Bình Nhưỡng vẫn im lặng về việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, mặc dù sự kiện này có thể tác động đến tình hình bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Khu phi quân sự (DMZ) vào năm 2019 (Ảnh: Reuters).
Tính đến sáng nay 13/11, không có kênh truyền thông nhà nước nào của Triều Tiên đăng bất kỳ bài viết, bình luận hoặc chương trình phát sóng nào về chiến thắng của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tại Mỹ.
Trước đây, Triều Tiên cũng từng giữ im lặng về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Khi ông Trump giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên vào năm 2016, phải 10 ngày sau đó, Bình Nhưỡng mới đề cập đến chiến thắng của ông trong một bài báo do cơ quan ngôn luận của nhà nước Triều Tiên đăng tải với nội dung chỉ trích Hàn Quốc.
Khi Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, Triều Tiên cũng giữ im lặng trong hơn 2 tháng trước khi lần đầu tiên đưa tin về chiến thắng này trên một kênh tuyên truyền, sau khi ông Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức. Động thái của Triều Tiên với chiến thắng của Tổng thống Barack Obama cũng tương tự như vậy.
Sự im lặng của Triều Tiên đặt ra câu hỏi về lý do Bình Nhưỡng lại chọn cách tiếp cận này và khi nào hoặc bằng cách nào họ có thể bày tỏ quan điểm của mình về chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Các chuyên gia cho biết Bình Nhưỡng có thể đang cân nhắc thời điểm thích hợp để bình luận, vì chính quyền Trump mới chỉ bắt đầu công bố nhân sự vào các vị trí phụ trách chính sách đối ngoại quan trọng, bao gồm nghị sĩ Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia và thượng nghị sĩ Marco Rubio làm ngoại trưởng.
Cả ông Waltz và Rubio đều được biết đến là có lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên.
Ông Rubio từng chỉ trích Triều Tiên vì sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa có thể tấn công lục địa Mỹ. Ông cho rằng Washington nên làm "bất cứ điều gì cần thiết" để ngăn chặn Triều Tiên có được các vũ khí như vậy.
Trong khi đó, ông Waltz đã kêu gọi mạnh mẽ áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các công ty năng lượng của Trung Quốc và Nga vì nghi ngờ hỗ trợ Triều Tiên.
Vì nhóm chính sách đối ngoại mới của chính quyền Trump vẫn chưa chính thức nhậm chức, nên Triều Tiên có thể sẽ đợi cho đến khi chính sách của ông Trump về Triều Tiên được định hình trong nhiệm kỳ thứ hai và cho đến khi ông đưa ra tuyên bố ban đầu về Triều Tiên, sau đó Bình Nhưỡng sẽ đưa ra phản ứng của riêng mình.
Một số chuyên gia cho biết thông điệp đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi cho Tổng thống đắc cử Trump có thể sẽ mang giọng điệu cứng rắn hơn là thân thiện, trong bối cảnh các hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo không đạt được kết quả vào năm 2018 và 2019, đồng thời phương Tây lo ngại về hợp tác quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Triều Tiên và Nga.
Triều Tiên và Nga gần đây đã phê chuẩn một hiệp ước phòng thủ mới mà ông Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký vào tháng 6. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Bình Nhưỡng có thể sớm chính thức tuyên bố triển khai quân đội tới Nga để hỗ trợ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có những lời qua tiếng lại, làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Sau đó, ông Trump đã cảnh báo về "lửa và thịnh nộ" đối với Triều Tiên, thậm chí cả hai đều tuyên bố có "nút bấm hạt nhân" trên bàn làm việc của mình.
Nhưng khi làn sóng ngoại giao diễn ra sau đó, ông Trump và ông Kim đã gặp nhau 3 lần, mặc dù các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đã sụp đổ mà không có thỏa thuận nào đạt được vào đầu năm 2019.
VietBFsưu tập