Chín điều khác biệt giữa đại học Mỹ xưa và nay được vietbf chia sẻ dưới đây. Số lượng người vào đại học đã tăng mạnh. Học phí tăng cao và sinh viên phải đối mặt với nhiều áp lực hơn.
1. Nhiều người vào đại học hơn
Lượng sinh viên trúng tuyển đại học ở Mỹ tăng gấp đôi từ năm 1970 đến 2009. Theo Bộ Giáo dục, mùa thu năm 2017, các đại học Mỹ chào đón tổng cộng 20,4 triệu tân sinh viên, nhiều hơn mùa thu năm 2000 khoảng 5,1 triệu người.
Richard Vedder, tác giả và giáo sư danh dự nổi tiếng ở Đại học Ohio nhận xét, do nhu cầu tăng cao, ưu đãi dành cho đại học trong thập kỷ qua đã giảm dần.
Ảnh: Getty Images
2. Tính cạnh tranh cao hơn
Năm 1988, tỷ lệ chấp nhận của Đại học Columbia là 65% nhưng năm 2014 chỉ là 7%, theo US News & World Report. Tương tự, tỷ lệ chấp nhận của Đại học Michigan giảm từ 52% xuống còn 33% trong cùng khoảng thời gian.
Tuy nhiên, tác giả Jacoba Urist của The Atlantic nhận định: “Thực ra, ngày nay vào đại học không khó hơn thập kỷ trước. Chỉ là tỷ lệ trúng tuyển vào trường đại học mà bạn chọn có thể đã giảm”.
3. Học phí đắt hơn
Từ cuối thập niên 80 đến năm học 2017-2018, chi phí của một tấm bằng cử nhân ở đại học công lập tăng 213%, điều chỉnh theo lạm phát.
Lúc trước, học phí trung bình hàng năm cho đại học công lập chỉ là 1.490 USD (hoặc 3.190 USD ngày nay), nhưng hiện là 9.970 USD, theo Student Loan Hero.
Trong cùng giai đoạn, học phí ở đại học tư thục tăng 129%, điều chỉnh theo lạm phát. Cuối những năm 1980, sinh viên đại học tư thục phải bỏ ra 7.050 USD (15.160 USD ngày nay) cho một tấm bằng cử nhân. Hiện chi phí trung bình là 34.740 USD.
4. Sách giáo khoa cũng đắt hơn
Số liệu từ cơ quan kiểm toán tối cao GAO của Mỹ cho thấy, so với 30 năm trước, sách giáo khoa đại học hiện nay đắt hơn 812%. Một cuốn có thể có mức giá lên đến 300 USD và trung bình mỗi sinh viên sẽ phải chi hơn 1.200 USD mỗi năm để mua sách.
Trong bối cảnh đó, sách giáo khoa điện tử ngày càng phát triển, nhằm tiết kiệm đến 1,42 tỷ USD mỗi năm, theo Huffington Post.
5. Áp dụng công nghệ
Thế hệ Y (sinh năm 1981 đến 2000) được hưởng nhiều tiện ích về công nghệ hơn bố mẹ, nhất là so với khi Internet chưa ra đời. Thiết bị di động và máy tính xách tay đang thống trị giảng đường, nhưng chúng cũng gây xao nhãng trong nhiều trường hợp.
Ảnh: Getty Images
Sinh viên ngày nay có thể nhận bài giảng qua Power Point nếu không thể đến lớp. Nhiều trường đại học cấp quyền truy cập vào các bài giảng của giáo sư nhằm hỗ trợ việc học tốt hơn, theo NBC News.
Việc ghi chép truyền thống cũng bị thay thế bởi laptop. Sinh viên cũng có thể đánh giá giáo sư bằng cách xếp hạng trực tuyến và sử dụng mạng xã hội để giữ liên lạc với bạn cùng lớp.
6. Hình thức học trực tuyến
Ngày càng nhiều sinh viên đăng ký các khóa học trực tuyến, điều mà bố mẹ họ không có cơ hội trải nghiệm.
Mùa thu năm 2015 và 2016, tỷ lệ ghi danh khóa học trực tuyến tăng so với ba năm trước đó, theo kết luận của nhóm nghiên cứu khảo sát Babson. Đặc biệt, tỷ lệ này ở nhóm trường công lập tăng đến 7%.
Một cuộc khảo sát trước đây của Business Insider chỉ ra 69% thế hệ Y đánh giá hình thức học qua mạng hiệu quả hơn học trực tiếp, trong khi chỉ 50% người trả lời trên 45 tuổi cảm nhận tương tự.
7. Sinh viên đa dạng hơn
Theo dự án nghiên cứu sinh viên năm 2018 của công ty công nghệ giáo dục Chegg, lấy mẫu hơn 1.000 người học đại học ở Mỹ, số sinh viên thiểu số hiện tại chiếm 42% - khác biệt rõ rệt so với mức 15% của năm 1970.
Nữ giới hiện chiếm hơn nửa số sinh viên; năm 1970, nhóm này chiếm chưa đến một nửa. 40% sinh viên đại học ngày nay trên 25 tuổi, trong khi năm 1970 là 28%.
8. Sinh viên không sùng đạo như trước
Số lượng tân sinh viên không theo tôn giáo tăng từ khoảng 16% năm 2005 lên 25% năm 2014, theo chương trình nghiên cứu của UCLA, khảo sát hơn 150.000 sinh viên năm nhất toàn thời gian ở hơn 200 trường đại học.
Sinh viên tại các trường cao đẳng Công giáo không theo tôn giáo tăng hơn 4% trong cùng khoảng thời gian.
9. Áp lực hơn
Từ năm 2005 đến 2015, tỷ lệ sinh viên năm nhất nói rằng "đôi khi hoặc thường xuyên cảm thấy bị quá tải" tăng 10%, Huffington Post thông tin. Denise Hayes, chủ tịch Hiệp hội Đại học từng trả lời báo chí rằng điều này có thể liên quan đến tài chính và áp lực thành công.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục và Lực lượng lao động tại Đại học Georgetown, 70 đến 80% sinh viên có việc làm khi đi học. 40% trong số đó làm việc hơn 30 giờ một tuần.