Khi đi đường đèo dốc, dù là tài xế đã điều khiển xe lâu năm hay lái mới đều cần chú ý quan sát, thật cẩn thận, không được chủ quan.
Không chủ quan với sương mù
Hôm qua (3/12), hình ảnh một chiếc Toyota Land Cruiser được cẩu lên ở khu vực đèo Đá Trắng (Hoà Bình) thu hút sự quan tâm của nhiều người khi hình dạng chiếc xe không biến dạng quá nhiều. Tuy nhiên, việc ô tô gặp tai nạn như vậy khiến nhiều lái mới chưa từng đi cung đường đèo dốc lo lắng nếu phải di chuyển loại đường này thì làm như thế nào?
Đầu tiên, với các cung đường đèo dốc ở vùng núi cao, sáng sớm có thể sẽ nhiều sương mù khiến việc quan sát khó khăn.
Theo kinh nghiệm của các tài xế lâu năm, khi lái xe ở những đoạn đường nhiều sương mù, để dễ quan sát, bên cạnh việc đi chậm, tránh vượt xe thì ô tô cũng cần có đèn ánh sáng vàng.
"Trên các xe đời cũ hoặc bản thấp, chỉ sử dụng đèn halogen có ánh sáng vàng, hỗ trợ việc quan sát đường trong điều kiện sương mù tốt hơn. Nhưng với các xe sử dụng đèn chiếu sáng LED hiện đại, ánh sáng trắng sẽ rất khó quan sát. Để khắc phục ít tốn kém chi phí trang bị thêm đèn phá sương, tài xế có thể sử dụng giấy bóng màu vàng hoặc đỏ, dán vào đèn khi cần thiết để di chuyển trong điều kiện sương mù. Cục CSGT cũng đã từng hướng dẫn cách làm này", một tài xế có 10 năm kinh nghiệm lái xe chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia về an toàn, PGS.TS Lý Hùng Anh, giám khảo Hội đồng kỹ thuật Chương trình thử nghiệm và đánh giá an toàn ô tô mới khu vực ASEAN (ASEAN NCAP) cho rằng, trong các chương trình giảng dạy, đào tạo kỹ năng lái xe đều đã hướng dẫn đầy đủ về vấn đề sử dụng số nào khi lên, đổ đèo. Đó là khi đổ đèo phải dùng số để sử dụng lực hãm của động cơ để giảm tốc.
"Có trường hợp người lái xe giỏi, có khả năng nhấp nhả phanh khi đổ đèo vẫn dùng số D không bị làm sao. Nhưng chẳng may có chuyện gì xảy ra thì không biết được. Bởi vẫn có nguy cơ hệ thống phanh không được bảo trì tốt thì vẫn tiềm ẩn tai nạn. Nhưng quan điểm khi lái xe thì an toàn là trên hết. Vì vậy để an toàn thì vẫn phải về số thấp, sử dụng sức hãm động cơ.
Với xe con, việc phanh đơn giản hơn nhưng xe tải hay xe chở khách có thể rất khó khăn nếu không dùng số thấp đổ đèo bởi trọng tải xe rất lớn", PGS.TS Lý Hùng Anh chia sẻ thêm.
Lái xe đường đèo dốc sao cho đúng cách?
Trao đổi với PV, một giảng viên đào tạo lái xe của Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Học viện An ninh (C500) cho biết, với ô tô có hai loại xe là số sàn và số tự động. Nếu là xe số sàn thì lên đèo số nào thì đổ đèo bằng số đó là an toàn nhất.
Còn với xe số tự động thì lên đèo hoặc xuống đèo thì đều phải đi số thấp. Một số xe sẽ gọi là số tay (M), số L, S hoặc 1,2… Lái xe muốn đảm bảo an toàn thì kể cả khi đổ đèo cũng vẫn phải về số thấp để đảm bảo an toàn.
"Còn nếu đổ đèo mà để số D, đường ngoằn ngoèo, dốc chạy tốc độ nhanh sẽ không đánh lái kịp. Đường đèo cũng không ai đi nhanh bởi đi càng nhanh, đèo các dốc thì càng phải rà phanh nhiều. Khi đó rất dễ nóng tăng-bua. Dù hệ thống phanh hiện đại bây giờ có trợ lực nhưng vẫn không thể an toàn.
Bên cạnh đó, nếu lên dốc để số D sẽ bị yếu đà, khi phanh giữa dốc rồi tiếp tục đạp ga để đi sẽ rất hại côn. Có những trường hợp người lái không quen xe, để số D để lên đèo xong lên đến nơi côn cháy khét, chi phí sửa chữa lớn.
Còn nếu để số thấp/ số tay thì xe cứ thế bò lên, áp dụng đúng nguyên tắc như xe số sàn là lên số nào, đổ đèo số đó.
Cũng có trường hợp đèo không dốc thì để số D đổ đèo cũng được nhưng sẽ hay phải rà chân phanh. Lái xe mà hay rà chân phanh thì cũng không tốt bởi cái gì sử dụng nhiều cũng nhanh hao mòn, hư hỏng", giảng viên đào tạo lái xe nói thêm.
|