Bệnh chỉ từ miệng mà ra, đồ ăn bạn nạp vào cơ thể hàng ngày sẽ khiến bao tử xuống cấp nghiêm trọng. Để không gặp phải những căn bệnh về dạ dày, bạn nên từ bỏ ngay một số thói quen ăn uống sai lầm sau.
Ăn nhiều món cay
Việc tiêu thụ nhiều ớt trong các bữa ăn hàng ngày khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày rất cao. Đặc biệt, với những người có hội chứng đại tràng kích thích hoặc bị viêm loét dạ dày tá tràng thì vị cay của ớt hoặc những món cay khác có thể phá hủy niêm mạc dạ dày và gây tổn thương dạ dày nghiêm trọng.
Ăn quá no hoặc để cơ thể bị bỏ đói
Khi bạn để cơ thể bị bỏ đói quá lâu, nồng độ axit clohydric và các chất xúc tác trong dạ dày sẽ gia tăng, từ đó dẫn tới tình trạng niêm mạc tự tiêu hóa, gây tổn hại dạ dày. Bên cạnh đó, lúc bạn ăn no quá mức thì dạ dày cũng có thể bị tổn thương vì vỏ dạ dày sẽ nở to và thời gian thức ăn tồn lại trong dạ dày sẽ lâu hơn. Chính vì thế, bạn cần tránh không để dạ dày bị bỏ đói hoặc gặp tình trạng ăn quá no. Ngoài ra, khi đói thì nên ăn uống từ từ và tránh ăn quá nhiều một lúc để không làm dạ dày phải hoạt động quá sức.
Ăn quá nhiều trước khi đi ngủ
Việc ăn nhiều hoặc ăn vặt gần sát giờ đi ngủ, đặc biệt là những loại thực phẩm khó tiêu khiến đường ruột của bạn phải làm việc quá tải, dịch vị dạ dày tiết ra quá mức cũng có thể làm mòn niêm mạc dạ dày. Theo thời gian, tình trạng này nếu tái diễn liên tục còn khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày rất cao.
Uống rượu bia khi đói
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, việc uống đồ chứa cồn có tác động ức chế sự hình thành chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Mặt khác, rượu bia còn kích thích cơ thể tiết ra nhiều axit dịch vị làm tăng khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
Một số triệu chứng khó chịu mà bạn có thể gặp phải lúc này là chướng bụng, nóng người, hơi thở nóng, đau thắt vùng thượng vị... Về lâu dài, nếu không sửa ngay thói quen này thì bạn còn có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày hoặc thậm chí là cả ung thư dạ dày. Do đó, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng đồ có cồn khi dạ dày đang trống rỗng.