Eotephradactylus mcintireae mang cái tên gợi nhớ đến nữ thần bình minh Eos trong thần thoại Hy Lạp, nhưng lại là một con quái vật.
Bên trong một phiến đá ở Công viên Quốc gia Rừng hóa thạch ở bang Arizona - Mỹ, các nhà khoa học đã tìm thấy một loài dực long chưa từng được biết đến trước đây. Họ đặt danh pháp cho nó là Eotephradactylus mcintireae, tức "nữ thần bình minh cánh tro".
Trong đó, "Eotephradactylus" được ghép từ tên của nữ thần bình minh Eos trong thần thoại Hy Lạp, "tephra" nghĩa là "tro núi lửa" và "dactylus" nghĩa là "ngón tay" trong tiếng Hy Lạp, mà trong trường hợp này dùng để chỉ ngón cánh của dực long.

Chân dung "nữ thần bình minh có đôi cánh tro" 209 triệu tuổi ở Arizona - Ảnh: PNAS
Dực long - Pterosaurs, "thằn lằn bay", "thằn lằn ngón cánh" - là nhóm bò sát bay thống trị bầu trời trong thời đại khủng long.
Nhóm này đã sản sinh ra nhiều loài khổng lồ, một số có sải cánh dài tới 11 m. Nhưng những con dực long sơ khai nhất như Eotephradactylus mcintireae lại nhỏ bé hơn nhiều.
"Loài thằn lằn bay này có kích thước bằng một con mòng biển nhỏ và có thể đậu trên vai bạn" - nhà cổ sinh vật học Ben Kligman từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Smithsonian (Mỹ) nói với tờ Live Science.
Nghiên cứu do TS Kligman dẫn đầu, vừa được công bố trên tạp chí khoa học PNAS, cho biết "nữ thần bình minh cánh tro" là loài dực long cổ xưa nhất từng được tìm thấy ở Bắc Mỹ, với niên đại khoảng 209 triệu năm.
Đó cũng là lý do Eotephradactylus mcintireae mang tên của nữ thần bình minh: Nó đã ra đời ngay trong buổi bình minh của giống loài dực long.
VietBF@ sưu tập