Theo như có các biện pháp thuế quan áp thêm thuế nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới của tổng thống còn có thể khiến lạm phát tăng cao, bòn rút hầu bao của dân Mỹ. Vậy phải chăng đây là một tính toán sai lầm của Donald Trump?, sau khi mới đây quyết định tăng thuế xe hơi thêm 25% của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bãi xe tại nhà máy Ford Hermosillo, tại Hermosillo, Sonora, Mêhicô, ngày 26/03/2025. REUTERS - Santiago Fontes
Ai được hưởng lợi sau đòn thuế quan của tổng thống Mỹ? Liệu quyết định này có thực sự là một tính toán sai lầm như nhiều kinh tế gia vẫn nhận định? Châu Âu liệu có thể tự bảo đảm an ninh cho Ukraina mà không cần có Hoa Kỳ? Nợ công tiếp tục đạt mức kỷ lục, Pháp có thể tái vũ trang? Đây là các câu hỏi lớn được báo chí Pháp số ra hôm nay 28/03/2025, quan tâm.
Nhật báo kinh tế Les Echos có bài giải thích chi tiết về quyết định tăng thuế xe hơi thêm 25% của ông Trump. Trong bài viết mang tên “Bảy câu hỏi về cơn địa chấn trong lĩnh vực xe hơi toàn cầu”, Les Echos phân tích rằng những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ sẽ là những nước bị tổn thương nghiêm trọng nhất bởi đòn thuế quan. Nếu mức thuế 25% được duy trì lâu dài, ngành công nghiệp ô tô của các quốc gia láng giềng lớn phía bắc và phía nam sẽ bị tàn phá.
Vậy ngược lại, ai sẽ là bên thắng cuộc trước đòn thuế quan này? Tờ báo nhận định Tesla sẽ được hưởng lợi nhiều nhất vì họ sản xuất các kiểu xe ngay trên đất Mỹ. Đứng trước câu hỏi rằng liệu quyết định này có phải để giúp hãng xe của Elon Musk cạnh tranh tốt hơn, tổng thống Trump đã giải thích khi công bố biện pháp gây sốc vào tối thứ Tư rằng Musk “chưa bao giờ yêu cầu tôi bất kỳ đặc quyền nào cho các hoạt động của mình”. Tuy nhiên hai tuần trước, Donald Trump đã “long trọng” mua một chiếc Tesla để hỗ trợ giá cổ phiếu của nhà sản xuất này.
Ngoài ra, tập đoàn Ford cũng có thể hưởng lợi từ quyết định này. Họ sản xuất 80% các mẫu xe của mình tại Mỹ, bao gồm cả mẫu xe bán tải nổi bật F-150. Cuối cùng, một số thương hiệu xa xỉ sẽ có thể đối mặt với cú sốc này tốt hơn những thương hiệu khác nhờ vào tính đàn hồi mạnh mẽ của giá cả. Ferrari đã thông báo vào thứ Năm rằng họ sẽ tăng giá tới 10% đối với một số kiểu xe của mình bán tại thị trường Mỹ.
Đứng trước tình hình hiện nay, liệu các tập đoàn xe hơi có nên tính đến việc chuyển dịch sản xuất sang đất Mỹ? Đó là một trong những mục tiêu mà Donald Trump đã công khai: thuế quan phải đóng góp vào việc tái công nghiệp hóa Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các biện pháp thuế quan này cần phải được áp dụng trong dài hạn, kể cả sau khi đã hết nhiệm kỳ bốn năm của tổng thống Trump. Đầu tư vào một nhà máy mới, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là thêm hoặc điều chỉnh một dây chuyền lắp ráp ô tô, đều cần có thời gian. Do vậy việc các doanh nghiệp xe hơi chịu đầu tư vào Mỹ chưa chắc đã có thể thành hiện thực trong một sớm một chiều.
Tăng thuế quan, có chắc là tính toán sai lầm của tổng thống Mỹ ?
Hơn nữa các biện pháp thuế quan này của tổng thống còn có thể khiến lạm phát tăng cao, bòn rút hầu bao của dân Mỹ. Vậy phải chăng đây là một tính toán sai lầm của Donald Trump? Tờ Libération dẫn phân tích của ông Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng để tìm ra động cơ thật sự đằng sau các quyết định thuế quan của Trump, cần phải tự hỏi liệu ông có một chương trình nghị sự nhằm thống trị thương mại, tài chính (với các loại tiền ảo), và địa chính trị hay không. Ông Lamy nhận định Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số một thế giới về kinh tế, công nghệ, và chiến lược, nhưng để duy trì vị trí này, quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên của nền kinh tế tương lai là rất quan trọng, bao gồm nước, khoáng sản và đất hiếm.
Trái ngược với điện, nước có thể lưu trữ được, nhưng việc vận chuyển lại rất khó khăn, điều này đòi hỏi phải kiểm soát nguồn tài nguyên, và đây là lý do tại sao câu chuyện về Canada cần được xem xét nghiêm túc. Tương tự, Groenland có tiềm năng tài nguyên phong phú còn Ukraina sở hữu nguồn đất hiếm dồi dào. Tóm lại, những biện pháp mạnh của tổng thống Mỹ có thể nhằm giúp Washington chiếm lợi thế trong các cuộc thương thảo về nhiều vấn đề khác. Cựu tổng giám đốc WTO kết luận ông Trump có nhiều cộng sự và họ hẳn đã suy tính về quyết định này từ lâu.
Trước tình hình đó, châu Âu nên làm gì? Ông Lamy cho rằng Liên Âu (EU) nên để cho Mỹ thấy bản thân sẵn sàng đàm phán với một “con dao” trong tay. Vì khác với Canada, Mêhicô hay Vương quốc Anh, châu Âu có đủ sức mạnh kinh tế để đáp trả các đòn thuế quan của Trump một cách hiệu quả. Thêm vào đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với châu Âu thấp hơn nhiều so với những gì mà người đứng đầu Nhà Trắng đã nói: thực tế, con số đó chỉ là 50 tỷ đô la nếu tính cả dịch vụ, thay vì 300 tỷ đô la như ông đã đề cập.