Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk chỉ đạo đang đẩy mạnh việc cho cắt giảm nguồn nhân sự liên bang qua AI nhằm tối ưu hóa hiệu quả và giảm mức chi tiêu, nhưng cũng gây ra mối lo ngại lớn về sự minh bạch và tác động tốt xấu đến nền hành chính.
DOGE đặt ra mục tiêu cho cắt giảm ít nhất là 10% trong tổng số các công chức liên bang, tương đương với hơn 40,000 nhân sự, thông qua việc khuyến khích xin nghỉ việc có trợ cấp cũng như áp dụng các công cụ AI để xác định các vị trí không thiết yếu. Các cơ quan có quy mô nhân sự lớn như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nằm trong diện rà soát cắt giảm, trong khi nhiều cơ quan khác cũng đang được đánh giá để tối ưu hóa nguồn nhân lực.
Một trong những công cụ trọng tâm được triển khai là AutoRIF (Automated Reduction in Force-tự động hóa cắt giảm biên chế), một ứng dụng AI có khả năng phân tích số liệu về nhân sự, đánh giá hiệu quả công việc và đề xuất cắt giảm dựa trên các tiêu chuẩn đã định sẵn. Được nghiên cứu và phát minh từ Bộ Quốc phòng, phần mềm này hiện đang được DOGE đem ra áp dụng và điều chỉnh lại để phục vụ cho quá trình cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô rộng lớn.
Chính phủ Tổng thống Donald Trump và Elon Musk tin rằng việc áp dụng AI sẽ giúp loại bỏ ra những khâu trung gian, đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc và tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách của liên bang. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của chiến lược này vẫn là một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt khi xét đến những rủi ro về vận hành và tác động dài hạn đối với nền hành chính công cộng.
Việc cho sử dụng AI để thay thế nhân sự liên bang đặt ra nhiều thách thức cả về mặt kỹ thuật lẫn quản trị. Một trong những lo ngại lớn nhất là sự công bằng và minh bạch trong các quyết định cho cắt giảm nhân sự. Các thuật toán AI, dù được lập trình cẩn thận, vẫn có nguy cơ thiên lệch hoặc đưa ra những đánh giá không phản ánh đầy đủ vai trò thực tế của nhân viên trong tổ chức lơn như chính phủ. Điều này có thể dẫn đến những quyết định sai lầm, không chính xác, gây ra tổn hại đến hiệu quả vận hành của các cơ quan trong chính phủ.
Ngoài ra, việc cắt giảm nhân sự quá nhanh và quá nhiều có thể sẽ làm suy giảm chất lượng dịch vụ công cộng, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, tài chính và an sinh xã hội. Nhiều chức năng quan trọng của Chính phủ đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của con người để bảo đảm sự linh động và khả năng giải quyết cụ thể các tình huống phức tạp, điều mà AI chưa có thể thay thế hoàn toàn được.
Một vấn đề khác là rủi ro về quyền riêng tư cá nhân và an ninh bảo mật tư liệu. Khi AI tiếp nhận ngày càng nhiều vai trò trong quản trị hành chính, nguy cơ bị rò rỉ thông tin, sử dụng số liệu sai mục đích hoặc bị thao túng bởi các nhóm lợi ích sẽ gia tăng. Việc thiếu cơ chế giám sát phù hợp có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của công chúng vào guồng máy của chính phủ.
Việc DOGE đẩy mạnh áp dụng AI vào công việc quản trị hành chính có thể định hình một mô hình Chính phủ mới với guồng máy tinh gọn hơn, nhưng cũng đặt ra nguy cơ làm suy yếu các cơ chế nhằm kiểm soát sự lạm quyền. Khi AI đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng, Chính phủ có thể dễ dàng cho triển khai các chính sách mà không cần sự phản hồi và giám sát chặt chẽ từ hệ thống nhân sự chuyên trách.
Bên cạnh đó, việc thay thế con người bằng AI có thể làm suy giảm tinh thần làm việc và sự gắn kết trong bộ máy hành chính hiện hành. Các công chức, trước nguy cơ bị thay thế, có thể đánh mất động lực cống hiến, dẫn đến sự trì trệ trong công việc được giao phó. Hơn nữa, nếu không có lộ trình rõ ràng về việc đào tạo và tái cơ cấu nhân sự, chính sách cắt giảm này có thể gây ra nhiều sự bất ổn tâm lý xã hội, đặc biệt khi một số lượng lớn nhân sự bị đẩy ra khỏi lĩnh vực công cộng mà không có cơ hội tái thích nghi với thị trường làm việc.
Không thể phủ nhận rằng, AI là xu hướng tất yếu trong công việc quản trị hiện đại, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu năng làm việc. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào bộ máy hành chính cần được thực hiện một cách có trách nhiệm, với sự cân nhắc kỹ lưỡng về các tác động kinh tế-xã hội và những thách thức lớn về mặt đạo đức.
Giáo sư Bruce Schneier, chuyên gia về an ninh mạng, thẳng thắn gọi kế hoạch này là "chủ nghĩa kỹ nghệ phát xít do chatbot", bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng, AI không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong cơ chế quản trị chính phủ. Đồng với quan điểm này, giáo sư Don Moynihan từ Đại học ở Michigan nhấn mạnh việc thiếu sự giám sát từ Quốc hội có thể dẫn đến những quyết định thiếu tính toán, nhất là khi đội ngũ của Musk đang nắm toàn quyền truy cập vào nguồn số liệu nhạy cảm của hàng trăm triệu người Mỹ mà không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nào cả.
Trong lĩnh vực tài chính, bà Nina Olson, Giám đốc Trung tâm Quyền lợi Người nộp thuế, cảnh cáo rằng, việc thay thế nhân sự bằng AI sẽ không chỉ khiến cho bộ máy vận hành kém hiệu quả mà còn gây ra "nạn chảy máu chất xám" tại các cơ quan trong chính phủ như Sở Thuế vụ.
Trước những mối lo ngại này, các chuyên gia kêu gọi chính phủ cần có một sách lược thận trọng hơn, kết hợp giữa đổi mới kỹ thuật và trách nhiệm giải trình, nhằm bảo đảm AI thực sự phục vụ vì lợi ích chung thay vì làm suy yếu bộ máy hành chính của liên bang.
|