường của các chính thể độc tài Nga và TQ.
Nhưng kinh hoàng nhất là cuộc đảo ngược chính sách của Mỹ về cuộc chiến ở Ukraine, về mối bang giao với nước Nga chuyên chế của ông Vladimir Putin và với Liên Âu (EU), khối đồng minh thân thiết nhất của Mỹ hơn 70 năm qua.
Với Ukraine, hồi tuần trước ông Pete Hegseth, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, nói thẳng, để chấm dứt cuộc chiến, Ukraine phải đầu hàng kẻ xâm lược, từ bỏ chủ quyền các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, từ bỏ kế hoạch bảo vệ an ninh trong tương lai trước dã tâm thôn tính của Moscow.
Tuần này, ông Trump đích thân
"viết lại lịch sử" khi tuyên bố, chính Ukraine mới là thủ phạm gây chiến và xâm lược lãnh thổ có chủ quyền của Nga. Dựa vào những thông tin hoàn toàn sai sự thật, ông ta cho rằng, ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, là một kẻ độc tài, chỉ được 4% dân chúng ủng hộ nên không dám tổ chức bầu cử, do đó đang cầm quyền bất hợp pháp…
Ông Trump lặp lại như con vẹt những luận điệu của bộ máy tuyên truyền của Điện Kremlin đã bị thế giới Tây phương thẳng thừng bác bỏ nhằm biện hộ cho quyết định bỏ rơi Ukraine. Ông Trump có thể tiếp tục hoặc chấm dứt viện trợ cho Ukraine, điều đó nằm trong thẩm quyền của tổng thống Mỹ, nhưng lớn tiếng vu cáo một nguyên thủ quốc gia đồng minh bằng những thông tin bịa đặt thì quả thật không xứng đáng. Nhiều người đã lo ngại lại sự tái diễn chuyện Mỹ
"quay đầu", "bỏ rơi đồng minh" giống như chuyện xảy ra với Việt Nam Cộng Hòa và Afghanistan trước đây.
Với Nga, sự nhượng bộ của chính phủ Trump lại càng khó hiểu. Qua cuộc điện đàm 90 phút với ông Putin, ông Trump đã mặc nhiên chấm dứt chiến dịch cô lập Moscow mà Tây phương đã cho áp đặt từ ngày Nga xua quân xâm lược Ukraine.
Ngay sau cuộc điện đàm, phái đoàn ngoại giao cao cấp của Mỹ đã bay sang Saudi Arabia đàm phán với những người đồng cấp Nga như những đối tác bình đẳng. Hai bên cũng đàm phán về việc bãi bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế Nga, khôi phục hoàn toàn bang giao giữa hai nước, trao đổi các chuyến thăm viếng cao cấp nhất. Ông Trump thậm chí còn đề nghị cho tái kết nạp Nga vào nhóm các nước kỹ nghệ phát triển (G7) và
phản đối bản tuyên bố chung của nhóm G7 gọi Nga là "kẻ xâm lược" (aggressor).
Với EU, sự căng thẳng giữa đôi bên đã bộc lộ rõ ràng tại Hội nghị An ninh Quốc tế thường niên ở Munich, Đức. Đại diện Mỹ, Bộ trưởng Pete Hegseth đưa ra thông điệp rõ ràng Mỹ sẽ không còn
"tập trung chủ yếu vào an ninh của Âu Châu và Mỹ đang cân nhắc rút một phần lớn quân đội đang đồn trú ở châu lục này".
Trong lúc ông Trump liên tục đưa ra những thông tin sai sự thật rằng
Mỹ viện trợ cho Ukraine nhiều hơn EU đến 200 tỷ USD [thực tế số tiền viện trợ Ukraine của Mỹ thấp hơn nhiều so với EU] và
một nửa số viện trợ đó đã bị "thất thoát" [thực tế hơn 60% số tiền viện trợ được đổ vào ngành kỹ nghệ quốc phòng Mỹ] thì ông JD Vance, phó Tổng thống Mỹ, còn nhân hội nghị này để
"lên lớp" cho các vị nguyên thủ quốc gia Âu châu về các giá trị dân chủ, gây ra phản ứng chống đối mạnh mẽ ở nơi được coi là cái nôi của thể chế dân chủ cộng hòa.
