Có người cho rằng lớp cặn là dầu mỡ, ăn vào không tốt cho cơ thể nên phải loại bỏ, có ý kiến phản bác lớp bọt để lâu sẽ khiến nước súp đậm đà.
Lẩu là món ăn quen thuộc trong các bữa tiệc gia đình hoặc tụ tập bạn bè, nhất là vào mùa lạnh. Tuy nhiên, khi nấu lẩu, lớp bọt trắng đục nổi lên trên mặt nước luôn khiến nhiều người phân vân: Có nên loại bỏ lớp bọt này không? Liệu ăn vào có ảnh hưởng đến sức khỏe?
Katsuhiro Saito, giáo sư danh dự tại Viện Công nghệ Nagoya ở Nhật Bản, từng viết một cuốn sách giải thích về bọt trong nồi. Nó thực chất đến từ các thành phần hòa tan trong nước, bao gồm: máu động vật, bạch huyết, chất béo, protein trong hải sản hoặc thực vật... Chúng đông đặc lại khi tiếp xúc với mức nhiệt độ nhất định, về bản chất chúng vẫn là thực phẩm và có thể ăn được.
Tuy nhiên, theo giáo sư Saito, không có gì đảm bảo rằng tất cả nguyên liệu đều đã được rửa sạch và sơ chế một cách chính xác. Đồng thời, lớp bọt này cũng có mùi vị lạ, nấu lâu có thể ảnh hưởng đến mùi vị và hình thức món ăn. Vì vậy, nên loại bỏ lớp bọt nổi trên nồi lẩu.
Không chỉ lẩu, khi nấu súp, luộc thịt cũng nổi lên lớp bọt. Vì vậy, chuyên gia khuyên bạn nên rửa qua nước để loại bỏ tạp chất trước khi cho vào nồi nấu.
Ngoài ra, chuyên gia cũng đưa ra 5 bí quyết để ăn lẩu một cách an toàn trong mùa lạnh:
- Rửa sạch nguyên liệu: Đảm bảo thịt, hải sản và rau được rửa kỹ trước khi cho vào nồi.
- Chần sơ thịt sống: Luộc sơ thịt và xương trước khi nấu lẩu để loại bỏ máu thừa và tạp chất.
- Hớt bọt thường xuyên: Dùng vá hoặc muôi hớt bọt ngay khi chúng xuất hiện.
- Chọn nước lẩu lành mạnh: Hạn chế các loại lẩu nhiều dầu mỡ, cay nóng quá mức. Lẩu nấm hoặc lẩu gà thanh đạm là lựa chọn tốt hơn.
- Ăn điều độ: Không nên ăn lẩu quá thường xuyên, chỉ ăn 1-2 lần mỗi tháng để tránh dư thừa đạm, chất béo và gia vị.
|