Không giống Việt Nam, Trung Quốc và một số nước Châu Á mới, người Nhật đón năm mới - Oshogatsu - cùng với Phương Tây theo lịch dương nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống đặc trưng rất riêng trong văn hoá Nhật Bản. Các hoạt động chuẩn bị cho năm mới kéo dài từ giữa tháng 12 đến 3 ngày đầu năm mới. Hãy cùng Carnival Group đến và khám phá nước Nhật trong năm mới.
Trước giao thừa
Người Nhật chuẩn bị năm mới từ những ngày giữa tháng 12 bằng cách bắt đầu viết và gửi các bưu thiếp mừng năm mới cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Các tấm bưu thiếp thường dùng hình ảnh con giáp đại diện trong năm đó kèm những lời cảm ơn cho năm cũ, lời chúc trang trọng trong năm mới. Những tấm bưu thiếp thường được gửi đến trước khi kết thúc năm cũ nhưng cũng có thể kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng.
Người Nhật cũng có truyền thống dọn dẹp nhà cửa, công ty trước năm mới để xóa sạch những điều xui xẻo của năm cũ và sẵn sàng đón may mắn trong năm mới. Sau khi dọn dẹp, họ sẽ trang trí trước cửa nhà bằng kadomatsu – chậu cây thông và tre để đón Thần Toshigamisama với mong muốn vị thần này sẽ đem đến sự thịnh vượng, may mắn, trường thọ và hạnh phúc cho cả nhà
Kadomatsu – chậu cây thông và tre để đón Thần Toshigamisama trước cửa nhà
Đêm giao thừa
Đêm giao thừa là thời điểm người Nhật sum họp gia đình để cùng ăn tất niên và chờ đợi khoảnh khắc năm mới đến. Món ăn không thể thiếu trong bàn ăn của người Nhật trong đêm giao thừa là món Toshikoshi Soba - loại sợi mì dài và dai làm từ kiều mạch, gạo tượng trưng cho tuổi thọ, hạnh phúc sẽ kéo dài trong năm mới. Họ quây quần bên nhau trong bữa tối năm cũ và xem chương trình Houhaku Uta Gassen - đại hội tranh tài của các nghệ sỹ nổi tiếng Nhật Bản với 2 đội hồng và đội trắng cùng nhau biểu diễn để giành được chiếc cúp và lá cờ chiến thắng của hội đồng thẩm định. Đây là chương trình truyền thống, được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK. Bữa cơm ấm cùng sẽ kéo dài đến gần thời điểm giao thừa.
Thời khắc giao thừa
Vào đúng 0h đêm giao thừa, mọi người sẽ cùng chúc nhau những lời chúc năm mới hoà trong 108 hồi chuông được đánh khắp các ngôi chùa tại Nhật với ý nghĩa tiếng chuông sẽ xua đuổi 108 ham muốn trần trục khiến con người khổ sở. Một vài gia đình sẽ đến các chùa để cầu nguyện cho năm mới vào đúng thời điểm giao thừa nhưng cũng một vài gia đình nghỉ ngơi và sẽ đi lễ chùa đầu năm vào ngày hôm sau.
Viếng lễ chùa đầu năm tại Đền Asakusa
Những ngày đầu năm mới
Người Nhật có truyền thống thức dậy trước thời khắc mặt trời mọc để cùng nhau nhìn ngắm bình minh như mong muốn một khởi đầu mới tốt đẹp cho cả năm. Các sóng truyền hình cũng sẽ phát các hình ảnh mặt trời mọc tại các điểm khác nhau trong nước Nhật để người dân cùng nhau chiêm ngưỡng. Với các gia đình chưa đến đền chùa vào thời khắc giao thừa thì họ sẽ bắt đầu viếng vào ngày đầu tiên này để cầu nguyện cho sức khoẻ, phát đạt, hạnh phúc trong năm mới. Oshogatsu cũng là dịp trẻ em Nhật Bản được nhận tiền mừng tuổi Otoshidama từ người lớn như một lời chúc năm mới khoẻ mạnh.
Ngày mồng hai và ba là thời gian người Nhật thực hiện thăm viếng đầu năm đến bạn bè, người thân, đồng nghiệp và gửi tặng nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.
Trong những ngày đầu năm, người Nhật thường uống rượu sake, thưởng thức món Oseshi truyền thống - một món đồ nguội để hạn chế việc nấu nướng trong những ngày tết.
Sau 3 ngày tết, người Nhật còn có Tết 7 loài hoa vào ngày 7/1, tục làm vỡ bánh dày vào ngày 11/11 và lễ thành nhân ngày 15/1 cho các thanh niên nam nữ tròn 20 tuổi. Sau những ngày này, nước Nhật mới thực sự hết tết và trở lại hoàn toàn với cuộc sống nhộn nhịp hằng ngày.
Carnival Group giới thiệu đến khách hàng hành trình đón năm mới tại Nhật Bản để cảm nhận không khí tưng bừng và vẻ đẹp truyền thống xứ Phù Tang trong ngày lễ đón năm mới lớn nhất trong năm. Tham gia cùng hành trình, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiện đại Tokyo, Osaka, nét cổ kính Kyoto và đặc biệt cùng người Nhật chiêm bái các Đền Chùa linh thiêng để cầu nguyện một năm mới bình an, tài lộc cho cả gia đình.
DanTri