Không ai muốn thấy một sự rạn nứt trong mối giao dịch giữa hai bờ Đại Tây Dương hơn là những kẻ độc tài Vladimir Putin của Nga và Tập Cận Bình của TQ – những kẻ đang rắp tâm phá hoại cái trật tự quốc tế dựa trên công pháp quốc tế, thay vào đó là cái trật tự gọi là
"lẽ phải thuộc về kẻ mạnh", cho phép các cường quốc chuyên chế được quyền xâm chiếm và áp đặt ý đồ đen tối của mình lên các dân tộc nhược tiểu.
***
Do đâu mà ông Trump lại
"xoay trục" sang cầu hòa với ông Putin? Những người ủng hộ ông nói rằng, ông Trump chủ trương một nền ngoại giao dựa trên sức mạnh thay cho ngoại giao thiện chí của các chính phủ tiền nhiệm. Có thật như vậy không? Có thật chính sách đối ngoại của chính phủ Trump sẽ làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại?
Cốt lõi tạo nên sức mạnh Mỹ không phải là nền kinh tế có tổng sản lượng GDP lớn nhất trên thế giới, chớ không phải là đội quân thiện chiến được trang bị những vũ khí tối tân nhất, mà là ở thể chế dân chủ tự do, tôn trọng pháp quyền được minh định trong Hiến Pháp, ở các liên minh quân sự và kinh tế mà nước Mỹ thiết lập khắp địa cầu tạo cho Mỹ một vị thế lãnh đạo tự nhiên của thế giới. Nga và TQ rất thèm muốn mà không bao giờ thiết lập được một mạng lưới liên minh tốt đẹp như Mỹ.
Gần đây trong cuộc chiến giữa Nga-Ukraine, các nhà nước chuyên chế TQ, Nga, Iran và Bắc Hàn đã tập hợp lại thành một liên minh, gọi tắt là
CRINK, để hỗ trợ cuộc xâm lược của Moscow về kỹ thuật, vũ khí và cả binh lính đánh thuê nữa. Nhưng
CRINK không có cửa nếu đem so sánh với NATO và gần 50 quốc gia ủng hộ Ukraine theo lời hiệu triệu của Mỹ.
Cũng nên để ý rằng, Mỹ viện trợ cho Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga không phải là một hành động từ thiện xuất phát từ lòng tốt. Mỹ cùng với Anh và Nga, đã từng ký kết Bản Ghi Nhớ Budapest hồi năm 1995, cam kết bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine đổi lấy việc nước này thực hiện giải trừ vũ khí nguyên tử.
Khi Nga bội ước, xé bỏ Bản Ghi Nhớ Budapest và tấn công Ukraine thì Mỹ và Anh có trách nhiệm và bổn phận phải chống lại. Thêm nữa, hành động xâm lược của Nga vi phạm trầm trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, trong đó quy định mọi hành động xâm lược, sử dụng vũ lực để lấn chiếm đất đai của nước khác đều phải bị ngăn chặn. Các nước đồng minh chung sức với Mỹ hỗ trợ Ukraine là đi theo ngọn cờ chính nghĩa đó.
Bây giờ khi quay lưng với đồng minh và thân thiện với Putin, tên tội phạm khát máu đang bị Tòa Hình Sự Quốc Tế truy nã, chính phủ Trump đang làm suy sụp sức mạnh mà các chính phủ tiền nhiệm đã bỏ ra rất nhiều thập niên để xây dựng. Sẽ không có nước nào dám làm bạn với Mỹ nữa.
"Danh tiếng về mức độ tin cậy và tính dự đoán được của Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng", ông Richard Haas, chủ tịch danh dự của Hội Đồng Bang giao Đối Ngoại (
CFR), cựu giới chức cao cấp của nhiều chính phủ Cộng Hòa, đã nói với báo
The Wall Street Journal (WSJ), tờ báo bảo thủ hàng đầu của Mỹ.
