Amanda Yao nổi tiếng khi cởi mở trò chuyện về việc mình nặng 100 kg và là một trong số ít nhà sản xuất quần áo cao cấp cho những cô nàng ngoại cỡ tại Trung Quốc.
Là chủ của một thương hiệu thời trang big size (ngoại cỡ) tại trung tâm sản xuất Quảng Châu, Trung Quốc, Amanda Yao đang thực hiện sứ mệnh thúc đẩy thái độ tích cực về cơ thể.
Yao cũng là một trong một nhóm ngày càng tăng của những phụ nữ thách thức các tiêu chuẩn sắc đẹp hạn chế tại đất nước tỷ dân - trong đó chỉ tôn vinh nét đẹp bayby (trẻ con), gầy và làn da trắng.
Tiêu chuẩn hạn hẹp
"Không cô gái đẹp nào nặng trên 50 kg" là câu nói lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Những trào lưu ủng hộ cho tiêu chuẩn "gầy mới đẹp" từng bùng nổ có thể kể đến như: nuôi cá trong xương quai xanh, vòng tay chạm rốn hay vòng eo A4 (trong đó một vòng eo chuẩn được cho là chỉ rộng bằng bề ngang một tờ giấy A4".
Đó là một trong rất nhiều định kiến về cái đẹp mà những phụ nữ như Yao đang cố gắng xóa bỏ.
Yao sản xuất quần áo thời trang cao cấp dành cho phụ nữ ngoại cỡ, mang đến sự tương phản sống động so với những sản phẩm cắt may kém chất lượng, thường có màu tối nhằm tạo hiệu ứng "làm thon gọn".
"Tôi muốn khách hàng của mình có những bộ quần áo thể hiện được con người bên trong họ, thay vì những bộ đồ vô hồn chỉ giúp họ trông gầy hơn", doạnh nhân 35 tuổi nói với AFP.
Yao cho biết khi nói đến quần áo, hầu hết nhà bán lẻ Trung Quốc luôn tập trung vào kích cỡ nhỏ và "nghĩ rằng những người ngoại cỡ không cần thời trang và không cần quần áo đẹp".
"Nhưng chúng tôi có công việc, chúng tôi có gia đình, chúng tôi có cuộc sống đàng hoàng, và chúng tôi cũng cần quần áo đẹp", Yao nhấn mạnh.
Để quảng bá cho cửa hàng trực tuyến của mình, Yao đăng ảnh trang phục của cô lên ứng dụng Xiaohongshu (mạng xã hội giống Instagram của Trung Quốc), thường là quần legging và áo tập bó sát.
"Hãy từ bỏ nỗi lo lắng về cơ thể. Có sao đâu khi tôi mặc áo hai dây và có bắp tay to", Yao, người công khai nói về cân nặng 100 kg, đã viết trong một bài đăng gửi đến hơn 15.000 người theo dõi.
Yao bắt đầu bán quần áo ngoại cỡ cách đây 4 năm sau khi trở về từ Vương quốc Anh, nơi cô đã có nhiều năm làm việc.
"Tôi nhận thấy mua quần áo ở đây (Trung Quốc) đặc biệt khó", cô nói.
Những món hàng được đặt online thường không giống với ảnh của người bán và Yao phát ngán với "những bộ quần áo rất xấu".
Tại văn phòng và phòng trưng bày của mình tại Quảng Châu vào tháng này, cô đã giới thiệu chiếc áo khoác lụa màu hồng theo phong cách Trung Hoa từ thương hiệu Yue Design của mình, đồng thời trình diễn bộ váy và áo len cardigan màu xanh lá cây tươi sáng.
"Tôi không bao giờ đăng ảnh mình mặc đồ đen lên mạng", Yao nói.
Bằng cách tránh những màu sắc thường được khuyên dùng cho phụ nữ có thân hình to lớn, cô khuyến khích một số khách hàng của mình chọn những thiết kế tươi sáng và vui tươi hơn.
Những bước tiến
Trong khi các lựa chọn trang phục dành cho người ngoại cỡ vẫn còn hạn chế, một số thương hiệu Trung Quốc đã có các bước thay đổi để trở nên toàn diện hơn trong những năm gần đây.
Thương hiệu đồ lót Neiwai và công ty đồ ngủ An Action A Day đã sử dụng những người mẫu ngoại cỡ trong quảng cáo của họ, dù hầu hết mặt hàng của họ chỉ dành cho phụ nữ có cân nặng dưới 70 kg.
Bên cạnh Yao, những người có sức ảnh hưởng khác ở Trung Quốc cũng nhận thấy ngày càng nhiều khán giả háo hức theo dõi bài đăng về việc chấp nhận bản thân, ngắm nhìn những bức ảnh họ tận hưởng thời trang và ăn uống, bất chấp áp lực phải ăn kiêng.Trên Xiaohongshu, hashtag "từ chối lo lắng về cơ thể" xuất hiện trong gần 200.000 bài đăng.
Nhưng đây vẫn còn là phần khác biệt so với hầu hết nội dung hình ảnh cơ thể trên mạng xã hội Trung Quốc.
Nỗi lo lắng về ngoại hình vẫn ám ảnh phụ nữ. Stephanie Ng, người điều hành tổ chức sức khỏe tâm thần Body Banter có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), cho biết khi liên tục tiếp xúc với các dáng người lý tưởng, mọi người "bắt đầu nhầm lẫn giá trị bản thân với ngoại hình của họ" .
Ng cho biết điều đó gây ra những hậu quả nguy hiểm, bao gồm thói ăn kiêng khắc nghiệt và chứng rối loạn ăn uống.
Có rất ít dữ liệu chính thức về chứng rối loạn ăn uống ở Trung Quốc, nhưng Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải đã báo cáo rằng số bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống đã tăng từ 8 bệnh nhân vào năm 2002 lên 3.000 bệnh nhân vào năm 2021, theo đài truyền hình CGTN.
Mặc dù Yao đã xây dựng được lượng người theo dõi trung thành, các bài đăng của cô cũng có thể thu hút những bình luận mỉa mai đầy tàn nhẫn.
"Dám đăng một bức ảnh xấu xí khoe lớp mỡ trên cơ thể mình không đồng nghĩa với sự tự tin", một người bình luận dưới một trong những bài đăng tập luyện của Yao.
Cô cho biết những lời chỉ trích chỉ khiến cô quyết tâm hơn. "Tôi muốn giúp những người phụ nữ đang cảm thấy ghét bản thân nhìn nhận lại mình theo một cách mới", Yao nói.
|