Từ đầu năm đến nay, băng đrôn quảng cáo các chương trình ca nhạc nở rộ trên đường phố Hà Nội. Nhìn vào sự náo nhiệt của các chương trình, tưởng như người Thủ đô sẽ dễ dàng chọn được "món ngon", hợp sở thích. Song, thực tế, để có một đêm thưởng thức nghệ thuật, khán giả cũng phải dứt ruột rút hầu bao để mua những chiếc vé có giá "khủng".
Chưa bao giờ, sân khấu biểu diễn âm nhạc của Hà Nội lại đa sắc màu và đa phong cách như hiện nay. Các chương trình không chỉ là nhạc teen phục vụ cho giới trẻ mà cả nhạc đỏ, nhạc "sến" và những chương trình biểu diễn tác phẩm của các nhạc sĩ tên tuổi như: Trịnh Công Sơn, Văn Cao... Thêm cả những liveshow của các ca sĩ đang được xếp vào hạng "hot" của thị trường nhạc Việt như: Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm... Nở rộ trong thời gian này còn là dòng chảy livehsow các ca sĩ từ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn. Bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái đến nay, ca sĩ Tuấn Vũ "ăn nên làm ra" tại Việt Nam với gần 20 liveshow cá nhân, mà lúc nào khán phòng cũng chật kín người xem. Sau Tuấn Vũ là Giao Linh, Trường Vũ, Phi Nhung, Thanh Hà, Minh Tuyết, Tuấn Ngọc, Khánh Hà,... cũng tới tấp "bay sô".
Đến nhạc đỏ - thể loại gần như chưa bao giờ có ca sĩ tổ chức liveshow - cũng đã lên sân khấu. NSƯT Việt Hoàn, sau 20 năm ca hát đã tiên phong tổ chức liveshow "Tiếng hát từ trái tim tôi". Tưởng Việt Hoàn sẽ phải chật vật bán vé cho sô diễn của mình. Nhưng thật bất ngờ, khán giả đã đến chật khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Liveshow "xếp hàng" ở các sân khấu biểu diễn là thế, nhưng giá vé xem nghệ thuật càng ngày càng "ngất ngưởng". Chi phí tổ chức chương trình lớn, bầu sô đẩy giá lên cao để kiếm lời là điều dễ nhận ra. Nhưng có đi vào "hậu trường" của các đêm diễn mới biết, nhiều khi giá vé "khủng" lại là vì ca sĩ phải "chơi trội" để mong khẳng định "đẳng cấp". Ví như Đàm Vĩnh Hưng, dù đang là ca sĩ thị trường số 1 ở Việt Nam, nhưng để thu hút người xem, anh đã phải áp dụng nhiều chiêu "độc" cho liveshow "Dạ tiệc trắng 3" (tháng 1/2011): Biến sảnh của khách sạn Melia Hà Nội thành sân khấu phủ đầy tuyết trắng, đưa ra rất nhiều kỷ lục cho đêm diễn. Khán giả đến với đêm diễn được chăm sóc như những ông hoàng, bà chúa, được nghe Mr. Đàm và những "ngôi sao" ca nhạc hát gần như thâu đêm. Sắp tới, liveshow của ca sĩ hải ngoại Quang Lê mang tên "Đôi mắt người xưa" cũng được xem là "khủng". Bên cạnh những tên tuổi có tiếng như: MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Giao Linh, Tuấn Vũ, Thanh Hà... chương trình còn được đầu tư lớn về kinh phí. Không tính phần hỗ trợ của ban tổ chức, riêng liveshow diễn ra tại Hà Nội, Quang Lê tự bỏ 40.000 USD để đầu tư trang trí sân khấu và âm thanh, ánh sáng. Quang Lê không chỉ hát những ca khúc quen thuộc gắn với tên tuổi như: Đôi mắt người xưa, Đập vỡ cây đàn, Chim sáo ngày xưa, Tương tư nàng ca sĩ... mà anh còn hát theo yêu cầu của khán giả.
Âm nhạc thời tăng giá thoải mái được chọn lựa, nhưng cũng tốn kém không ít. Để có một đêm thưởng thức nghệ thuật, khán giả phải bỏ ra ít nhất là 500 nghìn đồng cho một liveshow được đầu tư vừa phải. Còn với những liveshow được coi là "khủng" thì số tiền chi phí cho một vé lên tới 2 triệu, 3 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng. Nếu so với thu nhập của giới công chức thì thật… xa xỉ. Thế mà, các liveshow vẫn chật kín người xem. Nhà tổ chức, ca sỹ thu về một khoản hời lớn. Nhìn vào thực tế, góc biểu diễn này hóa ra chỉ phục vụ những người có thu nhập cao chứ chẳng đại chúng.
Âm nhạc vốn là loại hình văn hóa đầy tính đại chúng. Song văn hóa kia với giá vé ngất ngưởng như vậy thì là văn hóa cho ai? Âm nhạc cũng được coi là hàng hóa của thị trường giải trí. Thời tăng giá, các mặt hàng của thị trường có chính sách bình ổn giá, tại sao âm nhạc lại không? Câu hỏi này xin dành cho các nhà quản lý văn hóa.
KTĐT