Cũng trên
WSJ, ông Chuck Hagel, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa chuyển sang làm Bộ trưởng Quốc Phòng trong chính phủ Barack Obama, than thở:
"Những gì đang xảy ra là một thách thức nghiêm trọng đối với nền tảng của trật tự thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến. Tôi chưa bao giờ cảm thấy lo lắng về tương lai của nước Mỹ và thế giới như bây giờ".
***
Có thể ông Trump và bộ sậu an ninh quốc gia của ông nghĩ rằng, nhượng bộ Nga, ép buộc Ukraine là cách tốt nhất lấy lòng Putin, để ông ta ký kết một hiệp định hòa bình, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài đã ba năm, gây ra núi xương sông máu cho cả hai phía. Nhưng nếu nghĩ như vậy là chưa hiểu ra bản chất của các kẻ độc tài gian ác tham lam như Putin.
Moscow sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng xóa sổ quốc gia Ukraine độc lập, thậm chí còn đe dọa tấn công các thủ đô Âu Châu nếu EU dám cản trở ý đồ đen tối của họ. Sự hòa hoãn của Mỹ sẽ không làm cho Putin biết điều hơn mà ngược lại sẽ thôi thúc ông ta phiêu lưu hơn nữa khi biết chắc Mỹ sẽ khoanh tay không can thiệp theo đường lối của ông Trump vạch ra.
Ukraine chắc chắn sẽ tiếp tục chiến đấu dù chỉ còn dựa vào sự hỗ trợ của EU. Nhưng bản thân khối EU đang gặp nhiều thách thức trong nội bộ về cả chính trị lẫn quân sự và nhiều năm nữa EU mới có thể thay thế phần nào vai trò của Mỹ trong việc bảo vệ Ukraine, bảo vệ an ninh của chính EU. Cuộc
"xoay trục" của Mỹ rõ ràng là một cơ hội ngàn năm chỉ có một cho Moscow. Thật đáng sợ khi nghĩ đến một ngày các cường quốc độc tài chuyên chế như Nga được tự do hành xử theo cách côn đồ, bất chấp đạo lý và pháp lý.
Cách đây 87 năm, Anh, Pháp và Ý đã ký kết với Đức Quốc Xã hiệp ước Munich năm 1938, cho phép Đức sáp nhập vùng Sudetenland của Tiệp Khắc với hi vọng sự nhượng bộ đó sẽ thỏa mãn tham vọng của Adolf Hitler và tránh một cuộc chiến tranh thảm khốc.
Anh, Pháp và Ý còn cam kết sẽ bảo đảm đường biên giới mới của Tiệp Khắc. Nhưng đó là một sai lầm lịch sử: Hiệp ước chưa có ráo mực thì Đức Quốc Xã đã tấn công và thâu tóm toàn bộ Tiệp Khắc vào tháng Ba, 1939, mở màn ra Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945). Sự nhượng bộ của Mỹ ngày nay sẽ không làm thỏa mãn tham vọng lãnh thổ của Putin như hiệp ước Munich với Hitler năm xưa.
Sau khi mất nước vào tay Đức Quốc Xã, nhà văn trẻ Tiệp Khắc
Julius Fucik (1903-1943) gia nhập hàng ngũ kháng chiến, bị bắt, bị tù rồi bị hành quyết. Trong tù, ông đã viết tác phẩm bất hủ
"Viết Dưới Giá Treo Cổ" (Reportáž psaná na oprátce), tố cáo về sự tàn bạo của chế độ phát xít và niềm tin vào tương lai tươi sáng của nhân loại. Tác phẩm kết thúc với lời kêu gọi
"Hỡi nhân loại hãy nên cảnh giác!" không chỉ là hồi chuông báo động tại thời điểm lịch sử đó mà còn vang vọng đến hôm nay.