Trong 5 năm qua, giá bất động sản Việt Nam tăng bình quân 59% - mức tăng trưởng nhanh so với thế giới, theo thống kê của Global Property Guide.Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam (VRES) 2024, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, dẫn số liệu từ Global Property Guide cho thấy giá bất động sản Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng so với thế giới.
Tăng trưởng giá bất động sản trong 5 năm (2019-2024) của Việt Nam đạt mức 59%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ (54%), Australia (49%), Nhật Bản (41%), Singapore (37%)...
Giá tăng cao khiến lợi suất cho thuê bất động sản ở Việt Nam chỉ khoảng 4%, trong khi nhiều quốc gia khác như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Anh, Australia, Mỹ có lợi suất cho thuê bất động sản dao động 5-7%.
Các động lực của bất động sản
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, kinh tế, quản lý và xã hội là 3 yếu tố chính tác động đến giá bất động sản.
Vị chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người mạnh mẽ, hiện ở mức 34,8%, cao hơn trung bình thế giới (20,8%) và các nước đang phát triển (22%). Mặt khác, tốc độ tăng lạm phát cũng ở mức cao hơn so với trung bình các nước.
Trong khi đó, môi trường lãi suất ở Việt Nam đang dần trở về mức thuận lợi hơn và tỷ trọng tài sản tích trữ trong GDP khá cao (32,8%), đứng thứ 27 trên thế giới (trung bình 27,1%).
Với lượng tiền tích trữ, người Việt Nam có một số kênh đầu tư chính như thị trường tài chính, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, kênh đầu tư vàng nhiều biến động, rủi ro và có chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, kênh ngoại tệ và gửi tiết kiệm có lợi suất ở mức khá thấp, trong khoảng 9-13%/2 năm.
Còn bất động sản được đánh giá là kênh đầu tư có lợi suất tốt nhất tại Việt Nam trong 10 năm qua. Tính toán của Batdongsan.com.vn giữa 2 thời điểm quý I/2015 và quý IV/2024 cho thấy tỷ suất lợi nhuận của chung cư đạt 197% và đất nền đạt 137%.
Yếu tố thứ hai là cách tiếp cận với quản lý thuế, Chính phủ xem đây vừa là nguồn thu, vừa là công cụ quản lý thị trường. Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy tỷ trọng thuế bất động sản trong GDP Việt Nam đang ở mức 0,03%, thấp hơn so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Singapore (1,5%), Nhật Bản (2,6%), Hàn Quốc (4%).
Tham khảo một số quốc gia nổi bật trên thế giới, ông Quốc Anh cho rằng thuế bất động sản có thể được sử dụng làm chính sách quản lý thị trường và tối ưu nguồn thu. Tuy nhiên, trước khi áp dụng tại Việt Nam, nhiều thách thức về lý thuyết và vận hành cần được cân nhắc phù hợp.Cuối cùng là yếu tố xã hội. Theo ông Quốc Anh, dân số và tốc độ đô thị hóa của Việt Nam cho thấy nhiều cơ hội cho tăng trưởng nhu cầu bất động sản. Xu hướng gia đình nhỏ hơn cũng thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản cho thế hệ sau thừa kế và hành trình tự sở hữu nhà của người trẻ.
Ngoài ra, về mặt văn hóa, người Việt Nam có nguyện vọng lớn với việc sở hữu bất động sản trong đời.
Người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung vẫn kỳ vọng cao về việc sở hữu bất động sản, với các lý do phổ biến gồm lợi suất cao và ổn định, thị trường tài chính chưa phát triển, sự công nhận từ xã hội và tài sản - nơi sinh sống cho gia đình.
Bài toán điều tiết giá bất động sản
Hiện Việt Nam lọt top quốc gia có tỷ lệ sở hữu bất động sản cao nhất thế giới với 90%, cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore (88%), Indonesia (84%) và cao hơn Mỹ (66%), Australia (66%)...
Theo các chuyên gia, việc bất động sản tăng giá nhanh không phải là dấu hiệu tốt mà ngược lại đang gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế, xã hội. Điều tiết giá bất động sản về mức ổn định, phù hợp với thu nhập của người lao động là bài toán Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên tục đặt ra thời gian qua.
Tại Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, vừa được Quốc hội thông qua chiều 23/11, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, các bộ ngành và địa phương có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng thị trường bất động sản.
Quốc hội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan có biện pháp điều tiết để đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu; tăng nguồn cung bất động sản giá thấp; đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.
|
|