Cổ nhân thường nói "Tam bất hủ" (3 điều không bao giờ hư mất), tức một người có thể lập đức, lập công, lập ngôn. Từ cổ chí kim, có thể làm được 3 điều trên chỉ có 3 người là Khổng Tử, Vương Dương Minh và Tăng Quốc Phiên.
Tăng Quốc Phiên đúc kết kinh nghiệm đời người viết thành sách khuyên răn con người, trong đó có một câu "Nhân bại do lười biếng, sự bại do kiêu ngạo, gia bại do hoang phí". Đây là then chốt của một người có thể thành tài hay không và cũng là nền móng cho sự suy thịnh của một gia đình.
1. Nhân bại do lười biếng
Tăng Quốc Phiên một vị quan lỗi lạc thời nhà Thanh, vốn hồi nhỏ không thông minh, tham gia các kỳ thi nhưng không đỗ đạt, thậm chí kỳ thi hương đầu tiên bị một vị quan mắng là ngu xuẩn, không từ bỏ, ông quyết tâm thi lại đến lần thứ 7 mới đỗ tú tài, có thể nói là thi cử lận đận.
Ông còn là con trưởng và cháu đích tôn của dòng họ, sinh ra đã phải chịu áp lực rất lớn của gia tộc, không cần nói cũng có thể hiểu được hoàn cảnh của ông. Biết bản thân có phần kém hơn người khác về mặt trí tuệ, nên ông chỉ có thể chăm chỉ cần cù, tiến bộ dần dần và cứ thế kiên trì dùi mài kinh sử mười mấy năm.
Tăng Quốc Phiên cũng thường căn dặn con cháu "Trong khó khăn, cần cù chịu khó, đi từng bước từng bước, chầm chậm vượt qua, tự nhiên sẽ cải thiện bản thân". Tất cả con cháu của ông hàng ngày đều phải quét dọn sân vườn, từ nhỏ đến lớn không được ăn không làm biếng.
Tục ngữ có câu "Có công mài sắt, có ngày nên kim", bạn bỏ ra công sức mới có thu hoạch. Nếu chỉ nghĩ đến việc đến đi đường tắt, khôn lỏi, khả năng đến lúc nào đó bạn sẽ bị lật tẩy "nguyên hình".
Cơ hội chỉ giành cho người có sự chuẩn bị, chăm chỉ cần cù, mới có thể nắm bắt thời cơ.
2. Sự bại do kiêu ngạo
Trong kinh dịch có giảng "Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục dã", ý nói người quân tử lấy thái độ khiêm tốn để giữ mình, tu dưỡng mình, cho mình là thấp hơn người khác.
Một người dù công lao có to lớn đến đâu, nhưng luôn khiêm tốn cẩn trọng, cư xử khiêm nhường với người xung quanh, chắc chắn sẽ được nhiều người quý mến.
Ngược lại người này sau khi thành công thì bắt đầu có thái độ kiêu căng ngạo mạn, cảm thấy bản thân tài giỏi hơn người, xem thường người khác thì hẳn rằng mọi người sẽ dần dần xa lánh. Không ai muốn kết giao với kiểu người như vậy, đây chính là khởi đầu cho sự thất bại.
3. Gia bại do hoang phí
Tư Mã Quang từng nói "Quân tử đa dục tắc tham mộ phú quý, uổng đạo tốc họa; tiểu nhân đa dục tắc đa cầu uổng dụng; bại gia tang thân"
Ý nói bậc quân tử mà ham muốn nhiều thì sẽ trọng vật chất và lạc sang đường tà; kẻ tiểu nhân mà có nhiều ham muốn thì sẽ truy cầu phú quý và hậu quả là tán gia bại sản và mất mạng.
Dục vọng và lòng ham muốn của con người là vô hạn, cái hố xa xỉ một khi mở ra thì sẽ khó có thể đóng lại.
Lòng ham muốn sẽ từ từ gặm nhấm, dần đưa gia đình đó trở nên khánh kiệt. Điều này càng thể hiện ở trong một bộ phận lớp trẻ ngày nay, rõ ràng thu nhập không cao, nhưng lại luôn xài hàng hiệu, xuất hiện trong những bữa tiệc sang chảnh, đi du lịch đây đó, khiến người ngoài ao ước ngưỡng mộ, nhưng bản thân không có khả năng chi trả, thì đi vay nợ. Ngập trong nợ nần rồi gia đình lại là người nai lưng ra trả.
Nếu đang theo đuổi những vật chất phù phiếm thì nhất định bạn phải tỉnh táo. Hưởng thụ nhưng phải biết chừng mực, đừng làm ảnh hưởng đến gia đình.
Một người lười biếng sẽ không có chí tiến thủ, một người kiêu ngạo sẽ không hiểu đạo lý đối nhân xử thế, một người hoang phí lâu ngày sẽ chìm đắm trong u mê không thể thoát ra. Đây chính là khởi đầu tai họa của đời người.
VietBF@sưu tập