Hoàng đế La Mã thường chết đau đớn kinh hoàng. Nhưng tại sao? Theo một nghiên cứu, hoàng đế La Mã thường có cái chết đau đớn và tàn khốc hơn cả võ sĩ giác đấu. Hiếm có ông hoàng nào qua đời vì nguyên nhân tự nhiên như tuổi già, bệnh tật. Thay vào đó, họ bị giết chết một cách kinh hoàng.
Giáo sư Joseph Saleh tại Atlanta, Mỹ mới công bố kết quả nghiên cứu đáng chú ý về cái chết đầy bạo lực của các hoàng đế La Mã.
Cụ thể, từ năm 14 - 395 sau công nguyên, 43 trong số 69 ông hoàng La Mã (tức chiếm 62%) qua đời một cách tàn khốc và đẫm máu.
Những nhà vua này bị giết chết trong một trận chiến hoặc bị ám sát. Con số này chỉ là một phần của sự thực rùng rợn về số phận của hoàng đế trị vì đế chế La Mã.
Một võ sĩ giác đấu có tỷ lệ sống sót sau cuộc so tài tàn khốc trên đấu trường cao hơn hoàng đế qua đời vì nguyên nhân tự nhiên.
Trên thực tế, nhiều ông hoàng La Mã qua đời trong đau đớn. Ví dụ như vua Publius Septimius Geta qua đời năm 211 sau Công nguyên.
Vua Geta bị người anh trai lập mưu giết hại và băng hà khi mới 21 tuổi. Sau khi lên ngôi, anh trai của Geta là Caracalla cũng bị ám sát dẫn đến tử vong năm 217.
Hoàng đế Marcus Aurelius Commodus Antoninus trị vì La Mã từ năm 177 - 192 cũng có cái chết đầu đau đớn. Sau khi thoát khỏi âm mưu ám sát bằng thuốc độc, vua Antoninus bị một đô vật bóp cổ đến tắt thở khi ông hoàng đang tắm.
Đô vật này ám sát Antoninus theo lệnh của các thượng nghị sĩ La Mã bất mãn với cách trị vì của nhà vua.
Kế quả nghiên cứu của ông Saleh chỉ ra, hoàng đế La Mã có nguy cơ tử vong cao nhất trong năm đầu tiên nắm quyền. Nếu nhà vua sống sót sau 7 năm trị vì vì tỷ lệ tử vong của ông giảm đáng kể.
Tuy nhiên, nếu ông hoàng nào trị vì đến năm thứ 12 thì nguy cơ bị giết chết lại tăng cao trở lại do các đại thần và thần dân mất hết niềm tin vào sự cai trị của họ.
VietBF@ sưu tầm.