Theo như các chuyên gia cho biết đến nay chỉ có rất ít thông tin về năng lực của dòng máy bay chiến đấu tàng hình J-35A của Trung Quốc, tuy nhiên, dù nó được phát triển trong hơn 1 thập kỷ về máy bay chiến đấu tàng hình J-35A của Trung Quốc trở thành tâm điểm của triển lãm hàng không Chu Hải trong tuần này.
Hình ảnh một chiếc máy bay chiến đấu tàng hình J-35A của Trung Quốc. (Ảnh: PLA)
J-35A ra mắt lần đầu tiên vào ngày 12/11, tức 1 ngày sau lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Không quân Trung Quốc. Một phiên bản khác là J-35, được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay của Trung Quốc, cũng sẽ ra mắt tại triển lãm lần này.
Theo các nhà phân tích quân sự, dù phiên bản tiền nhiệm là J-31 đã cất cánh từ hơn 10 năm trước, nhưng đến nay mới chỉ có rất ít thông tin cụ thể về hiệu suất hoặc khả năng tàng hình của J-35 được tiết lộ.
"Vì các hoạt động phát triển công nghệ quân sự của quân đội Trung Quốc thường được giữ kín, nên chúng tôi không chắc chắn về hiệu suất của J-35", nhà phân tích Collin Koh, công tác tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.
"Các nhà khoa học Trung Quốc đã thực hiện nhiều nghiên cứu để cải tiến công nghệ máy bay chiến đấu trong nhiều năm qua, bao gồm công nghệ tàng hình. Vì vậy tôi cho rằng không nên hoài nghi đến mức xem thường dòng máy bay này", ông Koh nói thêm.
J-35 và J-35A được thiết kế và chế tạo bởi Tập đoàn máy bay Thẩm Dương, một đơn vị thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc. Theo bài viết của Nhân dân Nhật báo, J-35A "chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giành lấy và duy trì thế thượng phong trên không”.
Cả hai phiên bản J-35 đều nhỏ hơn đáng kể so với dòng máy bay tàng hình khác J-20 của Trung Quốc. Ước tính có khoảng 200 chiếc J-20 đang hoạt động trong Không quân Trung Quốc.
J-35A có bề ngoài khá giống với dòng tiêm kích F-35 của hãng vũ khí Mỹ Lockheed Martin, với thân máy bay và bảng điều khiển được thiết kế theo cách có thể giảm thiểu khả năng xuất hiện trên radar. Chưa biết liệu các mẫu J-35 có được phủ lớp phủ hấp thụ radar đặc biệt như F-35 hay không, hay có được trang bị các hệ thống thông tin liên lạc và radar khó bị phát hiện hay không.
Trung Quốc gặp khó khăn với việc thiết kế động cơ phản lực hiệu suất cao, và phải dựa vào công nghệ của Nga để chế tạo các phiên bản đầu tiên của máy bay chiến đấu nội địa.
Nhưng các nhà phân tích cho biết, J-31 sử dụng động cơ WS-13 do Trung Quốc thiết kế và J-35A có thể được trang bị động cơ WS-19 tiên tiến hơn, có khả năng mạnh hơn khoảng 10%.
Công nghệ động cơ rất quan trọng đối với máy bay chiến đấu tiên tiến, vì hiệu quả phụ thuộc vào tầm hoạt động lớn hơn, khả năng mang nhiều thiết bị và vũ khí hơn, cũng như tốc độ cao hơn.
"Từ các buổi trình diễn hàng không như vậy cũng không thể chắc chắn về nhiều thứ, ngoại trừ hình dạng của khung máy bay. Động cơ luôn là một câu hỏi", Peter Layton, một chuyên gia quốc phòng và hàng không tại Viện Griffith Châu Á, cho biết
Các tùy viên quân sự nước ngoài và giới nhà phân tích an ninh đang theo dõi chặt chẽ chương trình phát triển các phiên bản J-35, vì chúng đóng vai trò quan trọng trong chương trình tàu sân bay của Bắc Kinh.